Gói 1,9 nghìn tỷ USD của ông Biden sẽ “giải cứu” nước Mỹ như thế nào?

(ĐTTCO) - Kế hoạch này cho thấy ông Biden xác định “phải làm lớn, dứt khoát và làm nhiều hơn những gì mọi người cho là có thể”...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải bắt tay ngay vào xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước Mỹ đang đối mặt - một tình thế tương tự như khi ông trở thành Phó tổng thống cách đây 12 năm.

Tuy nhiên, lần khủng hoảng này không giống trước đây và cách phản ứng của ông Biden cũng phải khác.

NHỮNG NÉT MỚI TRONG KẾ HOẠCH CỦA ÔNG BIDEN

Vào hôm 14/1, ông Biden đề xuất một gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mang tên "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" để vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi cú sốc đại dịch Covid-19. Nếu so với gói kích cầu của Tổng thống Barack Obama hồi khủng hoảng tài chính 2009, kế hoạch của ông Biden không chỉ lớn hơn nhiều mà còn được đánh giá là nhằm cụ thể hơn vào những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế. Tờ New York Times nói rằng kế hoạch của ông Biden không nhằm mục đích tạo ra đủ lực cầu tiêu dùng để đưa nền kinh tế phục hồi thật nhanh - điều thường thấy ở những gói kích cầu kiểu truyền thống thường được đưa ra trong những cuộc suy thoái trước đây.

Thay vào đó, kế hoạch này nhằm hâm nóng hoạt động kinh tế thông qua các biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại để Covid-19, bao gồm đẩy mạnh công tác xét nghiệm và tiêm chủng. Kế hoạch cũng đặt trọng tâm hỗ trợ những đối tượng người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kế hoạch đề xuất hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ, sau khi mỗi người đã được phát 600 USD trong gói kích cầu gần 900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12 vừa qua. Người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 400 USD/tuần cho tới hết tháng 9 năm nay và tiền lương tối thiểu sẽ được nâng lên 15 USD/giờ. Người vay thế chấp nhà được hỗ trợ giãn nợ cho tới cuối tháng 9.

Số tiền 350 tỷ USD trong gói kích cầu trên sẽ được cấp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương; 170 tỷ USD sẽ dùng để hỗ trợ các trường học và cơ sở giáo dục để bảo đảm an toàn khỏi virus corona; 50 tỷ USD được chi để tăng cường công tác xét nghiệm Covid-19; 20 tỷ USD dành cho chương trình tiêm chủng Covid-19 trên toàn quốc…

"Mọi phương diện của kế hoạch này cho thấy ông Biden đã học được một bài học từ năm 2009. Đó là phải làm lớn, dứt khoát, và làm nhiều hơn những gì mọi người cho là có thể", ông Jason Furman, một cựu cố vấn kinh tế của ông Obama nhận định trên New York Times. Đội chuyên gia kinh tế của ông Biden - bao gồm nhiều nhân vật kỳ cựu từ thời ông Obama - cũng nói họ đã rút ra bài học từ 12 năm trước và nhìn rõ những thách thức mà Covid-19 gây ra cho nước Mỹ trong lần khủng hoảng này.

"Kế hoạch phản ánh đánh giá sát sao tình hình kinh tế hiện nay. Dựa trên đánh giá này, kế hoạch được đưa ra có nhiều khác biệt so với kích cầu trong những lần suy thoái trước đây", ông Brian Deese, người được ông Biden chọn để lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia, phát biểu. "Nếu muốn mọi người đi làm trở lại, chúng ta phải mở cửa lại các trường học. Nếu muốn mở lại trường, chúng ta cần xét nghiệm. Nếu muốn tạo ra một cây cầu dẫn nền kinh tế tới hồi phục, chúng ta cần hỗ trợ trực tiếp ở mức cao. Đó là những điểm khác so với năm 2009".

QUAN ĐIỂM CỦA QUỐC HỘI MỸ

Hầu hết các chi tiết của kế hoạch mà ông Biden đưa ra đều rõ ràng, dễ hiểu và nhiều khả năng "được lòng dân" ngay tức khắc hơn so với những biện pháp cắt giảm thuế bị đánh giá là "kín đáo" mà ông Obama đưa ra trong gói kích cầu năm 2009. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân là một điểm khiến một số chuyên gia kinh tế lo ngại, cho rằng đây là một sự lãng phí nguồn lực chính phủ.

Quy mô 1,9 nghìn tỷ USD của kế hoạch cũng có thể vấp phải sự phản đối của Đảng Cộng hòa. Nhiều nghị sỹ Cộng hòa đã lên tiếng bày tỏ quan điểm rằng gói kích cầu này là quá lớn nếu xét đến việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chi 2,2 nghìn tỷ USD vào tháng 3/2020 và gần 900 tỷ USD vào tháng 12 vừa qua để kích cầu.

Đảng Dân chủ của ông Biden đang nắm quyền kiểm soát ở Hạ viện và sẽ chiếm đa số ở Thượng viện trong khóa tới. Tuy nhiên, thế đa số của phe Dân chủ ở Thượng viện sẽ là mong manh, bởi các nghị sỹ của đảng này sẽ chỉ chiếm 50/100 ghế và phải cần tới lá phiếu của Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris để phá vỡ thế cân bằng. Chưa kể, một số thành viên thuộc phái bảo thủ trong Đảng Dân chủ có thể không đồng tình với kế hoạch bởi thâm hụt ngân sách Mỹ hiện đã quá lớn. Bởi vậy, để gói kích cầu được thông qua, ông Biden phải thuyết phục được một số nhất định nghị sỹ Cộng hòa.

