Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vào cuối tháng 8 vừa qua, một đại diện NHNN cho biết không có lý do gì để Việt Nam hạ lãi suất theo các nước, nhưng nay lại bất ngờ thông báo sẽ giảm lãi suất điều hành từ ngày 16-9. Quan điểm của ông về động thái này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Hiện nay, nhiều NH Trung ương trên thế giới đã giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của họ trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng khốc liệt hơn. Hiện Việt Nam lệ thuộc vào 2 nền kinh tế này lớn nhất, xuất khẩu lệ thuộc Mỹ, nhập khẩu lệ thuộc Trung Quốc.
Một thời gian dài khi các nước khác hạ lãi suất và giảm giá trị đồng bản tệ, NHNN Việt Nam vẫn giữ nguyên lãi suất. Tuy nhiên, áp lực phải hỗ trợ nền kinh tế và hỗ trợ xuất khẩu vì nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào mậu dịch. Và khi các NH Trung ương các nước giảm lãi suất là một động thái nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ kinh tế, thì Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
- Hiện mức giảm chỉ 0,25%, nếu sắp tới lãi suất các nước vẫn tiếp tục giảm, Việt Nam có giảm thêm nữa hay không? Và như vậy có áp lực tăng lạm phát?
- Theo tôi, nếu các nước liên tục giảm lãi suất, tăng tỷ giá sẽ đi vào chiến tranh tiền tệ, áp lực sẽ càng nhiều. Khi đó nếu không giảm lãi suất, VNĐ sẽ rất vững giá so với USD, nhưng lại thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và sẽ khuyến khích nhập khẩu nhiều hơn, làm tăng nhập siêu lên.
Mặc dù quyết định này có tác động đến lạm phát vì lãi suất thấp, bởi các NH có thể vay nhiều hơn, có lượng tiền nhiều hơn đẩy ra ngoài lưu thông làm tăng lạm phát, tuy nhiên tác động cũng không nhiều.
Về tỷ giá, NHNN cũng đang cố gắng ổn định tỷ giá, nên giảm lãi suất toàn thị trường mới làm giảm giá trị VNĐ, đẩy tỷ giá lên nhưng mức tăng tỷ giá cũng sẽ không lớn.
- Ở các nước, giảm lãi suất điều hành sẽ giúp giảm lãi suất cho vay, nhưng ở Việt Nam việc giảm lãi suất điều hành như ông nêu chỉ mới tác động đến tỷ giá, hỗ trợ xuất khẩu từ đó hỗ trợ tăng trưởng?
- Lãi suất điều hành là một công cụ chính sách của các NH Trung ương trên thế giới. Thông thường, họ muốn hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ DN sẽ giảm lãi suất. Từ đó, DN được vay vốn rẻ hơn, có điều kiện sản xuất thêm đóng góp nhiều cho quốc gia.
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất như thế sẽ làm cho NH vay nhiều hơn, từ đó đẩy một lượng tiền lớn hơn vào trong lưu thông. Mặc dù động thái này tác động lên lạm phát và có thể tác động lên tỷ giá, nhưng đẩy nhiều tiền lưu thông giá ngoại tệ sẽ tăng lên, có lợi cho xuất khẩu, từ đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Đó là nguyên tắc chung.
Còn với Việt Nam, lãi suất điều hành là lãi suất trên thị trường liên NH (thị trường 2) gồm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu… áp dụng cho các NHTM. Đáng lý ra giảm lãi suất điều hành không chỉ tác động đến thị trường 2 mà còn tác động đến cả thị trường 1. Thế nhưng, thị trường 1 và thị trường 2 ở Việt Nam lại không có sự liên thông chặt chẽ.
Ở Mỹ có một loại lãi suất tham chiếu của NH Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đây là lãi suất trung tâm, tham chiếu cho lãi suất qua đêm. Hệ thống của FED gồm 12 NH Dự trữ liên bang có Hội đồng thị trường mở liên bang (FOMC) họp 8 lần/năm.
