PHÓNG VIÊN: - Ông nghĩ sao về sự phát triển của TPHCM thời gian qua và TP đã phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình?
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN: - Trong những năm qua, TPHCM vẫn tiếp tục tăng trưởng kinh tế dương, đồng thời vẫn giữ vai trò đầu tàu trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của TP có xu hướng giảm tốc, thậm chí không có đột phá trong bối cảnh nhiều địa phương khác bứt tốc, tăng trưởng nhanh hơn.
Xu hướng này kéo dài nhiều năm đã dẫn tới hệ quả sự suy giảm tương quan và vị thế của TPHCM trong nền kinh tế. Một số địa phương tuy chưa vượt, song đang thu hẹp nhanh khoảng cách với TPHCM.
Suốt hàng chục năm qua, “ngập nước - tắc nghẽn - bộ máy thiếu động lực” đã trở thành “thuộc tính đặc trưng” của TPHCM. Đó là hình ảnh “đầu tàu chạy than” mà một lãnh đạo TP từng sử dụng để nói về sứ mệnh quốc gia của TPHCM theo nghĩa cảnh báo. Vì sao vậy? Vì trong nhiều năm, TP đã không phát huy được tiềm năng lớn, thực lực mạnh và lợi thế dẫn đầu về năng lực, trình độ phát triển kinh tế thị trường.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh sự suy giảm kéo dài sức mạnh tổ hợp của cả 3 yếu tố vượt trội nêu trên, với trụ cột là lợi thế dẫn đầu về năng lực vận hành thị trường. Có lợi thế quan trọng nhất - lợi thế thể chế - mà không phát huy được đó thực sự là vấn đề nghiêm trọng, không chỉ đối với TPHCM mà với cả nước.
- Vậy theo ông nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?
- Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy đối với TPHCM - nơi luôn có năng lực dồi dào, thực lực mạnh mẽ và khí chất đổi mới tràn trề? Để trả lời vấn đề mấu chốt này, ngoài nguyên nhân “tổ hợp chập 3 có vấn đề” nêu trên, tôi xin nêu thêm 3 ý cụ thể hơn.
Thứ nhất, TPHCM bị vướng nhiều nút thắt gây tắc nghẽn phát triển. Trong suốt nhiều năm, TP không được đầu tư đúng tầm: tầm đầu tàu quốc gia (đô thị, trung tâm tài chính công nghệ hiện đại), tầm vùng (liên kết - hội tụ - lan tỏa phát triển), tầm quốc tế (trung tâm hội nhập - cạnh tranh quốc tế).
Vốn đầu tư khan hiếm nhưng lại không biết tập trung đầu tư trọng điểm, ít khi đầu tư “tới hạn”, được dẫn dắt bằng cơ chế “xin - cho” ngắn hạn, đã dẫn đến kết cục không nút thắt nào được giải quyết triệt để nên không điểm nghẽn nào được “giải cứu”.
Thứ hai, xu hướng phát triển thiên lệch vào bất động sản thay vì hướng tới một trung tâm dịch vụ và công nghệ hiện đại tầm cỡ quốc tế. Tuy TP có thêm những khu đô thị mới, đẹp và hiện đại, nhưng cũng có thêm nhiều xung đột xã hội gay gắt.
Trong khi đó, trung tâm tài chính quốc tế và công nghiệp - khoa học - công nghệ cao vẫn đang ở bước khởi đầu. Sau hơn 35 năm đổi mới, tinh thần đầu cơ vẫn lấn át động lực đầu tư. TP vẫn chưa xác lập được đẳng cấp phát triển mới cho mình.
Thứ ba, về thể chế, cơ chế, TP bị nhiều trói buộc, hạn chế nên khó phát huy năng lực chủ động sáng tạo. Bộ Chính trị và Quốc hội đều muốn trao thêm quyền, thêm cơ chế đặc thù, tăng tính chủ động sáng tạo cho TP. Nhưng, sau khoảng 20 năm, về căn bản TP vẫn phải “đồng phục cơ chế” giống các tỉnh nông thôn, miền núi nhỏ bé và kém phát triển.
Vì vậy, TP khó phát huy thực lực tự thân, năng lực hội tụ sức mạnh và tiềm năng sáng tạo dồi dào. Trên nền tảng đó, khó có thể tạo lập một bộ máy “đúng người - đúng việc”, phát huy chủ động sáng tạo và tránh được những cám dỗ do hệ thống quản trị yếu kém gây ra. Đó là những vấn đề chiến lược cần đột phá, không phải tháo gỡ.
