Chắc chắn phải huy động từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, phải ước lượng được số tiền thực chi cho gói hỗ trợ là bao nhiêu, lấy đó làm căn cứ để huy động tiền cho gói. Đây mới là khâu quan trọng, vì hiện nay dù Bộ KH-ĐT đưa ra song vẫn đang thiếu những nghiên cứu có tính định lượng.
Khi đã có định lượng, trên cơ sở đó sẽ tính được quy mô gói hỗ trợ, ước chi thực tế là bao nhiêu, sau đó mới tính đến việc huy động nguồn lực.
Thứ nhất, phải tính đến vay thêm từ một số định chế tài chính nước ngoài đang có những gói hỗ trợ dành cho các quốc gia phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Khi nói đến vay thêm nợ, Chính phủ phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ tăng lên trong khoảng 1-2 năm.
Nhưng đây chỉ là tăng trong ngắn hạn, về sau cần có lộ trình cụ thể để đưa về trạng thái an toàn và bền vững, không thể để các chỉ số trên cao mãi được.
Thứ hai, một nguồn lực quan trọng khác cho gói hỗ trợ là tiếp tục thực hiện chính sách tiết kiệm chi ở những khoản khác.
Thứ ba, một kênh nữa để huy động nguồn lực là đẩy nhanh và mạnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Hiện nay mỗi năm cổ phần hóa và thoái vốn DNNN thu về cho NSNN được vài chục ngàn tỷ đồng.
Cuối cùng, phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất tương đối thấp, cũng sẽ là nguồn lực bổ sung cho gói hỗ trợ kinh tế nói trên.
PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông, có những ý kiến về việc tung gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn có thể gây ra lạm phát và một số “tác dụng phụ” cho nền kinh tế như nợ công, thâm hụt ngân sách…?
TS. CẤN VĂN LỰC: - Ở đây gói hỗ trợ dự kiến triển khai trong 2 năm nên phải đánh giá mức độ tác động như thế nào đối với cung tiền, lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách, khả năng trả nợ của Chính phủ…
Thêm vào đó, việc đánh giá tác động và dự báo là để các cơ quan quản lý thấy rằng ở ngắn hạn những chỉ số tác động không như mong muốn có thể tăng lên, song chúng ta sẽ duy trì ở ngưỡng trong tầm kiểm soát. Còn về dài hạn phải duy trì được sự ổn định và tăng trưởng bền vững.
- Từ cuối năm 2020, nhiều quốc gia đã đưa ra các gói hỗ trợ với quy mô lớn nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đã tỏ ra hiệu quả. Kinh nghiệm của họ sẽ mang hàm ý chính sách như thế nào với Việt Nam, thưa ông?
- Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tính hết quý II-2021 các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ toàn cầu đã lên tới 17.910 tỷ USD, tương đương 16% GDP toàn cầu năm 2020.
Quy mô bình quân các gói hỗ trợ này khoảng 19,5% GDP đối với các nước phát triển, 7,7% GDP đối với các nước đang phát triển và mới nổi, 4% GDP đối với các nước thu nhập thấp.
Điều dễ nhận thấy là các gói hỗ trợ của các quốc gia đều tập trung vào tài khóa nhiều hơn so với hỗ trợ tiền tệ. Họ hỗ trợ tiền mặt, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, ít tập trung vào giãn hoãn thuế và nghĩa vụ trả nợ.
Lộ trình thực thi các gói hỗ trợ của các quốc gia được thực hiện tương đối nhanh chóng.
Đơn cử, các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, các quốc gia bơm tiền trực tiếp một cách nhanh chóng, trong khi Việt Nam tiến độ triển khai các gói hỗ trợ khá chậm trễ. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã và đang quay trở lại với nhịp độ sản xuất, tăng trưởng trở lại, cho thấy các gói hỗ trợ đã phát huy hiệu quả.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, cần có tiến trình thực hiện các gói hỗ trợ nhanh chóng, không để bị lỡ nhịp trong phục hồi kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.