Dựa trên hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng của các gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ lần 1, cũng như những đứt gãy trong sản xuất kinh doanh từ đợt bùng phát Covid-19 mới đây ở Đà Nẵng và triển vọng kinh tế còn nhiều bất định, nới lỏng “có kiểm soát” phải có liều lượng “nặng đô” hơn thận trọng.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3-8, Thủ tướng nhận định “Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn lớn lắm, chúng ta phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn”. Khó khăn của người lao động còn lớn lắm, đồng thời cũng nói lên bức tranh phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp.
Với những bất định hiện tại và quyết tâm vượt qua bằng được mọi khó khăn, phát biểu của người đứng đầu Chính phủ phần nào cho thấy mục tiêu cấp bách lúc này, đó là nới lỏng tài khóa tiền tệ có kiểm soát phải thỏa mãn cùng lúc 2 tiêu chí: mạnh hơn nhưng phải lạ. Tùy thuộc vào góc nhìn, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về yêu cầu của Thủ tướng.
Nhưng thử hỏi, gói kích thích kinh tế lần 1 có mạnh? Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, so với nhiều nước, gói kích thích lần 1 là khá mạnh. Tuy nhiên, với bức tranh thị trường lao động mà Thủ tướng cảnh báo, gói kích thích lần 1 chỉ mạnh về con số nhưng yếu trong khâu triển khai vào thực tế cuộc sống.
Để gói kích thích kinh tế lần 2 là “hữu hình”, thì “mạnh hơn” và “lạ hơn” phải là một cỗ xe song mã. Dứt khoát đó không phải là 2 vấn đề độc lập, 2 chủ thể riêng biệt nhau, không thể có chuyện quyền anh quyền tôi khi đặt vấn đề giải cứu nền kinh tế.
Nếu chỉ có duy nhất “mạnh hơn”, mọi chuyện vẫn sẽ đâu vào đấy, vẫn như gói hỗ trợ kinh tế lần 1. Giảm thêm lãi suất, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được vốn, thất nghiệp thì ngày vẫn càng tăng.
Giảm thuế, phí, nhưng phần lớn doanh nghiệp không có lợi nhuận thậm chí lỗ triền miên thì lấy tiền đâu nộp thuế. Vậy mạnh hơn thì có nhưng càng mạnh thì càng vô hình. Không ai thấy nó, chỉ thấy xuất hiện trên các báo cáo. Các chỉ số tài khóa tiền tệ đều ổn định. Tất cả đều an toàn, ngoại trừ người lao động và doanh nghiệp.
Vậy thì mạnh hơn nhưng cũng phải mới lạ hơn. Mới lạ hơn nghĩa là trước đây chưa từng có, giờ phải có, là bất thường, đặc biệt trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, có thể phải nới lỏng các điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng; phải hạ thấp phần nào rào chắn các điều kiện tài chính để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tài chính toàn xã hội, trong đó có kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với chính sách tài khóa, có thể phải nghĩ đến việc giảm thuế VAT hoặc phát phiếu mua hàng có thời hạn cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Nhiều nước đặt trọng tâm vào việc giảm thuế khuyến khích các hoạt động mua bán hàng miễn thuế online.
Nguồn tài chính cho miễn giảm thuế có thể đến từ sự tham gia của các đại gia công nghệ để khuyến khích người dân mua sắm trên các nền tảng của họ. Hỗ trợ nhưng đồng thời cũng phải có cơ chế khuyến khích để hướng đến những thay đổi cơ bản cấu trúc nền kinh tế.
Khó nhất, chẳng những giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch mà còn mang tính dài hạn, là giải ngân đúng tiến độ các gói đầu tư công trị giá lên đến 700 ngàn tỷ đồng. Và, trong khi sinh kế người lao động đang gặp nhiều khó khăn, liệu chúng ta cứ nhất thiết nguyên tắc lúa giống thì làm giống không được nấu thành cơm? Liệu có thể chuyển một tỷ lệ nhất định nào đó trong các chương trình đầu tư công giải ngân chậm trễ, thậm chí không hiệu quả, sang hỗ trợ người lao động hoặc kích thích sức mua?
Trong thời bình, có nước đã linh hoạt chuyển một phần ngân sách quốc phòng trong dự tính sang xây bức tường biên giới để ngăn chặn nạn nhập cư trái phép. Thì Việt Nam, trong thời chiến với giặc Covid-19, tại sao không thể chuyển ngân khố từ các dự án đầu tư công trì trệ sang hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp? Khi một khu rừng đang cháy, liệu có ai viện đến thảm họa nguồn nước để khuyên không nên dùng dập tắt đám cháy đang lan mạnh?