Áp lực tăng hiện hữu
Nửa đầu năm 2023, tỷ giá USD/VNĐ chủ yếu đi ngang sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN và 4 lần tăng lãi suất của Fed. Đến giữa tháng 7, tỷ giá trung tâm đã lùi xuống mức 23.720 đồng/USD khi chỉ số Dollar Index (DXY) giảm mạnh xuống 99,91; tỷ giá NHTM cũng lùi xuống 23.646 đồng/USD, tương ứng VNĐ chỉ mất giá 0,05% so với USD.
Tuy nhiên, tỷ giá đã có sự đổi chiều khi DXY tăng liên tiếp trong bối cảnh Fed nâng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7. Theo đó, tỷ giá USD/VNĐ trong nước cũng bật tăng mạnh. Ghi nhận tại ngày 11-8, tỷ giá trung tâm ở mức 23.837 đồng/USD, tăng 117 đồng so với giữa tháng 7 và tăng 0,9% so với đầu năm 2023.
Với biên độ ±5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.645 đồng/USD, tỷ giá trần là 25.029 đồng/USD. Cùng thời điểm, tỷ giá tại Vietcombank ở mức 23.540 - 23.910 đồng/USD, tăng 220 đồng so với đầu năm. Trước đó, đã có một số thời điểm giá USD của các NHTM tiến sát mốc 24.000 đồng.
Ngoài ra, thị trường còn một hiện tượng ít khi xảy ra đã xuất hiện trên thị trường liên NH, đó là lãi suất VNĐ của các kỳ hạn ngắn thấp hơn lãi suất USD đến 4%/năm. Cụ thể vào cuối tháng 7, lãi suất bình quân liên NH đối với VNĐ kỳ hạn qua đêm là 0,2%/năm, 1 tuần 0,4%/năm, 2 tuần 0,64%/năm, 1 tháng 1,42%/năm. Trong khi đó, lãi suất USD liên NH kỳ hạn qua đêm 4,92%/năm, 1 tuần vào khoảng 4,96%, 2 tuần 5,03%, 1 tháng 5,3%. Qua đó cho thấy, áp lực lên tỷ giá khá cao.
Ở thời điểm hiện tại, áp lực tăng tỷ giá cũng là nội dung được nhiều tổ chức nhắc đến. Tại báo cáo Triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023, Shinhan Bank nhận định trước những áp lực từ nền kinh tế toàn cầu, tỷ giá VNĐ/USD có thể tăng trong ngắn hạn.
Theo các chuyên gia của Shinhan Bank, bối cảnh kinh tế khó khăn đang khiến cho nhu cầu quốc tế sụt giảm, làm xuất khẩu cầm chừng khiến nguồn thu ngoại tệ bị yếu đi, ảnh hưởng tới tỷ giá. Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ yếu đi cũng đang gây áp lực lên VNĐ.
SSI Rearch cũng cho rằng, áp lực đối với tỷ giá có thể tăng dần khi NHNN vẫn duy trì sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của mình đối với các NH Trung ương lớn khác. Bởi mức chênh lãi suất USD - VNĐ đang ở mức khá cao và tạo áp lực rút vốn ra khỏi Việt Nam. Đồng thời giai đoạn này, VNĐ còn phải chịu áp lực mang tính mùa vụ từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI… Đó cũng là các yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VNĐ trong nửa cuối năm 2023.
Sự suy yếu gần đây của đồng Nhân dân tệ đang tạo gánh nặng lên VNĐ khi lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã mất đà sau đợt phục hồi ngắn vào đầu năm 2023.
Không chỉ vậy, các chuyên gia của Shinhan Bank còn lưu ý, Việt Nam có thể chịu tác động bởi nền kinh tế Trung Quốc do tỷ trọng xuất nhập khẩu sang Trung Quốc lớn, áp đảo về cơ cấu thương mại. VNĐ trước đây thường có xu hướng di chuyển cùng chiều với Nhân dân tệ, khi Nhân dân tệ yếu có thể gây áp lực giảm giá cho VNĐ trong ngắn hạn. Sự suy yếu gần đây của Nhân dân tệ đang tạo gánh nặng lên VNĐ khi lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã mất đà sau một đợt phục hồi ngắn vào đầu năm 2023.
Nhưng còn nhiều yếu tố hỗ trợ
Tuy nhiên, Shinhan Bank cho rằng, tỷ giá có thể quay đầu giảm với kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh các chính sách kinh tế, cũng như lĩnh vực sản xuất toàn cầu thoát khỏi đáy và phục hồi. Ngoài ra, giới phân tích cũng nêu lên nhiều thuận lợi khác như NHNN đã bổ sung dự trữ ngoại hối khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD.
Theo IMF, dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỷ USD. Vốn FDI và kiều hối ổn định, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ…
Tại một diễn đàn vừa diễn ra, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, lãi suất thực của Việt Nam vẫn còn ở mức rất cao dù NHNN nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi. Nguyên nhân vì Việt Nam còn lo ngại về hướng biến động của tỷ giá hối đoái. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, có 3 căn cứ để xác định tỷ giá hối đoái biến động theo hướng nào.
Thứ nhất, đồng USD có thể tăng nữa không? Ông cho rằng điều này sẽ không diễn ra, đồng USD khó có thể tăng trong xu hướng đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay. Chỉ số DXY từ gần 115 điểm hiện chỉ còn 102 điểm và có thể còn tiếp tục giảm quanh mức 100 điểm. Do đó, áp lực thứ nhất đối với tỷ giá hối đoái trong nước rất nhỏ.
Áp lực thứ hai là giá hàng hóa thế giới nhập khẩu tăng, đặc biệt là giá nguyên liệu. Nguy cơ này có thể còn nhưng không lớn. Bộ Tài chính còn có dư địa hỗ trợ NHNN trong việc kiềm chế giá xăng dầu không tăng quá mức.
Áp lực thứ ba là vấn đề nội địa, liệu cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam có bị thâm hụt không? Nhìn lại 6 tháng đầu năm và đặc biệt trong tháng 7, thặng dư thương mại rất lớn đã bổ sung cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế khá tích cực và NHNN phải mua ngoại tệ vào để tăng dự trữ ngoại hối. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy áp lực của nội địa đối với tỷ giá không lớn.
Vậy nên chuyên gia này kết luận, Việt Nam tuy là quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất lớn, NHNN rất lo ngại chuyện ổn định tỷ giá hối đoái nhưng có nhiều khả năng giúp tỷ giá được ổn định trong năm 2023 và kể cả năm 2024.
Ở thời điểm hiện tại, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, tỷ giá VNĐ/USD sẽ tăng khoảng 2% trong năm nay, tỷ giá liên NH lên quanh mức 24.100 đồng/USD. Nhóm phân tích Techcombank dự báo tỷ giá USD/VNĐ bình quân có thể lên cao nhất là 24.168 đồng/USD vào tháng 10-2023 rồi sau đó giảm dần trong các tháng tiếp theo.
Trong khi đó, Mizuho Bank dự báo tỷ giá USD/VNĐ sẽ là 23.800 đồng/USD vào quý IV-2023, Shinhan Bank dự báo trung bình năm tỷ giá USD/VNĐ sẽ chỉ quanh mức 23.547 đồng/USD, tức trong khoảng 23.400-23.700 đồng/USD. Tuy nhiên, Shinhan Bank cũng lưu ý NHNN cần tránh tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất do xuất khẩu còn yếu, vẫn còn tồn tại các NH yếu kém và dự trữ ngoại hối suy giảm.