Gói 1,9 nghìn tỷ USD của ông Biden sẽ “giải cứu” nước Mỹ như thế nào? - Ảnh 1.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 2015 đến 2019 và dự báo tăng trưởng từ 2020 đến 2025 - Nguồn: IMF/Statista.

Trong tài khóa 2020 kết thúc vào tháng 9 năm ngoái, thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ là 3,1 nghìn tỷ USD, cao chưa từng có trong lịch sử. Chỉ trong 3 tháng đầu tiên của tài khóa 2021, Washington chứng kiến mức thâm hụt kỷ lục 572,9 tỷ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, một số nghị sỹ Cộng hòa đã có một lập trường cởi mở hơn về thâm hụt ngân sách. Họ đã không còn chỉ trích nhiều chuyện thâm hụt khi ông Trump đề xuất chương trình cắt giảm thuế khổng lồ vào năm 2017 hay khi ông Trump chi hơn 3 nghìn tỷ USD để kích cầu trong năm 2020 - tất cả đều là tiền đi vay.

Vào năm 2009, sau chiến dịch tranh cử với nhiều lời chỉ trích nhằm vào thâm hụt ngân sách gia tăng thời Tổng thống George W. Bush, ông Obama phải hạn chế quy mô kế hoạch kích cầu dưới 1 nghìn tỷ USD, một phần vì lo ngại nhiều nghị sỹ trong chính Đảng Dân chủ không ủng hộ chi nhiều hơn. Lần này, ông Biden cũng có thể phải cắt giảm bớt quy mô của kế hoạch 1,9 nghìn tỷ USD để đoàn kết lực lượng của phe Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện, nhưng ngay cả một số thành viên bảo thủ nhất trong đảng của ông cũng đã sẵn sàng chấp nhận thậm hụt hơn so với cách đây 1 thập kỷ.

GIỚI CHUYÊN GIA NÓI GÌ?

Theo một số chuyên gia kinh tế, một lượng tiền quá lớn bơm vào nền kinh tế có thể khiến lạm phát bùng nổ. Nếu gói kích cầu của ông Biden được phê chuẩn, thì nước Mỹ sẽ chi tổng cộng hơn 5 nghìn tỷ USD để kích cầu kể từ khi đại dịch bắt đầu, tương đương khoảng 1/4 tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của nước này. "Tôi không biết là chúng ta đã thực sự hiểu hay chưa về tất cả những ảnh hưởng của việc đổ nhiều tiền như vậy vào nền kinh tế trong lúc một phần lớn nền kinh tế còn đang bị đại dịch kìm hãm", giáo sư kinh tế học Tim Duy thuộc Đại học Oregon băn khoăn.

Trên thực tế, vào năm 2009, khi ông Obama kích cầu, giới chuyên gia cũng lo chuyện lạm phát, nhưng rồi mối lo đó không trở thành hiện thực.

Trái lại, cũng có một số chuyên gia cho rằng con số 1,9 nghìn tỷ USD là chưa đủ. Nhà kinh tế học Mark Paul thuộc New College of Florida ước tính nền kinh tế Mỹ cần được bơm thêm 4 nghìn tỷ USD để phục hồi hoàn toàn.

Trao đổi với hãng tin Reuters, chuyên gia kinh tế Ryan Sweet của Moody’s cho rằng cùng với các kế hoạch kích cầu của ông Trump, gói kích cầu của ông Biden là đủ để đến quý 3 năm nay, kinh tế Mỹ hồi phục lại phần sản lượng đã mất vì Covid-19. Tuy nhiên, ông Sweet cũng cho rằng thị trường việc làm của Mỹ sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Hiện nay, khoảng 10,7 triệu người lao động Mỹ đang trong cảnh thất nghiệp vì Covid-19, và con số này được dự báo còn tăng trong thời gian tới. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện là 6,7%, cao gần gấp đôi so với mức trước đại dịch.

Tin vào hiệu ứng tích cực của gói kích cầu mới, ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2020 lên 6,6%, từ mức 6,4% đưa ra trong lần dự báo trước.

Một tin tốt cho ông Biden là gói kích cầu của ông nhận được phản hồi tích cực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trước khi kế hoạch được công bố, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng các biện pháp chi tiêu sớm và mạnh tay của Chính phủ Mỹ đã giúp cho kinh tế Mỹ tránh rơi vào tình trạng tồi tệ hơn - một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ dành cho gói kích cầu mới. Sau khi kế hoạch của ông Biden được đề xuất, ông Eric S. Rosengren, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, nói với hãng tin CNBC: "Đây là một gói kích cầu lớn, nhưng tôi cho là hợp lý. Nền kinh tế đang trì trệ".

Và Fed cũng thế hiện quan điểm sẽ không phản ứng với gói kích cầu của ông Biden bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ như ngân hàng trung ương này đã làm sau chương trình giảm thuế của ông Trump. "Giờ chưa phải là lúc nói đến chuyện rút khỏi các biện pháp hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ", ông Powell nói, ý nói đến lãi suất siêu thấp và chương trình mua trái phiếu khổng lồ của Fed. Giới phân tích dự báo mức lãi suất gần 0 và hoạt động bơm tiền vào thị trường sẽ được Fed duy trì thêm ít nhất vài năm nữa.

Các tin khác