Giá dầu thế giới liệu có hạ nhiệt?

(ĐTTCO)-Giá dầu đã tăng hơn 45% trong 6 tháng đầu năm, lên mức 80USD/thùng lần đầu tiên sau hơn 2 năm rưỡi. Dù trong nửa đầu tháng 7 giá dầu đã hạ nhiệt xuống quanh mức 71USD/thùng, nhưng các nhà phân tích ở Phố Wall tin rằng có khả năng “vàng đen” sẽ tăng cao hơn nữa trong những tháng tới.
Giá dầu thế giới liệu có hạ nhiệt?
Cần 100 triệu thùng/ngày
Giá dầu ngày 15-7 phục hồi trở lại từ mức thấp hàng tháng (70,76USD), ngay cả khi hàng tồn kho của Mỹ giảm 9 tuần liên tiếp trong bối cảnh bế tắc trong thương thuyết của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết, các cuộc đàm phán trong OPEC+ vẫn đang tiếp diễn và rạn nứt, có thể tiếp tục tạo ra sóng gió cho mặt hàng “vàng đen”.
Các nhà phân tích cho rằng, đà tăng giá dầu trong cuối quý II là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm việc tung ra vaccine Covid-19, nới lỏng dần các biện pháp khóa cửa và cắt giảm sản lượng lớn từ các thành viên OPEC và ngoài OPEC - một liên minh năng lượng được gọi là OPEC+.
Và trong bối cảnh hiện nay, có vẻ như các nước OPEC không vội đưa ra một bảng điều chỉnh sản lượng mới, vì thỏa thuận OPEC+ được lên kế hoạch thực hiện trong 9 tháng nữa, tức cho đến tháng 4-2022, cũng như  vẫn còn phải xem liệu các bản tin dữ liệu mới của Mỹ có ảnh hưởng hay không, do tồn kho dầu thô nước này giảm 7,897 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9-7 sau khi giảm 6,866 triệu thùng vào tuần trước đó.
Thực ra OPEC và các đồng minh của tổ chức này đi đúng hướng để đẩy sản lượng về mức trước đại dịch, vì Báo cáo thị trường dầu hàng tháng (MOMR) mới nhất nhấn mạnh rằng, “tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới vào năm 2021 được dự báo là 6 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với đánh giá của tháng trước.
Trong khi đó tổng nhu cầu dầu được dự báo trung bình 96,6 triệu thùng/ngày cho năm 2021. Do vậy MOMR tiếp tục tin rằng "kỳ vọng vững chắc về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu vào năm 2022, với nhu cầu dầu thế giới dự báo sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ lên mức trung bình 99,9 triệu thùng/ngày". Do vậy có thể giữ giá dầu tiếp tục tăng do “nhu cầu dầu thế giới trong nửa cuối năm 22 dự kiến sẽ vượt quá 100 triệu thùng/ngày”.
Tuy nhiên, xem xét sâu hơn các số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy, sản lượng hàng tuần tại hiện trường tăng lên 11,4 triệu thùng từ 11,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2-7 để đánh dấu mức độ cao nhất kể từ tháng 5-2020 và sản lượng của Mỹ có thể sẽ phục hồi hơn nữa, kéo giá dầu lên khi OPEC và các đồng minh của họ phải vật lộn để gặp nhau trên điểm chung.

Hướng đến 100USD/thùng?
Theo Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), các cuộc đàm phán trong OPEC+ vẫn đang tiếp diễn và rạn nứt, có thể tiếp tục tạo ra sóng gió cho mặt hàng “vàng đen”.
Trong tương lai, Goldman Sachs tin giá dầu Brent trung bình sẽ trên 80USD trong quý III-2021, và dự báo mức tăng đột biến có thể xảy ra khi nhu cầu tăng trở lại. Trong khi đó, JPMorgan kỳ vọng giá dầu thô sẽ “phá đỉnh” 80USD trong 3 tháng cuối năm. Các nhà phân tích tại Bank of America thậm chí còn lạc quan hơn, cho rằng giá dầu Brent có thể đạt 100USD vào mùa hè năm sau. Điều đó sẽ đánh dấu sự trở lại 3 chữ số lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Những dự báo lạc quan này diễn ra khi cả 3 cơ quan dự báo chính của thế giới là OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và EIA dự kiến nhu cầu sẽ phục hồi và tăng tốc trong nửa cuối năm 2021. Tamas Varga, nhà phân tích dầu tại PVM Oil Associates, cho biết tồn kho dầu toàn cầu và khu vực đã giảm trong năm nay, điều này sẽ hỗ trợ giá dầu.
Ông nói thêm: “Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian còn lại của năm. Nó sẽ chỉ kết thúc đột ngột nếu các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất bất ngờ vì lo ngại lạm phát, hoặc trong trường hợp OPEC tăng sản lượng trên nhu cầu, hoặc họ không thể điều tiết sự gia tăng từ Iran nếu thành viên OPEC vùng Vịnh Ba Tư quay trở lại thị trường”. Nhưng Varga cho biết viễn cảnh OPEC+ không thể điều chỉnh khi thêm lượng dầu xuất khẩu của Iran "có vẻ khó xảy ra vào lúc này".
Vẫn có dự báo ngược lại
Tuy nhiên, một số yếu tố không chắc chắn vẫn tiếp tục làm mờ triển vọng. Sự lan rộng của biến thể Delta của Covid-19 trên toàn thế giới đã làm trầm trọng thêm lo ngại về sự suy giảm nhu cầu dầu và khả năng Iran quay trở lại thị trường xuất khẩu dầu mỏ vẫn chưa rõ ràng.
Thí dụ, các biện pháp khóa cửa được gia hạn và chi phí gia tăng đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng nhà máy ở Trung Quốc chậm hơn. Martijn Rats, Trưởng bộ phận phân tích dầu mỏ của Morgan Stanley, cho biết các thị trường dầu thô đang tìm kiếm mức giá hiệu quả với việc tăng trưởng nhu cầu.
“Đó là một điều khó phân tích, chúng tôi đưa ra mức giá khoảng 80USD một thùng. Bởi trên mức giá đó nhu cầu sẽ bị hủy diệt. Điều đó sẽ ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng kinh tế” - Rats nói với CNBC “Street Signs Europe” vào ngày 2-7. Morgan Stanley tin rằng Brent sẽ giao dịch trong khoảng từ 75USD đến 80USD cho đến giữa năm 2022.
Cho đến nay, OPEC+ vẫn trì hoãn quyết định về việc có tăng cường cung cấp dầu hay không. Các nguồn tin nói với Reuters rằng UAE đã chặn kế hoạch nới lỏng ngay lập tức việc cắt giảm nguồn cung. Nhóm nhà sản xuất thống trị Trung Đông sẽ gặp lại nhau để tiếp tục các cuộc đàm phán. Chris Midgley, trưởng bộ phận phân tích toàn cầu của S&P Global Platts, cho biết cuộc họp của OPEC+ sẽ có “tác động mạnh mẽ” đến giá dầu vì kết quả sẽ tác động đến nguồn cung từ tháng tới.

Các tin khác