Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó.
Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại.
Do vậy, để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành dệt may tận dụng FTA hiệu quả.
Chưa tận dụng hết lợi thế
Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), Chính phủ đã rất nỗ lực đàm phán và ký kết 19+1 FTA với gần như toàn bộ các khu vực trên thế giới. Với mấu chốt là giảm thuế đến mức thấp nhất, nhanh nhất. Quy tắc xuất xứ lỏng nhất có thể cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, nhất là hàng dệt may. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được hết lợi thế và dư địa do các FTA mang lại.
Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây cho thấy mặc dù gần như đa số doanh nghiệp đều đã có hiểu biết về các FTA, nhưng số doanh nghiệp hiểu biết rõ chỉ chiếm khoảng 8%.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cán cân thương mại của Việt Nam bị thâm hụt khá lớn ở thị trường Đông Á - thị trường được xem truyền thống, gần và dễ tính lên đến gần 129 tỷ USD vào năm ngoái; trong đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc khoảng 60,5 tỷ USD, với Hàn Quốc khoảng 37,9 tỷ USD, Đài Loan khoảng 17,5 tỷ USD, ASEAN khoảng 13,42 tỷ USD.
Ngược lại, đối với thị trường châu Mỹ, châu Âu, những thị trường được xem là có nhiều rào cản, nhiều quy định khắt khe, được gọi là khó tính, lại có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến gần 141 tỷ USD vào năm 2022. Theo đó, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ khoảng 95 tỷ USD và dự kiến năm nay đạt trên 100 tỷ USD. Với Canada và Mexico khoảng 9,2 tỷ USD; EU khoảng 31,4 tỷ USD; Vương quốc Anh khoảng 5,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, tỷ trọng thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường FTA từ 3-4 năm vừa qua vẫn không tăng, thậm chí chiếm tỷ lệ thấp. Như tại EU, hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm 4%; tại Vương quốc Anh là 2%, Canada khoảng 13% và Mexico khoảng 14%.
Lý giải nguyên nhân, ông Ngô Chung Khanh cho rằng tỷ trọng làm thô của doanh nghiệp Việt Nam còn quá lớn; trong đó cắt may gia công (CMT) chiếm khoảng 65%, sản xuất OEM chỉ khoảng 30%, sản xuất ODM chỉ khoảng 5%.
Khó khăn về tín dụng vốn khiến doanh nghiệp khó đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh. Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp lo lắng về tiếp cận tín dụng tăng dần theo thời gian. Năm 2020, chỉ có 40,7% doanh nghiệp lo ngại, năm 2021, con số này là 46,9% và năm 2022 là 55,6%.
Tiếp nữa là doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức về phát triển bền vững và thiếu kết nối, hợp tác. Một số doanh nghiệp cho rằng họ đang cần đơn hàng để tồn tại rồi mới có thể nói đến câu chuyện xa xôi hơn. Nhưng theo ông Ngô Chung Khanh, đây là câu chuyện con gà và quả trứng. Phát triển bền vững không chỉ là yêu cầu của cơ quan quản lý nước ngoài mà của cả người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp không quan tâm dần dần các đơn hàng sẽ mất đi.
Nhà máy sợi Hòa Xá, Tổng Công ty Cổ phần dệt may Nam Định, một trong những đơn vị đầu ngành về sản xuất sợi cho thị trường trong nước và xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ông Ngô Chung Khanh cho biết trong kế hoạch thực thi FTA, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ rất quan trọng cho các bộ ngành và địa phương là tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để học hỏi, tận dụng công nghệ, quan hệ và các nguồn tài chính. Tuy nhiên, kết nối đó còn rất lỏng lẻo, thậm chí kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau càng lỏng lẻo hơn, chưa kể hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh còn khá phổ biến.
Một số doanh nghiệp cho hay, trước đây có một mức chung là khoảng 3 USD/sản phẩm áo nhưng hiện nay giá 1 USD, thậm chí dưới 1 USD/sản phẩm cũng nhận miễn là có đơn hàng. Vấn đề này không chỉ đối với dệt may mà đối với thủy sản, da giày cũng có.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối Thời trang (FASLINK), chia sẻ có rất ít doanh nghiệp Việt Nam chủ động tham gia hội chợ quốc tế để biết người dùng cuối và thị trường đích đến, để tìm kiếm khách hàng, mà chủ yếu thông qua các công ty để nhận đơn hàng ngay tại Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc lại rất chủ động, mặc dù bị các thị trường đặt rào cản rất lớn nhưng họ vẫn vượt qua và vẫn chiếm được tỷ trọng thị phần rất lớn.
