11 quốc gia trong CPTPP có tổng GDP hơn 10.000 tỷ USD, chiếm hơn 13% toàn cầu; với gần 500 triệu dân, đây là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức.
Nhận diện và định hướng
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của CPTPP: Trường hợp của Việt Nam”. Theo đó sẽ giả định những tác động của CPTPP đối với toàn bộ nền kinh tế và bức tranh phân bổ thu nhập. Kết quả mô phỏng dựa trên kịch bản cơ sở trạng thái bình thường của nền kinh tế không có các hiệp định mới.
Trong đó các cam kết hiện tại về giảm thuế quan sẽ được thực hiện, có tính đến yếu tố giảm thuế quan tương lai, như kết quả của cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký cho đến năm 2030.
Về mặt ảnh hưởng kinh tế thuần túy, xuất khẩu hàng dệt may và các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ được đẩy mạnh nhờ cắt giảm thuế quan tại các thị trường lớn trong khối và nhiều khả năng sẽ có sự bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài liên quan đến những mặt hàng này. Ông Peter Tasker, Chuyên gia phân tích của Arcus Research ở Tokyo (Nhật Bản) |
Về sản lượng, so với kịch bản cơ sở và năm gốc (2011), tính đến năm 2030, GDP của Việt Nam ước tính tăng 1,1%, so với mức tăng 0,4% của RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) và 3,6% của TPP-12. Nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP khi tham gia CPTPP ước tính 3,5% so với 6,6% của TPP-12 và 1% của RCEP. Về xuất khẩu với CPTPP dự báo tăng thêm 4,2%; nhập khẩu tăng thêm 5,3% và sẽ tăng cao hơn lần lượt ở các mức 6,9% và 7,6% với kịch bản có năng suất tăng.
Mức thuế xuất nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Với hàng rào phi thuế quan, việc áp dụng đối với Việt Nam tại các thị trường CPTPP dự kiến giảm bình quân 3,6%.
Đối với tác động theo ngành, với CPTPP mức tăng trưởng cao nhất về sản lượng dự tính là các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; dệt may cùng với tăng trưởng vừa phải ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Xuất khẩu tăng dự kiến đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Nhập khẩu dự kiến tăng ở tất cả các ngành.
Về tác động phân bổ thu nhập, đến năm 2030, CPTPP dự kiến giúp giảm 600.000 người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5USD/ngày so với kịch bản cơ sở. Tất cả nhóm thu nhập dự kiến được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm lao động trình độ cao thuộc nhóm 60% nhóm phân bổ thu nhập cao nhất.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), lợi ích Việt Nam được hưởng từ CPTPP với sự vắng mặt của Hoa Kỳ ít hơn so với TPP-12 trước đó, bởi Hoa Kỳ chiếm đến 60% GDP của khối và khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Còn trong 11 nước thành viên tham gia CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA đa phương và song phương với hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Peru, Canada và Mexico. Dự báo, GDP Việt Nam chỉ tăng thêm 1,32%, xuất khẩu với CPTPP tăng thêm 4% và tăng nhập khẩu 3,8%...
BSC cũng dự báo, các ngành dệt may, thủy sản, gỗ, khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, ngân hàng và bảo hiểm sẽ được hưởng lợi từ việc Việt Nam tham gia CPTPP, tuy nhiên tác động là không lớn. Ngoài ra các ngành dầu khí, phân bón, nhựa, cao su tự nhiên và săm lốp, đường sẽ không chịu tác động.
Tính toán của WB khi tham gia CPTPP, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 13,1 tỷ USD so với kịch bản cơ sở. Xuất khẩu sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng ở các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da và dệt may.
Ngược lại, những ngành xuất khẩu có mức giảm ròng lớn nhất sẽ là nông nghiệp (-1,6 tỷ USD), sản xuất công nghiệp khác (-1,2 tỷ USD), thiết bị điện (- 0,5 tỷ USD), kim loại (-0,4 tỷ USD), chủ yếu xuất khẩu sang nhóm các nước RCEP (gồm ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký FTA là: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand).
