Biến động từ Trung Quốc, giá quặng sắt và thép nhảy múa
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép, để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.
Bộ cũng đề nghị thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh.
Phân tích lý do giá thép tăng cao, Hiệp hội Thép đánh giá nguyên nhân đầu tiên do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn cầu. Các yếu tố chính chi phối thị trường này, khiến giá thép toàn cầu biến động là: Nguồn cung thép thắt chặt theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm; nhu cầu tiêu thụ thép nội địa của nước này tăng cao do kinh tế phục hồi và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có chính sách giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% để giảm sản lượng xuất khẩu thép; chi phí sản xuất thép của Trung Quốc năm 2020 cao hơn so với các quốc gia làm nhập khẩu bán thành phẩm (thép thô), lên mức cao nhất trong lịch sử vào quý III-2020.
“Điều đó có nghĩa, giá thép sẽ có khả năng còn tăng”, Hiệp hội Thép Việt Nam lưu ý.
Chưa kể, giá thép tăng còn do tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển. Nguyên liệu (quặng sắt, phế thép), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa,... ), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu chi phối bởi thị trường toàn cầu.
“Diễn biến tăng giá gần đây là theo quy luật thị trường khi giá nguyên vật liệu để sản xuất thép toàn cầu tăng bất thường, giá thép thô và thép thành phẩm trên thế giới tăng và diễn biến phức tạp, khó lường”, Hiệp hội Thép nhận định.
Chưa thiếu thép, nhưng lường trước rủi ro
Chia sẻ với PV, đại diện Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp hiện đều đảm bảo nguồn cung thép trên thị trường, chưa có hiện tượng thiếu thép. Việc điều hành quản lý của nhà nước cũng không thể cấm doanh nghiệp xuất khẩu thép mà chỉ đề nghị hạn chế.
Hiệp hội Thép cũng khẳng định: Năm 2021, nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 7-10% so với năm 2020. Sản xuất thép của Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu một phần ra nước ngoài.
Từ tháng 2, khi giá thép tăng cao, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất một loạt giải pháp. Cơ quan này cũng chỉ ra, giá thép tăng do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.
Việc giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc,... vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Như vậy, cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD).
Bộ Công Thương khi đó đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng phôi thép cuộn cán nóng và thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Góp ý về giá thép, Tổng cục Thống kê khi đó cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép giảm các chi phí đầu vào do Nhà nước quản lý giá.
Đối với thép cuộn cán nóng, hiện chỉ có Formosa và Hòa Phát sản xuất được, còn phần lớn vẫn phải nhập khẩu.
Bộ Công Thương dự báo thép cuộn cán nóng thời gian tới sẽ vẫn mất cân đối cung - cầu (sẽ càng tăng) do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng.
Do vậy, để tăng nguồn cung các loại thép phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo, Chính phủ cần có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất hoặc thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án sản xuất thép cán nóng.