- Một số ý kiến cho rằng, TPHCM cần khuyến khích tăng năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng, và xa hơn cần chuyển đổi, chuyển sang nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo, không thuần túy dựa vào đầu tư. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi đồng ý với nhận định nêu trên. Suốt nhiều năm, TPHCM vẫn chưa thay đổi được đẳng cấp phát triển. Công nghiệp “đời cũ” và sự gia tăng dân số - lao động (chất lượng thấp) dường như vẫn là trụ cột tăng trưởng của TP.
Cho nên, hoàn toàn chính xác khi nhận định tăng trưởng kinh tế của TP vẫn cơ bản dựa vào đầu tư. Bước chuyển quan trọng, thực chất nhất TP phải thực hiện là chuyển sang nền kinh tế hiện đại, dựa chủ yếu vào đổi mới sáng tạo, cũng là nền kinh tế dựa vào năng suất, hiệu quả, không phải vào vốn và lao động kỹ năng thấp.
Nghĩa là phải thay đổi toàn bộ cấu trúc kinh tế, không thể chỉ vài sự thay đổi nhỏ lẻ, chỉnh sửa, cải tiến chính sách cục bộ.
Để làm được việc này, trước hết TPHCM phải định vị đúng vai của mình trong cuộc đua phát triển toàn cầu, thời đại mới, không thể tiếp tục cách tiếp cận phát triển “phấn đấu mỗi năm GDP tăng trưởng 7-8%”.
Một góc TPHCM. Ảnh minh họa: HOÀNG HÙNG
- Chúng ta thường nói về lợi thế lao động chi phí rẻ nhưng nay đã khác và TPHCM cũng vậy. Để thu hút những tập đoàn lớn đến, tạo thành “tổ đại bàng”, TPHCM cần phải làm gì, thưa ông?
- Kinh nghiệm phát triển của thế giới và Việt Nam đi tới kết luận: Muốn xây dựng một cơ cấu kinh tế lớn và mạnh, bên cạnh lực lượng doanh nghiệp đông đảo phải có những tập đoàn kinh tế mạnh, đóng vai trò trụ cột. Không có “lực lượng”, “trụ cột” không thể có nền kinh tế hùng mạnh.
Trong thời đại kinh tế được thiết kế theo chuỗi, theo mạng, dựa vào công nghệ cao và cạnh tranh toàn cầu càng phải có “lực lượng” và “trụ cột”. Không có 2 yếu tố đó nền kinh tế không thể cạnh tranh, không thể phát triển được.
Lâu nay, chúng ta thiết kế nền kinh tế thị trường chủ yếu dựa trên nền tảng tăng trưởng số lượng doanh nghiệp. Vì thế, nền kinh tế tuy “đông quân” nhưng toàn là “vừa, nhỏ và nhỏ li ti”.
Chân dung kinh tế của TPHCM - đầu tàu của nền kinh tế, mạnh nhất cả nước, song cơ bản cũng theo định hướng và khuôn hình như vậy, nên thực lực cạnh tranh yếu, sức đột phá công nghệ kém do thiếu trụ đỡ mạnh, vắng trụ cột liên kết vững chắc.
Nói thế để thấy đặt ra vấn đề xây dựng “tổ đại bàng”, hình thành những cột trụ kinh tế như vậy là điều đặc biệt thiết yếu với Việt Nam, và với TPHCM mức độ thiết yếu càng cao gấp bội.
Tôi muốn lưu ý thêm 3 điều. Thứ nhất, chú trọng thu hút các “đại bàng” ngoại thứ thiệt, nghĩa là những tập đoàn kinh tế ngoại mang lại lợi ích chiến lược cho Việt Nam, không phải chỉ vài lợi ích cục bộ, nhỏ lẻ và ngắn hạn kiểu đóng góp GDP, giúp tạo việc làm chất lượng thấp…
Thứ hai, đặc biệt chú trọng lực lượng “đại bàng Việt” - những trụ cột chiến lược đúng nghĩa của nền kinh tế quốc gia. Khái niệm “đất lành” đối với TPHCM trước hết phải mang nội hàm “cho đại bàng Việt”. Đó là một phần sứ mệnh của đầu tàu. Tôi chưa thấy nước nào trở thành cường quốc kinh tế dựa trên nền tảng những tập đoàn kinh tế nước ngoài.
Thứ ba, “làm tổ” cho “đại bàng” công nghệ Việt khởi nghiệp. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, vì thế rất khó khăn để giải quyết trong một nền kinh tế vẫn chưa qua bước chuyển đổi đầu tiên sang quỹ đạo phát triển thị trường hiện đại. Trong vấn đề này, TPHCM cần tiên phong đi đầu giải quyết vấn đề cũ tồn đọng lẫn các vấn đề mới đặt ra.
- Xin cảm ơn ông.