Lâm thế, gồng mình
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lâm Đồng, chia sẻ: “Tôi rất đau lòng khi chứng kiến những khách sạn từ chỗ dự kiến lấp đầy 100% số phòng trong dịp Tết, đã phải tạm ngưng hoạt động vì khách hủy toàn bộ với lý do bất khả kháng. So với ngày thường, việc lên kế hoạch tổ chức hoạt động của các cơ sở lưu trú hay công ty lữ hành sẽ phức tạp hơn vì phải chuẩn bị từ nhân sự, đến các chuỗi cung cấp từ rất sớm. Vì vậy ảnh hưởng của dịch không chỉ tác động tiêu cực trong ngành du lịch mà lan đến cả những ngành khác như thực phẩm, vận tải...".
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Chánh Duy, Giám đốc Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị chương trình đón vị khách đầu tiên xông đất Buôn Ma Thuột vào ngày mồng 1 năm Tân Sửu nhưng cuối cùng phải hủy bỏ. Chương trình xông đất này nằm trong chiến lược tăng cường thu hút khách du lịch các tỉnh phía Bắc đến với Đắk Lắk trong năm 2021".
Còn theo ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VHTT Khánh Hòa, những ngày đầu năm mới, việc phải dừng một loạt chương trình văn hóa để tránh tụ tập đông người, đảm bảo công tác phòng chống dịch, đã khiến số lượng khách du lịch đến với phố biển Nha Trang giảm mạnh vì thiếu những sự kiện để trải nghiệm.
Ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc Công ty Thời trang da cá sấu Việt Tín tại TP Nha Trang, cho biết: Đối với những doanh nghiệp vẫn còn hoạt động liên quan đến ngành du lịch hiện nay như chúng tôi, bài toán tại thời điểm hiện nay là làm sao để tăng thu, còn việc giảm chi đã được thực thi triệt để trong cả năm 2020 vừa qua. Những người đầu tư kinh doanh hiện nay sẽ có 2 lựa chọn, tiếp tục đóng băng chờ thị trường phục hồi hẳn, hoặc nếu hoạt động phải hết sức linh hoạt.
“Đôi khi chúng ta hay nhìn vào tỷ lệ lớn khách sạn phải ngừng hoạt động lên đến mấy chục % để rồi cảm thấy bi quan. Nhưng thực tế cần ghi nhận những nỗ lực rất lớn của nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn vẫn đang gồng mình để hoạt động. Vì nhu cầu đi lại, lưu trú, du lịch dù có giảm, thậm chí đứt đoạn nhưng khi trở lại trạng thái bình thường mới vẫn tồn tại, duy trì.
Nói đơn cử tại Nha Trang, trong trạng thái bình thường, việc tìm kiếm được khách sạn có khả năng tổ chức hội nghị với 500 khách mời là điều rất dễ dàng. Nhưng trong năm 2020 sự lựa chọn bị thu hẹp hẳn, dù vậy vẫn có những đơn vị nỗ lực đứng ra đảm nhận để thực hiện, đó là sự chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau rất quý giá” - ông Lê Văn Hoa phân tích.
Tăng cường giải pháp
Tăng cường giải pháp
Gần đây, khi chia sẻ với cổ đông, nhà đầu tư, một công ty bất động sản đã tự hào cho biết khách sạn mình đang sở hữu vẫn thường có tỷ lệ lấp đầy lên đến 80%, một con số có thể khiến nhiều người choáng váng trong mùa dịch. Lý do, khách sạn này đã đăng ký cho hoạt động cách ly có trả phí, dù để được chấp thuận cho hoạt động này phải trải qua những đánh giá vô cùng gắt gao từ cơ quan quản lý.
Chị Nguyễn Tú Anh, Tổng điều hành khách sạn Anatole tại Hà Nội, cho biết Covid-19 đã thúc đẩy những khách sạn phải giải triệt để bài toán chi phí. Trước đây khi công suất ở mức 60-80% sẽ có nhiều việc khác để lo, dù nhà quản lý có thể nhận ra được chi phí vẫn chưa được tối ưu hóa. Nhưng tại thời điểm này, các khách sạn nếu muốn tồn tại phải đạt được 2 yêu cầu.
Thứ nhất, nhân viên phải làm được nhiều việc, tức nhân viên lễ tân ở ca trực này, có thể đảm trách việc phục vụ bàn tại khu ăn uống ở ca khác.
Thứ hai, dù một người làm nhiều việc nhưng không phải với tiêu chí tạm bợ, mà việc nào cũng phải thực sự tốt để duy trì chất lượng dịch vụ. Bởi khi giá phòng rẻ nhưng khách sạn vẫn duy trì được dịch vụ tốt, du khách mới cảm nhận được thực sự đó là rẻ và gắn bó.
Theo ông Nguyễn Chánh Duy, dù lượng hành khách có thể trồi sụt, nhưng chất lượng phục vụ của sân bay phải được duy trì, và ngày càng tốt lên. Đó cũng là lý do, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột luôn là sân bay địa phương có lượng khách ổn định và nhanh chóng phục hồi nhu cầu đi lại sau những đợt lây lan dịch bệnh.
“Tôi quán triệt với cán bộ công nhân viên đơn vị rằng hành khách chính là người “trả lương” cho mình. Vì vậy, trách nhiệm của mình là đảm bảo sức khỏe, đảm bảo phòng dịch tốt nhất và phục vụ tốt nhất” - ông Duy nhấn mạnh.
Chia sẻ ở góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Sự thấu hiểu và đồng cảm rất lớn với những công ty trong ngành du lịch, chúng tôi đã và đang tìm những giải pháp hỗ trợ tích cực cho các đơn vị đang nỗ lực tham gia trong ngành du lịch. Chẳng hạn giải đáp những thủ tục, vướng mắc cho các đơn vị mới tham gia đầu tư. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm kiếm những giải pháp, chiến lược du lịch bền vững hơn, để chia sẻ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Điều này tạo ra nền tảng cho sự phục hồi nhanh và vững chắc khi đại dịch qua đi trên toàn thế giới”.
Trong tình hình khó khăn chống đỡ dịch Covid-19, vấn đề hợp tác, liên kết du lịch được các địa phương chú trọng trở thành giải pháp quan trọng để tăng lượng khách du lịch trong nước. Các địa phương đã ngồi lại với nhau để xác định những sản phẩm đặc trưng, phù hợp, hấp dẫn của từng vùng, tránh việc cạnh tranh bằng các sản phẩm giống nhau hoặc gây xung đột.
Việc hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 với chủ đề "Liên kết phát triển bền vững" là một điển hình. Trước đó, TPHCM đã có các hoạt động liên kết du lịch rất hiệu quả với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh vùng Ðông Nam bộ.
Ðại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch toàn cầu chỉ có thể phục hồi sớm nhất là vào quý III-2021.
Trong bối cảnh ấy, ngành du lịch Việt Nam đang cùng chung tay hành động với sự đồng lòng vào cuộc của cả doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý để cơ cấu lại, nhất là cơ cấu lại nguồn khách, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp để đón nhận cơ hội mới.