Theo nội dung được công bố, một số thành viên của Fed cân nhắc việc siết lại bớt chính sách tiền tệ sớm hơn, nhưng số liệu việc làm mới đây lại cho thấy Fed không dễ tìm được đáp án của bài toán.
Lạm phát và việc làm
Sau một năm trì trệ do Covid-19, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ những chính sách hỗ trợ nền kinh tế chưa từng có từ trước đến nay.
Tiền nhiều và rẻ, trong khi nhu cầu chi tiêu bị dồn nén và chuỗi cung ứng bị gián đoạn vẫn chưa phục hồi lại như trước, là những yếu tố khiến lạm phát không chỉ tăng mà còn tăng nhanh. Số liệu lạm phát tính đến cuối tháng 4 là 4,2%, cao nhất từ lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Một số nhà kinh tế lo ngại rằng, lạm phát nếu cao và kéo dài, trong khi tăng trưởng những năm sau đó thấp do hiệu ứng trễ của khủng hoảng (phục hồi mạnh sau khủng hoảng nhưng chậm dần sau đó) có thể dẫn tới tình trạng đình trệ (stagnation).
Liên tục 10 năm trở lại đây, lạm phát và tăng trưởng của Mỹ không có nhiều đột biến. Nhưng thêm cú khủng hoảng Covid-19, từ ưu tiên là lạm phát Fed dường như chuyển hướng sang ưu tiên việc làm.
Khi số việc làm tăng vào tháng 3, nhiều người kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan vào tháng 4, nhưng kết quả lại không như mong đợi, thậm chí chỉ bằng 1/4 số dự báo là 750.000 việc làm được tạo mới. Và do đó, dự kiến cuộc họp tháng 6 tới sẽ cập nhật lại dự báo tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp, cũng như lãi suất qua đêm.
Đến thời điểm này, mục tiêu tạo việc làm trên diện rộng, bao phủ lớn của Fed vẫn còn cả một chặng đường dài, khi so với trước khi khủng hoảng số lượng việc làm đã bị giảm đi 8,4 triệu.
Lãi suất và bảng cân đối tài sản
Lãi suất và bảng cân đối tài sản
Một trong những vũ khí hữu hiệu nhất của Fed là can thiệp thông qua lãi suất. Lãi suất duy trì ở mức thấp từ sau nới lỏng định lượng để xử lý khủng hoảng 2008 được duy trì suốt một thời gian dài để hỗ trợ nền kinh tế. Thế nhưng mỗi khi Fed có ý định tăng lãi suất, thị trường lại giận dỗi, mà Fed cũng không thể tăng hơn vì cũng cần duy trì tăng trưởng.
Bên cạnh công cụ lãi suất, Fed còn có một vũ khí không kém phần lợi hại khác là việc bơm thanh khoản cho thị trường thông qua việc tăng bảng cân đối của mình, tức là mua trái phiếu trên thị trường.
Từ giữa năm 2020 đến nay, tổng tài sản của Fed trên bảng cân đối đã tăng gần gấp đôi, lên đến gần 8.000 tỷ USD, một con số kỷ lục. Nếu so với lúc khủng hoảng 2008-2009, mức tăng từ 870 tỷ USD năm 2007 lên gần 2.000 tỷ năm 2010, rồi 4.200 tỷ năm 2015, thì con số hiện nay là đỉnh của đỉnh.
Giới đầu tư lo lại rằng khi kinh tế phục hồi, Fed sẽ siết lại việc mua trái phiếu hay tài sản. Và dấu hiệu đó là lợi tức trái phiếu chính phủ rục rịch tăng, kéo dòng tiền từ cổ phiếu sang trái phiếu. Nhưng những gì xảy ra vào 2014 cho thấy, Fed đã không dám tiếp tục siết vòi, và sau đó lợi tức trái phiếu chính phủ đã giảm lại sau đó.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng bảng cân đối của Fed bây giờ quá lớn, chỉ tính riêng lượng trái phiếu đáo hạn và Fed mua lại, chứ không cần phải mua thêm mới như kế hoạch thì đây cũng là một lượng cầu đáng kể trên thị trường.
Nhiều nhà phân tích chiến lược của các tổ hợp đầu tư lớn cũng nhận định rằng ít nhất trong vòng vài năm tới, Fed không thể giảm nhanh tổng tài sản mà mình đang nắm giữ.
Sự ổn định của thị trường tài chính
Sự ổn định của thị trường tài chính
Là thị trường tài chính có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, các chuyển động quan trọng của thị trường chứng khoán Mỹ đều có sự truyền dẫn sang các thị trường khác.
Và thị trường chứng khoán Mỹ đã được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế suốt 10 năm qua. Khi đại dịch bùng phát, thị trường bị gãy vào tháng 3-2020, nhưng sau đó lại bật dậy mạnh mẽ, và liên tục thiết lập các đỉnh cao mới.
Chính sách lãi suất và việc mua trái phiếu của Fed có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến thị trường chứng khoán, và sau đó là thị trường tài chính nói chung. Chỉ cần Fed có động thái rõ ràng trong việc tăng lãi suất hay giảm việc bơm thanh khoản thì thị trường sẽ bị điều chỉnh rất mạnh.
Lý do là sau một thời gian tăng liên tục, dù có điều chỉnh mạnh đi nữa thì nhiều nhà đầu tư vẫn còn dư khả năng chốt lời, tâm lý bán tháo mạnh sẽ làm hoảng loạn các nhà đầu tư mới tham gia, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân.
Một điểm đáng lưu ý khác là nhiều nhà đầu tư cá nhân ở Mỹ thời gian qua đã sử dụng đòn bẩy tài chính cao, lượng giao dịch ký quỹ tăng, ở mức giật mình như trước khủng hoảng năm 2000 và năm 2008. Không những thế, có một sự liên kết chặt giữa nhóm cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa trong danh mục của các nhà đầu tư này.
Ngày 19-5 vừa qua, khi thông tin bất lợi cho tiền mã hóa được đưa ra, đã có một sự trượt giá thê thảm của hầu hết các đồng tiền mã hóa chính.
Với tình hình như vậy, nhiều khả năng là Fed sẽ phải siết lại vòi thanh khoản một cách chầm chậm chứ không thể tạo một cú sốc được. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tình hình việc làm, và hồi phục kinh tế khi Covid-19 được kiểm soát tốt hơn ở Mỹ và các nước khác.
Thị trường sẽ phải đợi đến phiên họp tiếp theo vào tháng 6, với các số liệu mới được cập nhật thì mới biết được bước tiếp theo của Fed.
Nếu tình hình việc làm tốt, phải chấp nhận lạm phát, và lãi suất sẽ phải điều chỉnh tăng theo lãi suất của thị trường. Khi đó, chắc chắn sẽ có một sự xáo trộn không hề nhỏ trong sự dịch chuyển dòng tiền giữa các lớp tài sản, giữa các nhóm cổ phiếu với nhau.