Nắn dòng vốn FDI vào ngành lợi thế
Nắn dòng vốn FDI vào ngành lợi thế
Ngoài các vấn đề thương mại, theo WB, CPTPP có thể khuyến khích và thúc đẩy cải cách trong nước ở nhiều lĩnh vực như cạnh tranh, dịch vụ (bao gồm dịch vụ tài chính, viễn thông, gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, các biện pháp khắc phục thương mại… CPTPP cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự minh bạch và hỗ trợ việc hình thành các thể chế hiện đại ở Việt Nam.
Khi thực thi những cam kết hội nhập này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn. Bên cạnh đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương |
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch -Đầu tư), cho rằng cơ bản các cam kết tại TPP chuyển sang CPTPP. Điều đó có nghĩa CPTPP vẫn tạo sức ép cải cách thể chế mạnh mẽ lên Việt Nam và Việt Nam phải thay đổi nhiều luật lệ, quy tắc. Vì vậy, muốn tận dụng được lợi ích và hạn chế tác động tiêu cực Việt Nam phải nâng được năng lực cạnh tranh của mình.
Theo các chuyên gia, trong dài hạn lợi ích đạt được không chỉ là tăng xuất khẩu, mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu. Đầu tư tăng nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP có thể làm xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ. Phản ứng này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, kéo theo thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dự kiến sẽ có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều, như dệt, may mặc và giày da để tận dụng CPTPP. Tuy nhiên, việc FDI tăng lên trong các ngành công nghiệp thượng nguồn thường đi kèm chi phí tăng. Do vậy, Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thực tiễn hội nhập WTO, hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), cho thấy nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế.
Thí dụ, ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày… đã có tăng trưởng đột biến, nhưng ngược lại trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu. Đơn cử như do được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay ngành mía đường về cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp so với các quốc gia khác.
Dệt may là một trong những ngành lợi thế xuất khẩu khi CPTPP được ký kết.
Nhìn lại bài học WTO
Cách đây hơn 10 năm, khi Việt Nam ký kết và tham gia WTO, những hồ hởi, phấn khởi về lợi ích sẽ mang lại đã lấn át những thách thức to lớn Việt Nam phải đối mặt. Thực tế đến nay chúng ta đã chưa tận dụng hết cơ hội WTO mang lại, thậm chí nhiều thách thức vẫn hiện hữu. Thí dụ, ngay trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hiện xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI; các doanh nghiệp thương mại chủ yếu quy mô nhỏ, khả năng liên kết yếu…
Nguyên nhân do độ mở kinh tế cao nên thương mại dễ chịu tổn thương từ cú sốc bên ngoài; Việt Nam chưa chuẩn bị tốt các điều kiện cơ bản khi tham gia WTO và các FTA; nền sản xuất vẫn phải triển ở mức chưa cao, quy mô, phương thức sản xuất còn nhỏ, phân tán, lạc hậu…
Nghiên cứu của WB cũng chỉ ra rằng kinh nghiệm sau khi gia nhập WTO, cho thấy Việt Nam không thể tận dụng ngay lập tức lợi ích của việc gia nhập WTO để thu hút và tiếp nhận dòng vốn FDI lớn. Điểm yếu này do Việt Nam thiếu năng lực để tạo điều kiện cho các công ty có liên kết toàn cầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs), chi phí hậu cần cao và cơ sở hạ tầng đường sá, điện, cảng biển, dịch vụ hậu cần… yếu kém.
Những thách thức này đòi hỏi phải cải thiện khả năng kết nối để hội nhập GVCs và giữ chi phí thương mại ở mức thấp. Các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài trong nước tham gia các GVCs phải có khả năng di chuyển hàng hóa qua biên giới một cách hiệu quả và đáng tin cậy.
Yêu cầu trên đòi hỏi cần có cả cơ sở vật chất và thể chế tốt. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn chi phí tuân thủ cao đều liên quan đến các hàng rào phi thuế quan. Mặc dù đã có những tiến bộ gần đây trong cải cách hải quan và việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, nhưng chi phí tuân thủ về thời gian và tiền bạc để thông quan hàng hoá trước và tại biên giới ở Việt Nam vẫn cao.
Do vậy việc giải quyết vấn đề nút cổ chai quan trọng này sẽ giúp thực hiện các cam kết không chỉ trong khuôn khổ CPTPP, mà cả trong hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO.