Để kích cầu thị trường, Chính phủ đã giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây cũng là lần thứ 3 trong 3 năm qua, chính sách này được áp dụng và kỳ vọng sẽ giúp kích cầu thị trường tiêu thụ ô tô trong nửa cuối năm nay.
Mẫu xe lựa chọn được giảm tới gần 100 triệu, cùng với đó là việc áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây là những lý do khiến vợ chồng anh Đôn quyết định mua trong thời điểm này.
"Đây là một trong những chính sách ưu đãi kép làm cho gia đình chúng tôi lựa chọn quyết định mua xe vào thời điểm này", anh Nông Quý Đôn, khách hàng, chia sẻ.
Theo Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong 5 tháng đầu năm nay, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Để kích cầu thị trường, từ cuối tháng 5 vừa qua, đại lý xe đã điều chỉnh giá công bố theo chính sách của tập đoàn. Theo đó, các mẫu xe sản xuất và lắp ráp trong nước được giảm tối đa từ 60 - 100 triệu đồng.
"Trong tháng 6, doanh số ký hợp đồng xuất bán mới tăng trưởng so với tháng 5, lên tới 40%", ông Nguyễn Đức Vượng, Giám đốc Thaco Auto Long Biên, cho biết.
"Việc hỗ trợ của Chính phủ làm cho ngành kinh doanh tốt lên không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, mà cũng sẽ đảm bảo nguồn thu ngân sách của cơ quan Chính phủ và địa phương", ông Đào Công Quyết, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, cho hay.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong 2 quý còn lại của năm, việc áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ như hiện nay đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Đổi lại, trong các lần áp dụng chính sách này trước đây, đã có những tháng doanh số ô tô tăng trưởng bình quân 20%.
Cơ hội cho thị trường ô tô điện
Cùng với hàng loạt các chính sách kích cầu tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hiện thị trường ô tô Việt Nam cũng ghi nhận doanh số ngày một tăng lên từ các dòng xe ô tô điện. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe ô tô điện đã tăng từ 140 xe đăng ký năm 2019 lên gần 3.000 xe vào năm 2022, con số này đã tăng gấp hơn 20 lần.
Thị trường xe ô tô điện Việt Nam đã có sự góp mặt của 4 thương hiệu xe. Trong đó, VinFast đang dẫn đầu và nhiều hãng xe lớn cũng lên kế hoạch chinh phục thị trường Việt Nam.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, hãng xe điện của Việt Nam đã bàn giao hơn 11.000 xe ô ô cho khách hàng ký và đặt cọc trước.
4/7 mẫu xe ô tô điện đã được bán ra thị trường và đang đứng đầu danh sách các thương hiệu xe ô tô điện bán chạy nhất tại Việt Nam. Thân thiện với môi trường, kiểu dáng hiện đại và nhiều tính năng công nghệ liên tục được cải tiến là các lý do khiến xe điện thu hút người dùng.
Bên cạnh xe điện VinFast, nhiều hãng xe lớn đã lên kế hoạch và ra mắt các mẫu xe điện tại thị trường Việt Nam như: Kia, Huyndai, Audi...
Theo đánh giá của Viện Dầu khí Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường xe điện trong tương lai. Bởi hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 xe/1.000 người, bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia.
"Đầu tư cho thị trường ô tô Việt Nam, đặc biệt là xe điện, đây là xu hướng tất yếu, không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới", ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị TMT Motors, nhận định.
Nếu các dòng ô tô lắp ráp trong nước đã được hưởng chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ 3 lần trong 3 năm qua, thì ở thời điểm hiện tại, các dòng xe điện cũng đã được hưởng ưu đãi miễn 100% phí trước bạ ngay từ đầu năm nay và trong 2 năm tiếp theo.
Chính phủ cũng đã quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt về 3% đối với các dòng xe dưới 9 chỗ nhằm thúc đẩy ô tô điện phát triển tại Việt Nam.
"Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, dịch bệnh, thị trường Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Mức bình quân giai đoạn từ năm 2020 đến 2022 đạt 8 - 10%/năm, đây là mức tăng trưởng hiếm thấy", ông Vũ Minh Hoàng, Công ty NextGen Việt Nam, đánh giá.
Ngoài các yêu cầu về hạ tầng, đường sá, bến bãi..., muốn phát triển thị trường xe điện, hiện nay các yêu cầu đẩy nhanh phát triển về hạ tầng cung cấp năng lượng, trạm sạc, bài toán về chi phí phụ tùng, cơ sở bảo dưỡng đi kèm là cấp thiết.
"Hiện nay chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ cho người sử dụng xe điện và chưa có chính sách hỗ trợ cho tổ chức nghiên cứu, sản xuất hệ thống hạ tầng phục vụ xe điện", ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cho biết.
Các chuyên gia, nhà sản xuất cũng kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về xe điện hóa và có lộ trình áp dụng cho từng dòng xe trên thị trường.
Thúc đẩy sản xuất ô tô Việt Nam
Ở thời điểm hiện tại, để tăng sức mua ô tô trong nước, từ đó thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng trưởng, Chính phủ đã ban hành chính sách kích cầu thông qua giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ cho các dòng xe ô tô cả xăng và điện sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... hay xa hơn là Mỹ hoặc châu Âu thì các chính sách khuyến khích người sử dụng xe ô tô điện tại Việt Nam được đánh giá là vẫn chưa thể bằng.
Bộ Tài chính kỳ vọng những quan tâm của Chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để ngành công nghiệp ô tô phát triển. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Người dân đang lo ngại về việc cung ứng các dịch vụ, cơ sở hạ tầng cho xe điện nên họ còn e ngại. Bên cạnh đó, giá của xe điện còn nhỉnh hơn so với mặt bằng giá xe truyền thống. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu các chính sách để làm sao hỗ trợ cho người tiêu dùng cũng như những tổ chức nghiên cứu, phát triển hệ thống hạ tầng xe điện", ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, thông tin.
"Đối với công nghiệp xe điện lắp ráp trong nước, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ từ 1 - 3%, còn thuế trước bạ là miễn 100%. Chúng tôi hy vọng những quan tâm của Chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để ngành công nghiệp ô tô phát triển", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định.