Giảm tỷ lệ sở hữu có chống được hiện tượng thao túng tại các ngân hàng?

(ĐTTCO) - Nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo tại các ngân hàng, trong dự thảo Luật Các TCTD, NHNN đề xuất sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân.
Giảm tỷ lệ sở hữu có chống được hiện tượng thao túng tại các ngân hàng?

Tuy nhiên, liệu quy định như vậy có đủ chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo tại các ngân hàng? ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tại TCTD trong dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) của NHNN?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần như dự thảo đưa ra không ngoài kiểm soát vấn đề lợi ích nhóm, kiểm soát vấn đề thao túng trong hội đồng quản trị (HĐQT) của các NH, cũng như trong việc quản trị và điều hành của NH.

Đây là điều tốt. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện như thế nào mới là quan trọng. Vì từ trước đến giờ, những quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa vốn chủ sở hữu tại các NH hầu như bị các cổ đông lớn qua mặt dễ dàng.

Cụ thể, trong Luật Các TCTD có quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần dành cho tất cả các bên liên quan rất rõ ràng. Thế nhưng, những người cố tình thao túng sẽ có những người liên quan “ngầm”, bao gồm những công ty hoặc cá nhân không nằm trong diện liên quan. Chẳng hạn, các công ty thành lập những công ty con, rồi lập ra những công ty liên kết, sau đó những công ty liên kết tham gia đầu tư vào NH, trở thành cổ đông của NH. Đó là hình thức phổ biến nhất.

Một hình thức khác là những cổ đông NH tìm đến những người bà con hoặc những người họ quen biết, đưa tiền cho những người đó mua cổ phần của NH, tạo ra lợi thế cho họ. Hình thức này cũng rất phổ biến, nhưng cũng là hình thức khó điều tra nhất. Khi cổ đông NH sử dụng những bên liên quan là một tổ chức hay một công ty thì có giấy tờ, sổ sách nên có thể truy vết dễ dàng.

Còn một người là cổ đông của một NH, đưa tiền cho cá nhân khác để họ mua cổ phần dưới sự giao ước về miệng thật sự khó có thể phát hiện, trừ trường hợp có sự kiện nào đó thể hiện nhóm đó cấu kết với nhau để có những quyết định gây thiệt hại cho NH.

Trở lại vấn đề, nếu dự thảo giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tại TCTD, thì một cá nhân sở hữu đến 10% vẫn có thể chia nhỏ ra cho 4 người có liên quan, chẳng hạn 3 người nắm giữ 3% và 1 người nắm giữ 1%. Với tỷ lệ 10% họ vẫn có thể thao túng được NH. Và trên thực tế, có những NH vẫn đang có tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân lên đến trên 50%.

- Như vậy dự thảo quy định trên chưa đủ sức nặng để ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng của nhóm cổ đông và người có liên quan. Vậy ông có đề xuất gì cho vấn đề này?

- Quy định về tỷ lệ sở hữu chỉ giúp một phần cho vấn đề quản lý, vì các TCTD có rất nhiều công cụ để lẩn tránh sự phát hiện của pháp luật. Vì vậy, cơ quan thanh tra của NHNN phải có những công cụ để nghiên cứu về những bên liên quan.

Tôi nhớ cách đây khoảng 10 năm, NHNN có đưa ra một thông báo yêu cầu tất cả các NH phải gửi danh sách các cổ đông của mình, và các cổ đông phải khai báo những bên liên quan. Thế nhưng sau đó, tôi vẫn không thấy NHNN thông báo công việc đó đã hoàn tất chưa, và nếu trong trường hợp vi phạm có những xử lý thế nào… Tức là chỉ thấy bắt đầu nhưng chưa thấy kết thúc.

Tại Mỹ, khi cổ đông NH khai báo tỷ lệ sở hữu như thế thường có phải có một tờ khai hữu thệ (affidavit). Tờ khai đó là một tuyên thệ mang tính pháp lý rằng họ không nói dối. Trong trường hợp nói dối, người đó sẽ bị xử lý bởi pháp luật. Ở Việt Nam, luật quy định như vậy, nhưng nếu họ không làm đúng quy định cũng chỉ nhận cảnh cáo của thanh tra NHNN thay vì phải nhận những hình phạt nặng nề.

Tôi nghĩ, Việt Nam có thể áp dụng hình thức tờ khai hữu thệ đó như Mỹ đang áp dụng. Những thành viên trong HĐQT của NH phải tuyên thệ rằng, tất cả những khai báo của họ là trung thực và nếu sai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi thực hiện tờ khai hữu thệ, những thành viên vi phạm phải bị xử lý, phải công khai tên của những NH và những người vi phạm đó. Hình thức xử lý tùy theo mức độ, phạt hành chính hoặc gây thiệt hại lớn có thể xử lý hình sự. Và tất cả những NH không khai báo một cách trung thực có thể sẽ phải rút giấy phép.

Như vậy họ mới thực hành đúng quy định của pháp luật. Còn việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, chẳng hạn cá nhân dự kiến giảm xuống 3% hay thậm chí về sau xuống 1%, vẫn khó có thể kiểm soát được vấn đề lợi ích nhóm, thao túng NH.

Một khi đã sửa đổi Luật Các TCTD, Việt Nam cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn. Vì NH là một định chế tài chính phục vụ cho công ích, phục vụ cho đại chúng và là huyết mạch của nền kinh tế. Do đó, NH được cả một hệ thống chính trị và kinh tế bảo vệ, không có một cơ sở nào được bảo vệ ngang bằng với NH.

Sự bảo vệ đó là một ưu đãi đặc biệt nhất trong nền kinh tế. Chính vì họ phục vụ cho lợi ích công và được bảo vệ như thế, nên vấn đề thao túng NH hay một nhóm lợi dụng NH để phục vụ lợi ích riêng của mình là vấn đề không thể chấp nhận được. Tất cả các chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT, các thành viên ban lãnh đạo của NH phải tuyệt đối tuân thủ những quy định về sở hữu chéo và quy định về cấp tín dụng để tạo sự công bằng cho nền kinh tế.

- Trở lại vấn đề, nếu dự thảo quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần mà NHNN đưa ra được thông qua, ông nghĩ quá trình thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu có dễ hay không?

- Theo tôi, việc này cũng không hoàn toàn dễ. Nếu một cổ đông cá nhân đang sở hữu 5% muốn rút xuống 3%, họ phải bán cổ phần cho ai đó và cũng phải tìm được người mua cổ phần. Nếu không tìm được người mua cổ phần đó, có thể họ sẽ phải yêu cầu NHNN cho thêm thời gian để bán cổ phần trên thị trường chứng khoán đại chúng hoặc qua những thị trường không chính thức.

Đó là chưa nói đến những NH đang có lãi lớn và các cổ đông đó không muốn giảm cổ phần của họ xuống nhưng quy định bắt buộc rút xuống, họ sẽ dùng dằng với nhiều lý do. Với trường hợp này, có thể sẽ phải cho họ một thời gian, một lộ trình khoảng từ 3-6 tháng.

- Xin cảm ơn ông.

Chủ tịch và các thành viên HĐQT, ban lãnh đạo của NH phải tuyệt đối tuân thủ những quy định về sở hữu chéo và quy định về cấp tín dụng; phải tuyên thệ tất cả những khai báo là trung thực, và nếu sai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Như vậy mới tạo sự công bằng cho nền kinh tế.

Các tin khác