Giấc mơ công nghiệp ô tô Việt

(ĐTTCO)-Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 229 về cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

(ĐTTCO)-Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 229 về cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

 

Như vậy, sau gần 1 năm có chiến lược và quy hoạch, các cơ chế chính sách ưu đãi mới ra đời. Để giữ sự ổn định, các chính sách nêu tại Quyết định 229 được thực hiện nhất quán trong thời gian tối thiểu 10 năm. Quyết định 229 đã đề ra các hỗ trợ về tín dụng, kích cầu, phát triển thị trường, ưu đãi về thuế, đất đai.

Ví dụ như dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, lắp ráp ô tô và xe chuyên dùng của các doanh nghiệp trong nước được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam; mua xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn có sức chở đến 3 tấn, xe nông dụng nhỏ đa chức năng được hỗ trợ theo quy định về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN (nguyên tắc tối huệ quốc) ở mức trần cam kết đối với các dòng xe ưu tiên và các dòng xe trong nước đã sản xuất được...

Để ưu tiên hỗ trợ xe cá nhân chở người đến 9 chỗ ngồi, kích thước nhỏ, dung tích xi lanh đến 1.500cm³, tiết kiệm nhiên liệu, giá cả phù hợp với người tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng phân chia thành các nhóm nhỏ hơn.

Trong đó, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe ưu tiên tiêu dùng; áp thuế cao và đặc biệt cao với xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm3, tiêu hao nhiều nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập người dân và các chủng loại xe 9 chỗ ngồi có giá trị tuyệt đối lớn. Đồng thời, Bộ Tài chính có trách nhiệm nghiên cứu, ban hành phí môi trường theo hướng nâng cao đối với xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm³.

Kể từ năm 1992 đến nay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam luôn được coi là ngành trọng điểm và được các ưu đãi nhất thông qua các chính sách thuế ưu đãi về tỷ lệ nội địa hóa, thuế nhập khẩu cho linh kiện lắp ráp và thuế thu nhập doanh nghiệp. Thế nhưng, đến nay, giá ô tô Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng, tỷ lệ nội địa hóa thấp mà nguyên nhân, theo Bộ Tài chính là các doanh nghiệp lắp ráp ô tô ỷ lại sự bảo hộ của Nhà nước nên đưa ra giá bán cao để thu lãi cao. Trong khi đó, một doanh nghiệp đầy tham vọng sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam là Công ty Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) thì những ưu đãi, hỗ trợ lại không đủ hiệu quả. Để rồi, doanh nghiệp này phải bán nhà máy để trả nợ.

Nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không phát triển được thời gian qua và giá bán xe trong nước cao hơn nhiều so với xe trong khu vực là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ kém. Ngoài ra, cũng phải kể đến việc thị trường ô tô của Việt Nam nhỏ bé nên các nhà đầu tư không muốn đầu tư sản xuất linh kiện phụ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước.

Dù đã có những ưu đãi để phát triển nhưng nhìn chung công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn: hỗ trợ để phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm giảm giá xe nhưng lại muốn hạn chế sử dụng ô tô (do hạ tầng chật hẹp, ô nhiễm...) bằng cách áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt; công nghiệp phụ trợ muốn phát triển thì thị trường phải lớn, lượng tiêu dùng phải cao.

Việt Nam đang hội nhập sâu với cả khu vực và thế giới với một lộ trình thuế nhiều mặt hàng về 0% và ô tô là một trong số đó. Với một ngành công nghiệp có điều kiện và thời gian hơn 20 năm để phát triển nhưng nay vẫn còn đang rất ì ạch thì việc phát triển ngành công nghiệp này thời gian tới là không dễ dàng.

Nhiều chuyên gia đã từng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và sắp tới xe nhập khẩu nguyên chiếc đã trở thành xu hướng không thể ngăn cản và nhiều doanh nghiệp cũng đang chuyển hướng trọng tâm của mình sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, hạn chế đầu tư mới. Năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu ô tô gần 6 tỷ USD, tăng 59% so năm 2014, trong đó ô tô nguyên chiếc nhập khẩu lên tới 125.000 chiếc, giá trị gần 3 tỷ USD, tăng 77% về lượng và 88% về giá trị.

Dù các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam có thể “buông” việc đầu tư sản xuất linh kiện nhưng vẫn quyết liệt giữ thị trường bởi những tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam mang lại. Và, khi mặt hàng ô tô còn phụ thuộc vào các tập đoàn lớn nước ngoài có mặt ở Việt Nam thì câu chuyện giá chỉ có tăng, không giảm vẫn sẽ tiếp diễn. Hơn 20 năm qua, công nghiệp ô tô phát triển èo uột nhưng thị trường ô tô Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng mạnh.

Câu chuyện công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đi đến đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ nhưng câu trả lời có lẽ sẽ đến vào năm 2018 khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN về 0%. Khi đó, xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ không có nhiều lợi thế, nhất là người tiêu dùng Việt Nam vốn ưa chuộng xe nhập khẩu hơn xe trong nước.

Các tin khác