Báo cáo đã mang đến một tia hy vọng tích cực trong bối cảnh vẫn còn vô cùng bất ổn và đầy thách thức, vì về bản chất nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào động thái tiếp theo trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
EC dự đoán rằng, toàn bộ EU sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 0,8% vào năm 2023, tăng từ mức 0,3% trong dự báo trước đó.
"Tốt hơn mong đợi không có nghĩa là tốt và triển vọng, tất nhiên phụ thuộc vào chính sách. Người dân châu Âu vẫn phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn phía trước, với tốc độ tăng trưởng dự kiến vẫn sẽ chậm và lạm phát cao sẽ làm giảm sức mua dần dần”, Paolo Gentiloni, Ủy viên Kinh tế châu Âu cho biết.
Suy thoái kỹ thuật được định nghĩa là nền kinh tế bị suy giảm trong hai quý liên tiếp, điều vẫn có thể xảy ra ở một số quốc gia EU ngay cả khi con số cuối cùng cho năm 2023 là dương.
Trong số 27 quốc gia thành viên, Thụy Điển là quốc gia duy nhất dự kiến có tăng trưởng âm trong năm nay (–0,8%), trong khi các quốc gia còn lại có mức tăng trưởng hạn chế nhưng vẫn ở mức dương.
Hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga là Đức và Ý được cho là sẽ rơi vào suy thoái nặng nề, nhưng dự báo mới là mức tăng trưởng dự kiến lần lượt 0,2% và 0,8%.
Ông Paolo Gentiloni cho biết, điều này đối với Đức đã thể hiện một "sự thay đổi đáng kể" do cường quốc công nghiệp đã được dự đoán tăng trưởng âm 0,6% trong báo cáo trước đó.
Hơn nữa, Pháp dự kiến sẽ tăng trưởng 0,6% trong khi nền kinh tế Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2023.
Ireland vẫn là nền kinh tế hoạt động tốt nhất với mức tăng trưởng dự kiến là 4,9%, chủ yếu nhờ đầu tư của các công ty đa quốc gia nước ngoài.
EC tin rằng, EU đã xoay chuyển tình thế lạm phát kỷ lục và giá sẽ duy trì xu hướng giảm bắt đầu vào cuối năm ngoái khi chỉ báo được theo dõi chặt chẽ quay trở lại mức tăng trưởng một con số.
Sự tiến triển này có liên quan đến việc giá khí đốt của châu Âu giảm đều đặn do tiết kiệm năng lượng được phối hợp, thời tiết ôn hòa và sự đa dạng hóa từ các nhà cung cấp.
Hợp đồng tương lai giá khí đốt của châu Âu đã đóng cửa vào thứ Sáu (10/2) ở mức gần 54 euro/MWh, là mức chưa từng thấy kể từ tháng 12/2021.
Ngoài ra, lạm phát ở khu vực đồng euro hiện được dự đoán sẽ giảm xuống 5,6% vào năm 2023 và 2,5% vào năm 2024, đưa con số này tiến gần hơn tới mục tiêu 2% hàng năm do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm và gánh nặng từ hóa đơn năng lượng cao chưa hoàn toàn chuyển sang người tiêu dùng.
Ông Gentiloni cho biết, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao "ngoan cố" ở các nước Đông Âu. Ông lưu ý rằng, nền kinh tế cũng đang chờ đợi để cảm nhận toàn bộ tác động của việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên tục tăng lãi suất, nhằm hạn chế nhu cầu và góp phần hạ nhiệt lạm phát.
Dự báo của Ủy ban châu Âu được xây dựng dựa trên một loạt dự đoán của các tổ chức trong những tuần gần đây về việc cải thiện triển vọng tăng trưởng của khối, bao gồm cả những dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), JPMorgan và Goldman Sachs đều đồng thời đẩy lùi nguy cơ suy thoái kinh tế.
Tất cả các báo cáo đều ca ngợi khả năng phục hồi và khả năng thích ứng của EU khi đối mặt với xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng đắt đỏ, đồng thời nhấn mạnh sự không chắc chắn dai dẳng vẫn còn diễn ra trên khắp lục địa.