Xu hướng du lịch thời Covid

(ĐTTCO) - Đứng trước những thay đổi lớn của du lịch trong năm 2020, việc nắm bắt và hiểu rõ tương lai của ngành du lịch trở nên quan trọng hơn. Những xu hướng đang hình thành cần được xem xét gồm 4 nhóm: xu hướng du lịch; xu hướng lập kế hoạch và đặt dịch vụ; xu hướng công nghệ và xu hướng điểm đến. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Xu hướng du lịch
Xu hướng du lịch của du khách sẽ có những thay đổi đòi hỏi DN du lịch phải quan tâm. Thứ nhất, du lịch theo hướng giãn cách xã hội. Trước nay việc khám phá các thành phố đông đúc, lang thang qua các khu chợ nhộn nhịp, tham quan các điểm du lịch hấp dẫn… sẽ thú vị đối với du khách Việt.
Tuy nhiên với sự tác động của dịch Covid-19, để đi du lịch, vấn đề an toàn về sức khỏe vẫn là ưu tiên hàng đầu của du khách. Vì thế, du lịch theo hướng giãn cách xã hội để thích nghi với tình hình sẽ là trào lưu năm 2021.
Du khách sẽ lựa chọn các điểm đến vắng vẻ gần nơi mình sinh sống. Sự chuyển dịch này thúc đẩy các nhà cung cấp trong ngành cần có những kế hoạch tiếp cận, thiết kế những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhóm du khách này. 
Thứ hai, du lịch theo nhóm nhỏ. Khác với những năm 2019 trở về trước tour du lịch thường có 20-30 người, du lịch theo tour trong năm 2021 sẽ có quy mô nhỏ hơn nhằm hạn chế rủi ro lây lan của dịch bệnh. Xu hướng này thúc đẩy các đại lý du lịch phải sáng tạo hơn trong việc thiết kế hành trình.
Thí dụ, cân nhắc việc thay thế các điểm đến du lịch đông đúc bằng các địa điểm tham quan xa, vắng vẻ hơn hoặc tổ chức các tour ngách. 
Thứ ba, sự xuất hiện của phân khúc khách có trách nhiệm hơn. Cuộc khủng hoảng Covid-19 không chỉ là cơ hội để DN nhìn lại ngành du lịch, còn để khách du lịch nhìn lại cách thức du lịch của mình. Điều này đã hình thành nên phân khúc khách du lịch mới.
Đây là nhóm du khách mong muốn nhìn thế giới theo cách khác, khao khát có những trải nghiệm và ký ức độc đáo nhưng không gây ảnh hưởng đến địa phương và môi trường. Vì vậy DN trong ngành du lịch cần tùy chỉnh sản phẩm của mình phù hợp nhu cầu du khách. 
Thứ tư, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đây không phải là xu hướng mới trong ngành du lịch, nhưng khi dịch bệnh gây sự mệt mỏi và căng thẳng sẽ khiến nhiều người muốn tìm kiếm chuyến du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe sau khi đại dịch được kiểm soát.

Lập kế hoạch và đặt dịch vụ
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thời gian đặt dịch vụ của du khách, như đặt phòng được rút ngắn, sẽ giảm thiểu được những rủi ro thay đổi chính sách du lịch hay hạn chế di chuyển.
Một khảo sát của Skyscanner năm 2020 chỉ ra rằng, du khách có xu hướng đặt dịch vụ lưu trú cuối cùng. Nhằm phản ứng lại với xu hướng rút ngắn thời gian đặt dịch vụ của du khách, DN trong ngành cũng thay đổi các điều khoản trong việc đặt dịch vụ linh hoạt hơn. 
Cố vấn du lịch là thành phần không thể thiếu. Trong thời điểm mọi việc đều bị gián đoạn, các chuyến đi đều không được chắc chắn, du khách rất cần nguồn thông tin tin cậy để cập nhật tình hình dịch bệnh. Covid-19 đã góp phần làm nổi bật vai trò quan trọng của các đại lý du lịch, thay vì chỉ bán tour và vé, họ còn phải đóng vai trò là nơi cung cấp thông tin và kiến thức.
Theo đó, các đại lý du lịch cần đáp ứng toàn bộ nhu cầu từ đề xuất ý tưởng đi du lịch, tìm kiếm giá vé máy bay rẻ nhất, cập nhật các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn mới nhất, trợ giúp hoàn/hủy vé máy bay và phòng khách sạn… của du khách. 
Vì vậy, điểm đến, hãng hàng không, khách sạn và các công ty cho thuê xe cần hợp tác chặt chẽ với các đại lý du lịch, nhằm đảm bảo họ có tất cả thông tin cần thiết để thu hút khách du lịch và đối phó với những tình huống gián đoạn có thể xảy ra.

Công nghệ trong du lịch
Việc sử dụng công nghệ số trong du lịch đã được Việt Nam thực hiện từ nhiều năm qua. Dịch Covid-19 đã làm tốc độ chuyển đổi số trong năm 2020 phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
Nhiều quốc gia đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này, coi đó là giải pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả của các chính sách hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, như hạn chế tiếp xúc hay giãn cách xã hội. Hình thức du lịch trực tuyến, khám phá các điểm đến trên thế giới bằng công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ biến hơn.
Trong tương lai, trải nghiệm ảo có thể trở thành tiêu chuẩn phải có đối với mỗi DN, giúp khách du lịch có cơ hội kết nối với hướng dẫn viên và cảm nhận trải nghiệm trước khi đặt dịch vụ. Việc thiết kế những trải nghiệm này sẽ giúp DN thu hút được khách hàng và tiếp thị cho các sản phẩm một cách trực tiếp nhất.

Xu hướng điểm đến
Sự xuất hiện của những điểm đến mới, ít phổ biến. Tiếp nối xu hướng du khách tìm kiếm những điểm đến hoang sơ, ít phổ biến hơn, năm 2021 nhu cầu cho những điểm đến như vậy sẽ cao hơn, khi tâm lý an toàn và tránh đám đông sau đại dịch vẫn sẽ chi phối rất nhiều quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Những điểm đến này sẽ cho phép họ tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội, cũng như khám phá và kết nối lại với thiên nhiên.
Với nhu cầu khám phá mới và tránh những điểm đến phổ biến như vậy, dự báo sẽ xuất hiện nhiều điểm đến mới trên bản đồ du lịch Việt Nam, với quy mô nhỏ và phù hợp nhu cầu du lịch riêng không theo đám đông. Ngoài ra, trước khi kiểm soát được dịch, thị trường khách du lịch nội địa tiếp tục là trọng tâm phát triển. Lịch trình phục hồi của du lịch quốc tế phụ thuộc vào vaccine. 
Lộ trình mở cửa phục hồi du lịch của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch của các nước. Ngoài vaccine, tốc độ phục hồi du lịch cũng phụ thuộc phần nhiều vào các động lực thúc đẩy mở cửa điểm đến.
Dựa trên lộ trình hợp lý phục hồi tăng trưởng của các nước trong khối ASEAN, theo báo cáo của Mastercard và CrescentRating, trong quý I-2021, giai đoạn phục hồi sẽ dần diễn ra với sự hợp tác giữa một số nước ASEAN. Đến quý III khi tin tức tích cực về vaccine sẽ thúc đẩy việc bình thường hóa du lịch trong khối.
 Du lịch sẽ là ngành phục hồi đầu tiên song song với sự phục hồi kinh tế thế giới. Các du khách đang cân nhắc các hoạt động, điểm tham quan và tour du lịch, ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là sức khỏe và an toàn.

Các tin khác