Bộ Tài chính vừa có văn bản 12757/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, về thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương lựa chọn giảm thời gian từ 15 ngày xuống còn xoay quanh 10 ngày, giúp việc điều hành giá xăng dầu trong nước sát với giá xăng dầu thế giới, khắc phục được hạn chế mất cân đối cung cầu do độ trễ về giá trong trường hợp giá xăng dầu thế giới biến động tăng giảm nhanh trong thời gian ngắn.
Liên quan đến mức biến động giá cơ sở giữa hai kỳ điều hành giá liên tiếp cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở công thức tính giá cơ sở và cơ chế sử dụng Quỹ bình ổn giá đã được quy định cụ thể tại Nghị định và tăng tính chỉ động cho cơ quan điều hành giá, bảo đảm tính kịp thời cho thời gian điều hành giá, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương lựa chọn tăng mức biến động từ 7% lên 10%.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc, mặt hạn chế và những tác động ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng để Chính phủ có cơ sở xem xét, quyết định.
Đối với công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước, Bộ Tài chính đồng ý phương án giá xăng dầu từ nguồn trong nước được tính trên cơ sở giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Bộ Tài chính, tuy còn một số ý kiến khác nhau nhưng từ kết quả thực hiện thời gian qua, Quỹ bình ổn giá vẫn là công cụ kinh tế, là giải pháp có tính khả thi, hiệu quả và được thống nhất quy định từ Luật đến các văn bản dưới luật, góp phần bình ổn giá xăng dầu.
Qua đó, góp phần ổn định mặt bằng giá cả chung. Tại cuộc họp ngày 31/7/2020, sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có ý kiến kết luận về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
[Mở cửa thị trường phân phối xăng dầu: Để 'lượng đổi, chất đổi']
Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, do việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu gắn với cơ chế điều hành giá xăng dầu, nên khi còn giá cơ sở thì cần tiếp tục duy trì Quỹ này như là một biện pháp kinh tế để góp phần bình ổn giá xăng dầu.
Vì vậy, Bộ Tài chính đồng tình với Bộ Công thương trong việc tiếp tục duy trì Quỹ hình ổn giá xăng dầu.
Ở góc độ cơ quan quản lý thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử thay vì thực hiện từ 1/11/2020 sẽ được chuyển sang ngày 1/7/2022.
Thực tế đến nay, chỉ một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai áp dụng hóa đơn điện tử như Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công ty thành viên trong hệ thống kinh doanh xăng dầu.
Nếu chỉ số ít các doanh nghiệp đầu mối lớn áp dụng hóa đơn điện tử, trong khi phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn lại chưa áp dụng thì khó có xây dựng được cơ sở dữ liệu đồng bộ về hóa đơn để kiểm soát tốt hơn đầu ra, đầu vào của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu, hạn chế gian lận.
Theo Bộ Tài chính, thực tế phát sinh các vụ án liên quan đến xăng dầu thời gian qua cho thấy rủi ro về gian lận chủ yếu phát sinh ở các doanh nghiệp là trung gian thương mại trong kinh doanh xăng dầu.
Trong khi đó, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy để thúc đẩy các doanh nghiệp sớm áp dụng hóa đơn điện tử trước năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy định thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu tại Nghị định sửa đổi (có thể là 6 tháng từ khi Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực).
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu có quy định kiểm soát số lượng các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để không phát triển nóng.