Ngay sau đó, VNBA đã họp trực tuyến với 16 NHTM, kết quả lãnh đạo các nhà băng đều thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19. Vì vậy, thông tin giảm lãi suất cho vay có thể xem là một tin vui đối với DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Song vui nhưng cũng không thể kỳ vọng quá nhiều.
Thật ra, giảm lãi suất trong thời điểm này không chỉ là cứu cánh cho DN mà còn cho cả NH. Vì DN sống được NH mới có lãi. Nói nôm na là thời điểm này NH phải “nuôi con nợ” để thu hồi nợ. Nếu DN khó khăn, mất khả năng trả nợ sẽ khiến nợ xấu tăng, làm tăng dự phòng rủi ro và hệ quả là lợi nhuận giảm.
Nhưng phải thấy rằng, hầu như các đợt giảm lãi suất đồng loạt thường diễn ra khi có áp lực. Lần này cũng vậy, 16 NH đồng thuận giảm lãi vay bởi NHNN lên tiếng sau khi có hàng loạt kiến nghị của DN và Hiệp hội DN gửi lên Chính phủ.
Tuy nhiên, đồng thuận nhưng các NH có điều kiện. Sẽ không có chuyện giảm lãi vay đại trà cho tất cả DN. Các nhà băng nói rằng phải chọn lọc, chỉ giảm cho đối tượng thực sự khó khăn.
Theo dõi thị trường lãi suất nhiều năm có thể hiểu, việc chọn lọc này sẽ khiến lãi vay giảm trên danh nghĩa hoặc trong một phạm vi hẹp so với nhu cầu của cộng đồng DN.
Các nhà băng có đề xuất như vậy cũng dễ hiểu, vì đặt vấn đề giảm lãi vay khi thời lãi suất rẻ đang sắp kết thúc là một thách thức cho chính họ. Lãi suất cho vay và huy động trên thế giới đang có xu hướng tăng lên trước sức ép của lạm phát toàn cầu tăng. Lạm phát của nước ta lại cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới, và năm nay như dự báo đã “sờ thấy nguy cơ”. Nếu NHNN giảm lãi suất điều hành trong lúc này chẳng khác nào đổ dầu vào lửa.
Cho nên, NHNN phải vận động các NHTM. NHTM lại đang vào thế khó khi áp lực cân bằng lợi ích cho người gửi tiền gia tăng khi lãi suất huy động thấp duy trì hơn một năm qua, đã tạo ra xu hướng dịch chuyển tiền nhàn rỗi sang kênh đầu tư khác sinh lợi cao hơn như bất động sản, chứng khoán...
Gần đây, một số nhà băng đã phải tăng nhẹ lãi suất huy động để “giành” lại vị thế trong cuộc đua hút vốn. Lãi suất huy động nhích lên. Kèm theo đó rủi ro của DN Việt Nam tăng lên trong bối cảnh dịch bệnh, lãi vay không thể quá thấp được. Vậy nên NH hưởng ứng nhưng chỉ có thể hỗ trợ một nhóm đối tượng mục tiêu theo tiêu chí của họ.
NH tính toán là không sai. Vì họ là một TCTD gắn với hai từ thương mại. Họ kinh doanh bằng cách huy động và cho vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Chênh lệch này hiện nay như khảo sát cao hơn so với bình thường, song đó là quy luật thị trường, rủi ro cao, lãi suất cao.
Hơn nữa, kế hoạch lợi nhuận cam kết với cổ đông còn đó, làm không đúng cổ đông chê trách. Như lãnh đạo một NHTMCP chia sẻ, nếu giảm 1% lãi suất cho toàn bộ tổng dư nợ khoảng 350.000 tỷ đồng, lợi nhuận NH giảm hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch lợi nhuận của NH này.
Trông chờ các NHTM giảm lãi suất khó có thể giải quyết được vấn đề của DN trong lúc này. Điều cần thiết bây giờ là gói hỗ trợ tài khóa giúp DN có thanh khoản để duy trì và phát triển. Đến đây lại nhìn thấy, ngân sách hạn hẹp, Chính phủ phải ưu tiên chống dịch, việc thiết kế gói hỗ trợ kinh tế trong năm 2021 gặp nhiều thách thức hơn so với gói hỗ trợ kinh tế năm 2020.
Lúc này, muốn hỗ trợ phải tính đến tầm nhìn xa hơn như bài viết ĐTTC đã đăng tải, phải tận dụng nguồn lực từ các tổ chức tài chính thế giới. Đồng ý rằng nợ chính phủ tăng lên cũng có rủi ro nhưng thực tế cho thấy, do ảnh hưởng đại dịch, các chính phủ vẫn mạnh tay đi vay, một phần là để bù đắp thiệt hại của Covid-19.
Bởi vì nếu DN phá sản và người lao động mất việc, nền kinh tế bị tổn thương lớn sẽ càng làm chậm đà phục hồi hậu đại dịch.