Gắng gượng bất thành
Tết Nguyên đán Tân Sửu hẳn sẽ là cái tết đáng nhớ nhất với những người làm trong lĩnh vực du lịch khi phải đóng cửa nghỉ tết sớm. Vào thời điểm 2 tháng trước tết khi không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, các DN dù vẫn còn yếu nhưng cũng nỗ lực đón sức cầu của thị trường để vực lại mình, vực dậy ngành.
Thế nhưng sự trở lại của con viruscorona biến thể mới đã làm đảo lộn tất cả. DN buộc phải hủy, hoãn tour đến những vùng dịch để đảm bảo an toàn cho du khách. Thậm chí những vùng không có dịch khách cũng e dè, muốn hoàn tiền vì lo ngại dịch bệnh. Tiền phải hoàn về cho khách nhưng những khoản thanh toán cho các đơn vị cung ứng dịch vụ chưa thể thu hồi ngay.
“Đơn cử, vé máy bay phần lớn thanh toán theo kiểu trả sản phẩm trong tương lai, khó hoàn tiền vì hàng không cũng khó không kém lữ hành” - giám đốc một DN lữ hành chia sẻ. Những nỗ lực trong lúc sức tàn lực kiệt của DN một lần nữa bị đánh tan.
Từ tháng 2-2020 khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, du lịch trở thành một trong những ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề. Từ tháng 3-2020 đến nay ngành du lịch Việt Nam không mở cửa đón khách quốc tế, tất cả hướng tới việc dập dịch và sau đó tập trung vào du lịch nội địa.
Thời điểm hè năm 2020 khi tình hình dịch ở Việt Nam từng bước được kiểm soát tốt, ngành du lịch đã tung ra rất nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu. Một số DN trước đây chỉ làm tour đón khách quốc tế nay cũng tìm đến các tour khách nội địa để tìm hướng đi mới trong khó khăn.
Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi dịch trở lại ở Đà Nẵng vào cuối tháng 7, nhiều kế hoạch của ngành du lịch bị phá sản, các DN lại phải ngồi yên chờ tình hình. Nguồn lực ít ỏi của DN tiếp tục bị bào mòn. Để duy trì nhiều DN chuyển hướng đi bán thực phẩm, khẩu trang, kinh doanh online; nhiều nhân sự cũng chuyển hướng tìm việc làm khác. Liên tiếp gắng gượng rồi liên tiếp gục ngã, tương lai nào cho ngành du lịch Việt Nam.
Trao đổi với ĐTTC, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng ngành du lịch trong năm 2021 rất khó dự báo. Ít nhất từ nay đến giữa năm hầu hết DN sẽ phải đứng yên chờ tình hình. DN khó khăn nhưng hỗ trợ thực sự từ Nhà nước lại không tới đúng đối tượng. Nguồn lực cạn kiệt, phần nhiều DN không còn duy trì nổi văn phòng, nhân viên tứ tán khắp nơi.
“Tôi thực sự cảm thấy xót xa khi Covid-19 đã vét đến đồng cuối cùng của DN, ngay cả những người tâm huyết nhất, luôn nhìn vào những mặt tích cực để nỗ lực lúc này cũng cảm thấy bi quan. Sau Covid-19 ngành du lịch chắc sẽ phải mất nhiều năm mới có thể trở lại như xưa” - ông Huê day dứt.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT của Vietravel, một người luôn dành nhiều tâm huyết, luôn nỗ lực và lạc quan trước khó khăn, nay đã bày tỏ lo ngại liệu có còn ngành du lịch nữa không nếu dịch bùng phát phức tạp. Ông Kỳ cũng khẳng định du lịch là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch, nhưng đến nay vẫn chưa có gói cứu trợ nào đúng nghĩa đến được với các DN.
Tương lai mờ mịt
Tương lai mờ mịt
Tương lai ngành du lịch sẽ đối mặt với nhiều thách thức ngay cả khi dịch được kiểm soát. Đầu tiên là bài toán nhân sự. Thời điểm đầu khi dịch bùng phát, nhiều nhân sự trong ngành chuyển hướng làm ngành nghề khác với hy vọng có thể sớm trở lại với nghề. Nhưng rồi dịch cứ ổn một thời gian lại bùng phát khiến hy vọng theo đó tắt dần. Thiếu con người nhất là những người có chuyên môn, du lịch không thể phát triển như kỳ vọng.
“Nhiều ngành công nghiệp khác máy móc có thể thay thế con người, nhưng ngành công nghiệp không khói thì không. Vì chỉ có con người mới có thể truyền tải nụ cười, niềm hiếu khách, những nét văn hóa đặc trưng của du lịch” - ông Huê nói.
Thực tế ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán, nhiều DN khi muốn trở lại đã rất chật vật trong việc chiêu dụ nhân viên, những tên tuổi lớn cũng chỉ có thể tìm lại 50% nhân sự đã nghỉ việc của mình. Nhưng rồi cú đánh thứ 3 của dịch chắc chắn làm rơi rớt thêm nhiều nhân sự có chuyên môn của ngành du lịch.
Những năm qua ngành du lịch Việt Nam luôn đứng trước bài toán nhân sự thiếu và yếu dù bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Vậy sau dịch nhân sự ngành du lịch sẽ khủng hoảng như thế nào là câu hỏi lớn DN rất khó tìm câu trả lời.
Thách thức tiếp theo cho ngành du lịch là sức khỏe của DN. Nếu quá yếu sẽ buộc phải rời khỏi thị trường, nếu đã chuyển hướng kinh doanh mặt hàng khác liệu có còn muốn trở lại với ngành? Nhưng trên tất cả, DN vẫn chờ sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể gắn bó với ngành.
Khi đợt dịch sát Tết bùng phát trở lại, Hiệp hội Du lịch TPHCM đã có văn bản gửi Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch, kiến nghị các bộ ngành có chính sách hỗ trợ DN. Trong đó có kiến nghị cho DN tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0% để giúp DN giữ chân người lao động và đẩy nhanh tiến độ phục hồi; kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn để DN không rơi vào phát sinh nợ xấu; cho phép DN và người lao động chậm nộp BHXH năm 2021 đến hết tháng 6-2022, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021…
Thách thức nữa ngành du lịch sẽ phải đối mặt trong tương lai là tâm lý của du khách. Du lịch an toàn sẽ trở thành ưu tiên đầu tiên của du khách trong nước và nước ngoài khi cánh cửa du lịch mở lại.
Thực ra việc này ngành cũng có chuẩn bị ngay sau 2 đợt dịch đầu tiên, nhưng chúng ta vẫn cần làm tốt hơn nữa vì dịch đang trở thành mối nguy bất định, khi nào kiểm soát được vẫn là câu hỏi chưa thể có câu trả lời.
Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch, nhưng đến nay vẫn chưa có gói cứu trợ nào đúng nghĩa đến được với các DN. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel |