Cho chuyển nhượng dự án
Dự án Spirit of Saigon tọa lạc ngay khu tứ giác Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính, quận 1, có tổng diện tích đất 8.537,4m². Theo quy hoạch được phê duyệt, dự án gồm nhiều chức năng: văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao, diện tích sàn xây dựng khoảng 180.000m², chiều cao tối đa 55 tầng.
Năm 2013, UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư. Tháng 12-2019, UBND TPHCM có quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án từ Tập đoàn Bitexco (công ty mẹ) sang Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con).
Lúc đó, đại diện Bitexco giải thích: “Việc chuyển nhượng này nhằm mục tiêu tập trung triển khai dự án tốt hơn; đảm bảo việc quản lý, thi công, huy động vốn, sử dụng vốn vay, khai thác vận hành kinh doanh độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các dự án khác của tập đoàn”.
UBND TPHCM cũng cho phép lùi thời gian hoàn thành dự án thêm 4 năm nữa, sang năm 2024.
Thực ra, hơn một năm trước đó, cái tên Saigon Glory đã xuất hiện với việc ký hợp đồng góp vốn vào Bitexco, đồng thời Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM thực hiện thủ tục cập nhật biến động trên “sổ đỏ” của khu đất.
Động thái “thay chủ” đã đem đến sự tích cực, tháng 10-2019, chủ đầu tư tiếp tục thi công phần thân, sau một thời gian dài đậy nắp hầm phơi nắng mưa - nằm trong danh sách các dự án chậm triển khai ở khu vực trung tâm thành phố.
Thống kê từ tháng 6 đến tháng 9-2020, chủ mới của dự án đã phát hành trái phiếu 10.000 tỷ đồng. Có thể kênh huy động vốn này sẽ phục vụ mục đích xây dựng công trình?
Tới thời điểm này, công trình đã lên tới tầng thứ 8. Như vậy, khi tuyến metro số 1 và các công trình liên quan đi vào vận hành, dự án Saigon Glory hoàn thành, sẽ tạo nên bức tranh hiện đại, đẹp đẽ cho khu vực chợ Bến Thành nói riêng và khu trung tâm TPHCM nói chung.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, qua rà soát trên địa bàn khu trung tâm thành phố, có 34 dự án chậm thực hiện. Trong đó, có 9 dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng đã tháo dỡ hiện trạng; 16 dự án được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa khởi công xây dựng, giấy phép xây dựng đã hết hiệu lực; 9 dự án đã được cấp giấy phép và khởi công xây dựng nhưng hiện ngưng thi công.
Trong đó dự án Sài Gòn One Tower, tọa lạc ngay tại vị trí đắc địa “ngã ba sông” Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt mới xây xong phần thô, dở dang gần 10 năm qua, còn chủ đầu tư vướng vòng lao lý.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý
Theo ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM, tất cả dự án thuộc trung tâm thành phố có đầy đủ cơ sở pháp lý, kể cả đủ điều kiện chuyển nhượng dự án.
Lý do bị ngưng trệ kéo dài, đầu tiên vì khủng hoảng tài chính thế giới từ năm 2008 đã dẫn tới suy thoái kinh tế cũng như nguồn lực của chủ đầu tư. Sau đó, cũng vì khủng hoảng mà doanh nghiệp đã thay đổi mục tiêu đầu tư.
Ngoài ra, một số trường hợp muốn thay đổi công năng của dự án; ví dụ chức năng của các dự án hầu hết là thương mại dịch vụ, chủ yếu là thuê đất nhưng nhà đầu tư muốn chuyển sang giao đất…
Việc các dự án dở dang kéo dài đã ảnh hưởng đến bộ mặt cảnh quan của khu trung tâm. UBND TPHCM đã nhiều lần họp, ra văn bản chỉ đạo giải pháp tháo gỡ. Nội dung cơ bản là, những dự án vướng về chính sách, khi rà soát đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành nếu phù hợp thì thành phố hướng dẫn điều chỉnh.
Thứ hai, đối với quy hoạch trước đây không hiệu quả, nếu các chỉ tiêu còn phù hợp thì trong phạm vi thành phố, tiến hành điều chỉnh. Thành phố tập trung tháo gỡ về cơ chế chính sách, thông qua dự án đầu tư đã được phê duyệt. Trong trường hợp tiến độ dự án thực hiện không đảm bảo thì cấp thẩm quyền cho gia hạn hoặc xử lý theo quy định.
Ngoài ra, chế tài chính là xử phạt hành chánh nhằm thúc đẩy chủ đầu tư triển khai; yêu cầu chủ đầu tư thực hiện để đảm bảo kiến trúc cảnh quan như che chắn khu đất, công trình…
Dưới góc nhìn pháp lý, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, cần nhận diện rõ nguyên nhân dự án chậm triển khai ở khu trung tâm thành phố để có chính sách phù hợp với từng chủ đầu tư, từng dự án.
Về cơ bản, việc áp dụng đúng pháp luật về đất đai sẽ hạn chế được dự án bỏ hoang, cho dù bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế. Pháp luật quy định các dự án chậm đầu tư theo tiến độ và hết thời điểm để gia hạn là 48 tháng nhưng vẫn không triển khai, sẽ bị thu hồi.
Các khoản đầu tư vào đất của doanh nghiệp sẽ được tính toán lại. Như vậy, xét về giải pháp hành chính, đây là giải pháp đủ mạnh đối với các chủ đầu tư cố tình chây ì, không đầu tư, cũng như xử lý được dự án bị khựng lại vì tài chính.
Bên cạnh việc thực thi pháp luật nghiêm minh, Nhà nước cần khẩn trương ban hành các chính sách về thuế, tín dụng, quy hoạch… nhằm ứng xử hiệu quả đối với đất đai, chống đầu cơ trục lợi, các doanh nghiệp nắm trong tay nhiều quỹ đất mà không triển khai.