Vaccine chưa thể cứu du lịch quốc tế

(ĐTTCO) - Các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đã được triển khai tại một số quốc gia trên thế giới. Liệu việc này có thắp lên ánh sáng cho mảng du lịch quốc tế? Câu trả lời là chưa. Dự báo đến cuối năm 2021 du lịch quốc tế vẫn chưa thể tìm thấy ánh sáng phía cuối đường hầm. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhiều tranh cãi
Ngày 24-2-2021, hơn 117.000 liều vaccine Covid-19 đã về tới Việt Nam, mang lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống đại dịch. Trước Việt Nam, nhiều nước trong khu vực đã triển khai việc tiêm vaccine Covid-19.
Như Singapore đã bắt đầu chương trình tiêm phòng vào cuối tháng 12 năm ngoái. Indonesia vào tháng 1 năm nay và đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 trong tổng số 270 triệu người trong 15 tháng. Thái Lan cũng đang nhận những lô vaccine đầu tiên cho chương trình tiêm chủng của mình…
Trên thế giới nhiều quốc gia cũng đang triển khai chương trình tiêm vaccine như tại Mỹ và châu Âu với nhiều hy vọng được gửi gắm.
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) du lịch và lữ hành toàn cầu đang chờ mong vào sự ấm lên của ngành công nghiệp không khói, khi vaccine được tiêm phổ biến hơn. Đó cũng là lý do ra đời thuật ngữ “hộ chiếu vaccine”. Song trên thực tế mọi chuyện không đơn giản, khi có nhiều tranh cãi về vaccine Covid-19.
Cho đến thời điểm này số lượng người được tiêm chủng rất ít. Với những người được tiêm chủng cũng chưa thể chắc chắn vaccine có thể bảo vệ họ an toàn trước sự tấn công của Covid-19 với những biến chủng mới. Hiện đã có nhiều loại vaccine được cấp phép và đưa ra thị trường, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về độ an toàn. 
Theo chia sẻ của chủ một DN lữ hành, vaccine cũng chỉ là một yếu tố thúc đẩy du lịch quốc tế. Để thông thương du lịch còn phải xem khả năng kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia và cam kết mở cửa giữa các quốc gia. Quan trọng hơn là tâm lý của du khách đã thực sự muốn đi du lịch hay chưa. 
Trong năm 2020, trước tác động của đại dịch, một khái niệm hoàn toàn mới đã xuất hiện: bong bóng du lịch. Theo Outbox Consulting, thuật ngữ này lần đầu tiên được đưa ra vào đầu tháng 5-2020 bởi New Zealand và Australia.
Hiểu một cách đơn giản, bong bóng du lịch được thiết lập bằng việc tạo các hành lang du lịch, thông qua các thỏa thuận độc quyền giữa các quốc gia hoặc địa phương đang ngăn chặn và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 trong nước. Nhờ thỏa thuận này, cư dân có thể đi lại tự do giữa các nước không phải cách ly khi nhập cảnh.
Tuy hiện nay việc thực hiện bong bóng du lịch tại châu Á cũng như các nước trên thế giới còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh đang bùng phát trở lại, nhưng về lâu dài bong bóng du lịch vẫn sẽ là giải pháp đáng cân nhắc để tái mở cửa du lịch thế giới.

Kỳ vọng phục hồi vào 2023
Nhìn lại năm 2020, ngành công nghiệp không khói toàn cầu đã bị Covid-19 tàn phá mạnh mẽ. Du lịch toàn cầu bắt đầu chững lại vào giữa tháng 3-2020. Chỉ 2 tháng sau, vào tháng 5 lượng khách quốc tế đã giảm tới 98%, làm tổn thất 320 tỷ USD doanh thu ngành du lịch.
Tính đến hết năm 2020, theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách quốc tế giảm 73,9% so với năm 2019. Với Việt Nam, năm 2019 ngành du lịch đạt được những kỳ tích trong tăng trưởng, nhưng qua năm 2020 chỉ đón 56 triệu lượt khách nội địa và 3,8 triệu lượt khách quốc tế, khiến tổng thu du lịch ước tính âm 530.000 tỷ đồng.
Xét về ngành lưu trú, gần 1/5 tổng số cơ sở phải đóng cửa, mức công suất phòng trung bình cả nước thấp kỷ lục khi chỉ đạt 20-25%. Riêng với dịch vụ lữ hành, theo Tổng cục Du lịch, đã có gần 340 DN lữ hành đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh trong năm 2020.
Trong khi đó, tình hình du lịch quốc tế trong năm 2021 sẽ khó có dấu hiệu hồi phục dù đã có vaccine. Niềm tin vào sự trở lại của ngành du lịch vẫn rất mong manh. Trung tâm Thông tin du lịch thuộc Tổng cục Du lịch mới đây đã dẫn ra những báo cáo không mấy khả quan cho du lịch quốc tế.
Theo đó, hội đồng chuyên gia của Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá chỉ số lòng tin vào du lịch thế giới thấp kỷ lục cho giai đoạn tháng 9 đến tháng 12-2020. Trên thang điểm 0-200 họ chỉ cho 19 điểm với giai đoạn 4 tháng kể trên. Trong đó có tới 92% đánh giá tình hình ở mức xấu và xấu hơn.
Chỉ số lòng tin cho 4 tháng tiếp theo từ tháng 1 đến tháng 4-2021 chưa hề có dấu hiệu cải thiện. 30% đánh giá ở mức xấu và 55% đánh giá ở mức xấu hơn nhiều. 
Dù vậy, câu hỏi khi nào du lịch quốc tế có thể hồi phục vẫn rất được quan tâm. Nhiều dự báo được đưa ra nhưng cũng không ai dám đưa đến con số quá gần. Năm 2023 có lẽ là đáp án được kỳ vọng hơn cả.
Theo dự báo của Mobility Market Outlook (MMO), bất chấp cuộc khủng hoảng năm 2020, lượng khách toàn cầu giảm và kinh doanh thua lỗ, thị trường du lịch và lữ hành toàn cầu dự kiến phục hồi hoàn toàn sau đại dịch vào năm 2023 và đạt được những con số doanh thu kỷ lục.
Trong bối cảnh trên, DN lữ hành quốc tế, các đơn vị lưu trú, ăn uống của Việt Nam phải làm gì để chống chọi thêm 1 hoặc 2 năm nữa. Đã có không ít DN thời điểm hè năm 2020 từng bước chuyển qua mảng du lịch nội địa nhằm lấy ngắn nuôi dài, nhưng sự trở lại của đại dịch lại khiến họ thêm một lần gục ngã. Đã có nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao vốn chỉ phục vụ khách quốc tế với giá không rẻ đã phải chạy đua giảm giá, kích cầu du khách trong nước.
Nhưng chính làn sóng giảm giá này lại khiến những người làm trong ngành du lịch lo ngại về một cuộc chiến phá giá, bất công bằng. Nhiều lo ngại nhưng lại không tìm được nơi hỗ trợ. Con số 340 DN phải xin thu hồi giấy phép kinh doanh năm 2020 có lẽ sẽ còn kéo dài hơn trong năm 2021, khi du lịch nhất là du lịch quốc tế vẫn đang chìm trong đại dịch.  
 Vaccine Covid-19 khó trở thành “viên đạn bạc” cho nhu cầu của ngành du lịch đang bị tàn phá nặng nề. Vì thế, các hạn chế đi lại do Covid-19 gây ra có thể sẽ vẫn được áp dụng cho năm 2021.

Các tin khác