Mỗi lần họp, FOMC ấn định mục tiêu lãi suất chủ chốt bao gồm lãi suất qua đêm trong quý tới. Nhưng họ không áp ngay mục tiêu đó trên thị trường, mà dùng những công cụ của thị trường để ảnh hưởng, tác động nhằm tiến tới lãi suất mục tiêu đề ra. Lãi suất đó trở thành lãi suất trung tâm, lãi suất tham chiếu cho tất cả các loại lãi suất khác như lãi suất cho vay DN, cho vay mua ôtô, mua nhà, thẻ tín dụng…
Như vậy, lãi suất tham chiếu của FED có tác động lan tỏa đến các loại lãi suất khác trên thị trường liên NH cũng như thị trường cho vay dân cư.
Lãi suất tham chiếu đó tương tự như lãi suất cơ bản của Việt Nam, song lãi suất cơ bản của Việt Nam không phải là lãi suất tham chiếu của Mỹ. Vì lãi suất cơ bản của Việt Nam có quyền quyết định bằng luật. Chẳng hạn lãi suất cơ bản là 9%, và quy định NH không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản, nhưng trên thực tế NH không theo và cũng không ai giám sát.
Tại Việt Nam, chúng ta gọi lãi suất điều hành, vì NHNN được quyết định mức lãi suất này. Đối tượng của lãi suất điều hành tại Việt Nam chỉ là các NHTM. Dĩ nhiên các NH được giảm lãi suất sẽ dùng ngay vốn vay trên liên NH để cho vay trên thị trường 1. Do vậy, tác động đến lãi suất cho vay sẽ không đáng kể, vì thị trường 1 và thị trường 2 không liên thông.
Như vậy, lần này cũng như nhiều lần khác, tác động của việc giảm lãi suất điều hành trên thị trường 1, mức điều chỉnh lãi suất 0,25% so với lãi suất cho vay các thành phần kinh tế từ 9-11%/năm không có ý nghĩa nhiều.
Lúc này, các NHTM đang chịu áp lực tăng lãi suất huy động trung và dài hạn để huy động vốn nên cũng khó giảm lãi suất cho vay. Tóm lại, giảm lãi suất điều hành của Việt Nam thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ xuất khẩu như tôi đã nói.
- Vậy theo ông điều kiện nào để giảm lãi suất cho vay?
Muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm lãi suất huy động, với điều kiện phải giảm lạm phát. Nếu muốn giảm lãi suất cho vay xuống 9%/năm, NH phải giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm và đẩy lạm phát xuống 4%/năm. |
Như vậy, nếu muốn giảm lãi suất cho vay xuống 9%/năm, NH phải giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm và đẩy lạm phát xuống 4%/năm. Nếu muốn lãi suất cho vay rất thấp 5%/năm phải đẩy lãi suất huy động xuống 2% và đẩy lạm phát xuống 0%.
Một điều kiện nữa để giảm lãi suất cho vay là các NH trở nên lành mạnh để tiết kiệm chi phí vốn. Đây là bài toán rất khó gỡ của Việt Nam. Các NH tại Việt Nam còn rất nhiều nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC. Nợ xấu đó là tài sản không sinh lời.
NH phải nuôi một tài sản không sinh lời bằng vốn huy động. Cứ thế, việc nuôi một tài sản không sinh lời khiến chi phí vốn của các NH rất nhiều. Theo đó, các NH tại Việt Nam cứ phải tăng lãi suất lên để nuôi được tài sản không sinh lời.
Nếu bây giờ NH được lành mạnh hóa thông qua 2 điều kiện là xử lý được nợ xấu để bảng cân đối tài sản trở nên trong sạch, và bổ sung đủ vốn để tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt mức 8% để làm sạch bảng cân đối kế toán, sẽ không cần phải tăng lãi suất nữa.
Lúc đó, NH có thể trả lãi suất thấp hơn vì người dân sẽ tin tưởng NH, không cần phải chạy theo lãi suất nữa mà chấp nhận mức lãi suất hạ nhưng tài sản của họ được bảo đảm.
- Xin cảm ơn ông.