Tạo hệ sinh thái, tăng cường kết nối
Theo ông Khanh, tình hình khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp dệt may không phải là do nội tại của các FTA, mà là do tình hình kinh tế thế giới suy thoái đã ảnh hưởng đến đơn hàng.
Dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng như một số chuyên gia đều cho rằng kinh tế tăng trưởng ổn định trở lại, người tiêu dùng tăng chi tiêu, vấn đề đơn hàng sẽ được giải quyết.
Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa lợi thế từ các FTA và khắc phục khó khăn trước mắt, Bộ Công Thương đã đề ra hàng loạt giải pháp. Đó là, tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp, bằng mọi biện pháp để có thể mang lại đơn hàng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, xây dựng hệ sinh thái cho ngành, kết nối tất cả chủ thể có tham gia vào quá trình tận dụng FTA, từ người nông dân cho đến người sản xuất, nhà xuất khẩu, hiệp hội, cơ quan quản lý, công ty tư vấn, logistics, nhà nhập khẩu,...
Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, xây dựng đề án cho mỗi tỉnh phát triển một số mặt hàng chủ lực. Nếu thành công sẽ nhân rộng, phát triển nên Bộ đang xây dựng khung đề án và đang nhận ý kiến đóng góp của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng các bộ ngành xây dựng khung khổ quy định về nguồn tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA.
Giải pháp thứ tư là tăng cường cung cấp thông tin cập nhật chính sách cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành xây dựng cổng thông tin một cửa về FTA. Theo đó, doanh nghiệp thay vì phải truy cập nhiều trang web, gõ cửa nhiều bộ ngành, chỉ cần vào cổng một cửa FTA sẽ có thông tin cần thiết hoặc có thể đặt câu hỏi, yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ. Dự kiến cuối năm nay, cổng này sẽ chính thức được ra mắt.
Khuyến nghị giải pháp đối với doanh nghiệp, ông Khanh cho rằng doanh nghiệp dệt may cần định vị thị trường FTA trong chiến lược xuất khẩu của mình. Để vào được thị trường đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu nắm rõ thông tin, chính sách của thị trường và lên chiến lược tiếp cận. Tối ưu hóa chi phí và năng lực sản xuất thông qua kết nối với doanh nghiệp khác. Đồng thời, doanh nghiệp cần có định hướng thay đổi từ gia công lên OEM, ODM, hướng tới OBM (xây dựng thương hiệu).
Ngành may mặc xuất khẩu đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Theo bà Phạm Thị Chung - Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang rất có lợi thế về điều kiện lao động. Tiêu chuẩn lao động, các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện rất tốt. Luật lao động của Việt Nam rất tiên tiến, cho nên khi đình công tại Bangladesh nổ ra, đơn hàng bắt đầu quay trở lại Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần quảng bá được sự khác biệt. Cùng với việc nâng cấp các tiêu chuẩn khác về môi trường và quản trị, doanh nghiệp dệt may Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh cao hơn để tiếp cận đơn hàng vào thị trường FTA. Đó là cánh cửa có thể thấy rằng khó khăn là trước mắt nhưng cơ hội lâu dài.
Chia sẻ kinh nghiệm ở góc độ doanh nghiệp đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường FTA, bà Trần Hoàng Phú Xuân cho biết doanh nghiệp xác định mục tiêu ngay từ đầu là phải nâng được giá trị của mình trong chuỗi cung ứng chứ không chỉ là làm gia công. Do đó, trong 15 năm qua, doanh nghiệp đã rất nỗ lực xây dựng thương hiệu, chủ động kết hợp với doanh nghiệp FDI để nhanh chóng đưa được sản phẩm thương mại ra thị trường; tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển và mua dữ liệu thị trường; tích cực tham gia hội chợ quốc tế. Do đó, doanh nghiệp có thể chốt đơn khá dễ nên có những điểm khác biệt tạo ra giá trị cho người tiêu dùng.
Cùng chia sẻ tầm nhìn của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc xây dựng hệ sinh thái cho ngành dệt may, ông Du Duy - Giám đốc Quản lý và Phát triển Kinh doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Cát Tường cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Aurora Ip) tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, với mô hình phát thải carbon thấp, đạt tiêu chuẩn của quốc tế về môi trường-xã hội-quản trị. Mục tiêu là kiến tạo không gian cho doanh nghiệp cùng đồng hành xây dựng một chuỗi cung ứng dệt may bền vững, có thể sản xuất được 1 tỷ mét vải cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.