Từ BEPS đến thuế GAFA
Khởi đầu từ Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin thuế năm 2009, đến tháng 9-2013 các lãnh đạo nhóm G20 đã phê chuẩn kế hoạch hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (chương trình BEPS) cùng với các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Đến tháng 11-2015 tại thượng đỉnh Antalya, G20 đã thông qua chương trình BEPS được nâng lên tầm cao mới với khung hợp tác toàn diện, mở rộng sự tham gia của các nước và vùng lãnh thổ có quan tâm.
Đến cuối tháng 9-2020, đã có 131 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khung hợp tác này, với hơn 2.500 trao đổi qua lại giữa các thành viên.
Việc các tập đoàn đa quốc gia né thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách chọn nơi khai thuế chính ở các thiên đường thuế rất phổ biến. Ước tính mỗi năm, ngân sách của các chính phủ thất thu 100-204 tỷ USD vì thủ thuật né thuế thông qua giảm cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.
Tại châu Âu, các tập đoàn đa quốc gia với các chiêu tối ưu thuế chỉ đóng thuế ở mức thuế suất bình quân 9,5%, trong khi các doanh nghiệp khác ở mức 23,2%.
Theo hồ sơ thuế của Pháp năm 2017, doanh thu của Google, Apple, Facebook và Amazon lần lượt 325, 790, 55,9 và 380 triệu EUR, nhưng các đại gia công nghệ này chỉ đóng thuế doanh nghiệp tương ứng 14,1, 19,1, 1,9 và 8 triệu EUR.
Vào thời điểm này năm ngoái, OECD đã đề xuất dự án đánh thuế các tập đoàn công nghệ đa quốc gia với các Bộ trưởng tài chính G20 họp tại Washington, gọi tắt là thuế GAFA. Có 2 phương án tính thuế được cân nhắc.
Phương án thứ nhất, các quốc gia hay vùng lãnh thổ áp thuế suất riêng của mình, còn cơ sở tính thuế là tỷ trọng doanh thu tại nước đó so với doanh thu toàn cầu và lợi nhuận toàn cầu.
Cụ thể công thức như sau: Thuế = Thuế suất quốc gia x (Doanh thu quốc gia/Doanh thu toàn cầu) x Lợi nhuận toàn cầu.
Phương án hai, thuế suất tối thiểu áp dụng chung toàn cầu, được đề nghị ở mức 12-13%. Theo phương án này, nếu thuế suất ở một thiên đường thuế thấp hơn mức thuế tối thiểu, quốc gia nơi tập đoàn đăng ký thuế chính có quyền thu phần chênh lệch. Theo nhiều chuyên gia thuế và luật pháp, giải pháp này sẽ khiến các quốc gia không chạy đua đưa ra mức thuế suất thấp nhất để thu hút các tập đoàn đa quốc gia.
Nhưng vấn đề phát sinh là xác định mức thuế suất tối thiểu bao nhiêu để được sự đồng thuận cao, và việc xác định như thế nào là nơi đăng ký thuế chính. Vì theo luật của một số nước, trong đó có Mỹ, tập đoàn mẹ đăng ký thuế ở đâu nơi đó được coi là nơi đăng ký thuế chính. Nhưng cũng có những nước quy định nơi nào có doanh thu chính là nơi đăng ký thuế chính.
Tuy nhiên đề án thuế GAFA đã bị tắc từ tháng 6-2020 khi Mỹ hoãn các đàm phán. Có một số lý do được đưa ra để giải thích, như dịch bệnh Covid-19, Mỹ vào giai đoạn quan trọng của bầu cử tổng thống. Song nhiều khả năng đây là yếu tố để Mỹ đàm phán về thuế suất thương mại với EU, trong cuộc chiến thương mại không kém phần gay cấn như giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ảnh minh họa.
EU sẽ là Don Quixote?
OECD và EU là 2 nhân tố rất tích cực trong việc thúc đẩy dự án thuế GAFA. Mặc dù Mỹ tạm hoãn quá trình đàm phán, OECD vẫn hy vọng các thỏa thuận sẽ được thông qua vào giữa năm 2021.
Các bên ủng hộ cho rằng chặng đường quan trọng đã đi được một nửa, tức phần kỹ thuật, nửa còn lại là quyết tâm chính trị của các bên còn cân nhắc, trong đó có Mỹ và một số thiên đường thuế.
Về phía EU, Pháp được coi như hiệp sĩ xung trận đầu tiên với việc thông qua luật thuế GAFA ngày 11-7-2019. Chính phủ Pháp áp thuế suất 3% trên doanh thu của các tập đoàn đa quốc gia tính từ 1-1-2019 và sẽ tạm thu vào tháng 12 năm nay.
Mỹ ngay sau đó đã phản ứng mạnh với Pháp, đe dọa sẽ tăng thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Pháp, có thể lên đến 100% đối với các mặt hàng như rượu vang, phô-mai, mỹ phẩm. Những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU như những đợt sóng ngầm. Từ chuyện hàng nông sản, ô tô và phụ tùng ô tô, chuyện trợ giá Airbus và đang nổi lên là thuế GAFA.
Sau đe dọa của Mỹ, Pháp đã có phần nhún nhường khi tạm hoãn việc tạm thu thuế GAFA như dự tính. Ngoài ra thuế GAFA chỉ áp dụng cho các tập đoàn công nghệ đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu EUR và doanh thu trên lãnh thổ Pháp không ít hơn 25 triệu EUR.
Pháp còn cho biết phần thuế tạm thu sẽ được cân đối lại khi thuế GAFA được áp dụng rộng rãi ở châu Âu, nghĩa là nếu nộp thừa được khấu trừ, nộp thiếu phải bù thêm.
Nhưng thuế GAFA có thực sự đánh vào các tập đoàn khổng lồ này? Sau khi Pháp thông qua luật thuế, các tập đoàn GAFA đã tăng giá và phí các sản phẩm dịch vụ của mình, chuyền bóng sang túi tiền của khách hàng.
Trong trường hợp EU thống nhất thông qua, việc điều chỉnh giá chắc chắn sẽ diễn ra trên diện rộng vì thị phần quá lớn của các tập đoàn này. Sau kết quả bầu cử tổng thống, Mỹ chắc sẽ quay lại đàm phán, thiên về phương án thứ 2.
Mỹ đã thực hiện việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hiện ở mức 21% và được xem là rất cạnh tranh. Nếu OECD và EU chịu nhường Mỹ, có lẽ câu hỏi quan trọng sẽ là thuế suất bao nhiêu và cách xác định nơi khai thuế chính theo tiêu chí nào.
Tuy nhiên thống kê cho thấy giai đoạn 2008-2018, số dư tiền gửi của các tài khoản ở các thiên đường thuế đã giảm 34%, tương đương 551 tỷ USD. Điều này cho thấy Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin thuế, chương trình BEPS đã có những hiệu ứng tích cực. Việc giảm khoảng cách thuế suất giữa các nước cũng là cách hạn chế việc sử dụng các thủ thuật để né thuế.
Nhưng với những tập đoàn đa quốc gia chiếm thị phần quan trọng, việc chống độc quyền có ý nghĩa và hiệu quả hơn là thuế suất, bởi thông qua độc quyền, họ vẫn có thể đẩy trách nhiệm thuế về túi tiền của người tiêu dùng.
-------------
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global
-------------
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global