Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, lộ trình tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ được lùi thêm 1 năm so với quy định trước đây.
Cụ thể, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hiện là 40% sẽ áp dụng đến 30/9/2021; từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022 giảm về 37%; từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023 giảm về 34%. Kể từ ngày 1/10/2023 trở đi, tỷ lệ tối đa cần tuân thủ là 30%.
Ảnh minh họa.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hai phương án giãn lộ trình. Phương án 1 là giãn 6 tháng, phương án 2 là giãn 1 năm. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định chọn phương án 2 của dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN lấy ý kiến trước đó.
Theo cơ quan soạn thảo, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới khiến các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn… Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, việc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là cần thiết, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn với khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch….
Ngoài ra, việc giãn lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng nhằm bảo đảm cho các chính sách ưu đãi lãi suất, duy trì dư nợ trung dài hạn ổn định cho khách hàng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/10.