Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành du lịch thế giới bị giáng đòn nặng nề như thế. Con virus corona với nhiều biến chủng mới đã gây thiệt hại riêng cho ngành du lịch 1.300 tỷ USD, gấp 11 lần so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Không những thế nó còn đe dọa 100-120 triệu việc làm trong ngành du lịch. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ giảm cao nhất, lên đến 84% với khoảng 300 triệu lượt khách ít hơn năm trước. Khu vực Trung Đông và châu Phi giảm 75%, châu Mỹ giảm 69%. Riêng khu vực châu Âu, số lượt khách đến giảm 70% nhưng lên đến hơn 500 triệu lượt.
Một số nước đã bắt đầu triển khai việc tiêm vaccine trên diện rộng, trước tiên cho các đối tượng ưu tiên trong lĩnh vực y tế, người cao tuổi, người có có bệnh nền dễ bị nguy hiểm khi mắc Covid-19. Những hy vọng vì vậy được thắp lên nhưng viễn cảnh để ngành du lịch hồi phục còn khá mờ mịt.
Khảo sát mới đây của UNWTO cho thấy 50% nhận định ngành du lịch sẽ phục hồi từ năm 2022, 50% còn lại cho rằng sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2021, giảm khá nhiều so với khảo sát hồi tháng 10-2020 là 79%.
Tín hiệu còn bớt lạc quan khi có đến 30% số chuyên gia được khảo sát cho rằng tình hình năm 2021 của ngành du lịch còn ảm đạm hơn năm 2020.
Ảnh minh họa.
Vaccine hiện được coi là cứu cánh quan trọng của ngành du lịch. Nhưng trở ngại rất lớn là việc thực hiện tiêm vaccine không đồng đều giữa các nước trên thế giới.
Thứ nhất, lượng vaccine được mua hay đặt mua để tiêm cho người dân giữa các nước giàu và các nước nghèo có sự khác biệt lớn. Trong khi nhiều nước giàu đã triển khai tiêm trên diện rộng cho các nhóm được ưu tiên, các nước nghèo phải chờ các chương trình viện trợ quốc tế.
Thứ hai, chủng loại vaccine được sử dụng. 2 nguồn vaccine chính hiện nay ở các nước phát triển là Pfizer-BioNTech và AstraZeneca, tuy nhiên các nước lớn như Trung Quốc, Nga cũng có vaccine của riêng mình. Hiệu quả của các loại vaccine khác nhau, đặc biệt là độ tin cậy của vaccine Nga và Trung Quốc.
Trong diễn biến mới đây, Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) dự kiến sớm triển khai và áp dụng Thẻ Du lịch Covid (Digital Covid Travel Pass), ứng dụng cho phép người đã tiêm vaccine tăng khả năng tự do đi lại và không phải thực hiện cách ly khi đến một nước hay vùng lãnh thổ khác.
Việc xác nhận không nhiễm Covid-19 trong vòng 72 tiếng đồng hồ đã được áp dụng ở biên giới hay cửa khẩu nhiều nước. Tuy nhiên, vấn đề giấy chứng nhận giả hay giấy thật nhưng kết quả giả, đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Pháp, Anh, Malaysia đã phát hiện nhiều người sử dụng sử dụng giấy chứng nhận giả khi nhập cảnh, có nhiều nghi vấn là tội phạm có tổ chức.
Trong trường hợp ứng dụng chứng nhận đã tiêm vaccine hay âm tính với Covid-19 được IATA áp dụng rộng rãi, dựa trên nền tảng công nghệ khối chuỗi (blockchain), vẫn phải lưu ý những rủi ro có thể phát sinh.
Thí dụ, kết quả xét nghiệm bị đánh tráo, khi đã lưu vào hệ thống không thể chỉnh sửa. Bên cạnh đó, việc các nước có công nhận vaccine lẫn nhau hay không, loại vaccine nào được chấp nhận vẫn còn nhiều tranh cãi.
Khi vaccine được phổ biến rộng rãi, ngành du lịch chắn chắc sẽ khởi sắc mạnh mẽ vì nhu cầu đi lại bị kìm nén sau thời gian dài. Tầng lớp trung lưu và giàu có trong giai đoạn giãn cách xã hội đã miễn cưỡng không chi tiêu nhiều nên các khoản tiết kiệm tăng nhanh, do đó sẽ chi tiêu hào phóng hơn khi được đi lại.
Vấn đề lúc này là việc tiếp cận vaccine của các nhóm dân cư trong cùng một nước, giữa nước giàu và nước nghèo để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, các vấn đề kỹ thuật như đảm bảo tính xác thực của chứng nhận, hay sự tương đồng và công nhận tính hiệu quả của các loại vaccine cũng cần được giải quyết sớm.
Có những thứ nằm ngoài tầm tay chỉ biết chờ may rủi. Đây chính là trạng thái lúc này của ngành du lịch thế giới. Vì lẽ đó, ngành du lịch chỉ có cách giữ mình và chờ thời, mong rằng mây đen sẽ tan, trời quang mây tạnh kể từ năm 2022.
Kỳ nghỉ đông đã trôi qua và niềm hy vọng kỳ nghỉ hè sắp tới nhưng rất mong manh, nên năm 2021 với ngành du lịch chỉ cần không tệ hơn 2020 đã là thành tích.