Trong khi kế hoạch không nêu rõ ai sở hữu dữ liệu, loại dữ liệu nào có thể được giao dịch hoặc cơ chế giao dịch sẽ như thế nào, năm ngoái, Bắc Kinh đã liệt kê dữ liệu như một yếu tố sản xuất mới, cùng với đất đai, lao động, vốn và công nghệ.
Vào thời điểm đó, Thâm Quyến được yêu cầu đi đầu trong việc thiết lập giao dịch dữ liệu. Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp đến mức các quy định về dữ liệu do thành phố soạn thảo vào mùa hè năm ngoái, vốn quy định quyền sở hữu dữ liệu cá nhân của các cá nhân và dữ liệu công cộng cho nhà nước, đã gây ra tranh cãi lớn.
Sau khi việc trưng cầu ý kiến kết thúc vào tháng 8, dự thảo đã được đệ trình lên cơ quan lập pháp của Thâm Quyến để thông qua nhưng nó vẫn đang được thảo luận.
Theo kế hoạch hành động mới vào 31-1, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu các cách để đẩy nhanh việc hình thành thị trường dữ liệu và tạo ra các tiêu chuẩn về quyền sở hữu dữ liệu, giao dịch, truyền tải và bảo mật.
Các nhà chức trách cũng sẽ lập một danh sách các trách nhiệm để tăng cường chia sẻ và trao đổi dữ liệu giữa các khu vực và các cơ quan chính phủ. Trung Quốc dự kiến sẽ tích cực tham gia vào việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế về dữ liệu, theo kế hoạch.
Sự thăm dò của Bắc Kinh trong việc biến dữ liệu trở thành một tài sản có thể giao dịch mới có thể có tác động sâu rộng đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc, những công ty đã tích lũy được khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ, dựa vào đó đưa ra các quyết định kinh doanh và phát triển các dịch vụ mới.
Bên cạnh kinh doanh dữ liệu, chính phủ cũng đặt ra kế hoạch thúc đẩy giao dịch quyền sở hữu trí tuệ (IPR), cũng như các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Sở Giao dịch Công nghệ Trung Quốc ở Bắc Kinh, cùng với Sở Giao dịch Công nghệ Thượng Hải và Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến, sẽ thực hiện giao dịch quyền sở hữu trí tuệ và cấp giấy phép trên toàn quốc.
Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ khi nước này đặt mục tiêu đạt được những bước đột phá và dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ. Vấn đề này là trọng tâm trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra của Bắc Kinh với Washington, với việc chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ quan trọng cho các đối tác Trung Quốc.
Một thách thức mà Bắc Kinh đang cố gắng vượt qua là thương mại hóa tri thức khoa học và công nghệ có nguồn gốc từ giới hàn lâm. Để khuyến khích đầu vào, chính quyền có kế hoạch cấp cho các nhà nghiên cứu quyền sở hữu vĩnh viễn và sử dụng lâu dài các quyền đối với thành tựu của họ.
Liu Wenjie, giáo sư luật tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho biết Trung Quốc cần khẩn trương chuyển trọng tâm theo đuổi quyền SHTT từ số lượng sang chất lượng. “Với sự chuyển đổi của Trung Quốc sang nền kinh tế có thu nhập trung bình, sự phát triển kinh tế và xã hội ngày càng phụ thuộc vào sự đổi mới”.
Giáo sư Liu nói: “Thị trường giao dịch quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc chưa được phát triển đầy đủ, các phương thức giao dịch và nền tảng giao dịch tương đối thiếu, khiến nhiều phát minh và sáng tạo vẫn còn nguyên giá trị… Các công nghệ sẽ cần được thương mại hóa trên thị trường để phát huy hết giá trị thực của chúng”.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ tăng tốc đầu tư vào “cơ sở hạ tầng mới”, bao gồm các dự án viễn thông trong các lĩnh vực như 5G, internet vạn vật (IoT) và internet công nghiệp. Các lĩnh vực đầu tư công nghệ khác bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, chuỗi khối và trung tâm dữ liệu.
Vào cuối năm ngoái, Trung Quốc là nơi có mạng 5G lớn nhất thế giới với khoảng 720.000 trạm gốc 5G, theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT). Các quan chức MIIT cho biết tuần trước, quốc gia này có ít nhất 200 triệu thiết bị tương thích với 5G, bao gồm cả điện thoại thông minh và 1.100 dự án internet công nghiệp hỗ trợ 5G.