Thống kê sơ bộ năm 2020 cho thấy, Việt Nam thâm hụt khoảng 900.000 tấn đường (đã trừ lượng đường xuất khẩu). Đây là con số lớn chưa từng có sau khi gia nhập ATIGA.
Sản lượng đường trong nước dư thừa, nhà máy tồn kho, phải bán lỗ một phần đường tinh tuyện dưới cả chi phí sản xuất. Ngoài cánh đồng, nông dân nhiều vựa mía trên cả nước không bán được sản phẩm hoặc phải bán mía với giá thấp hơn giá bao tiêu. Đường nội địa tiêu thụ chậm được cho là hệ quả đến từ sản lượng xuất qua Việt Nam có dấu hiệu bán phá giá. Ngay từ tháng 1-2020, khi ATIGA vừa có hiệu lực, giá đường trong nước đứng yên, trong khi đường thế giới tăng kỷ lục.
Thái Lan, nhà sản xuất đường lớn thứ 4 thế giới và lớn nhất ASEAN, đã xuất khẩu đường vào Việt Nam với giá còn thấp hơn cả giá mua mía sản xuất tại Thái Lan. Số liệu từ Văn phòng Hội đồng mía đường Thái Lan (OCSB) cho thấy, 7 tháng đầu năm 2020, quốc gia này đã xuất khẩu một lượng đường lớn sang Việt Nam với giá tương đương 364,6 USD/tấn.
Mức giá này không chỉ rẻ hơn giá bán tại thị trường nội địa Thái Lan (được niêm yết vào tháng 9-2020) là 732 USD/tấn, mà còn thấp hơn cả chi phí mua mía 410 USD/tấn để làm đường. Nguyên nhân là có sự hậu thuẫn của Chính phủ Thái Lan với gói tài trợ 10 tỷ baht (317 triệu USD) cho ngành mía đường của nước này, dẫn đến đường Việt Nam bị “ép giá” ngay trên sân nhà.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam không hề thua kém các quốc gia trong khối ASEAN nếu được đưa về điều kiện ngang bằng. Còn với môi trường thương mại bất hợp lý, buộc chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp) phù hợp để cục diện ngành mía đường Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực.
Chính vì vậy, thuế phòng vệ thương mại được cho là công cụ khả thi nhất để bảo vệ ngành sản xuất đường Việt Nam tại thời điểm này. Mức thuế phòng vệ thương mại được áp dụng “đúng mức, đúng lúc và đúng luật” sẽ giúp ngành mía đường Việt Nam giữ vững sản xuất và từng bước phát triển trong nền kinh tế thị trường.