Trước tình trạng "sốt đất" trong thời gian gần đây, nhất là sau thông tin quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng sẽ được phê duyệt vào tháng Sáu tới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và chính quyền địa phương trong việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, dự án bất động sản, việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin; ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá bất động sản để trục lợi bất hợp pháp.
Thành phố chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính khẩn trương thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Cùng đó, Hà Nội sẽ kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là dự án bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc chậm triển khai…
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản; xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục điều hành các giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Sở Xây dựng tổ chức kịp thời, nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản.
Đặc biệt, thành phố yêu cầu các địa phương có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương và đời sống của người dân.
Cùng với việc nắm bắt diễn biến thị trường và thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp môi giới vi phạm trong kinh doanh, chuyển nhượng đất đai sai quy định của pháp luật.
Tại địa bàn Hà Nội, trong 2-3 tháng trở lại đây, giá đất tại Đông Anh và Tây Hồ (hai trong số các quận huyện nằm trong quy hoạch của Hà Nội) một lần nữa "dậy sóng."
Tại huyện Đông Anh, đất thổ cư và đất đấu giá có nơi bị "thổi giá" tăng từ 15-20%, thậm chí một số khu vực còn bị đẩy giá tăng 50% chỉ trong vài tháng.
Cá biệt, có dự án chưa được mở bán nhưng đã tập trung rất nhiều môi giới chào mời khách mua, không khác một hội chợ bất động sản.
Đơn cử như xã Hải Bối, giá đất nền trong các khu dân cư tăng mạnh, có nơi gần trục đường lớn lên tới cả trăm triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, các giao dịch nhà, đất có tính pháp lý cao là không nhiều. Thay vào đó, việc mua bán đất nông nghiệp, đất bãi gần nơi đã cấp sổ đỏ lại diễn ra nhộn nhịp. Đặc biệt là các ô đất bãi, nhưng đã được dựng nhà tại một số khu vực ven sông.
Hiện nay, giá đất xen kẽ đất nông nghiệp ven sông Hồng tại quận Tây Hồ dù chỉ là mua bán viết tay, nhưng cũng đang "nhảy múa" trước thông tin quy hoạch thành phố ven sông. Giá đất nơi đây đang được mua bán là 40 triệu đồng/m2. "Người ta về đây bảo mua làm vườn, nhưng sau đó thì dựng cả nhà," một người dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết.
Theo ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến cơn "sốt đất" ở Hà Nội thời gian gần đây là do các yếu tố như thông tin về quy hoạch, điều chỉnh khung giá đất, "sốt đất" theo chu kỳ, xu hướng đầu tư của dòng tiền…
Cùng đó, năm 2021 là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; trong đó có chỉ tiêu về phát triển nhà ở, cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân… Thành phố xây dựng kế hoạch và công bố hàng loạt quy hoạch sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Minh phân tích từ những thông tin này, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào khu vực có định hướng phát triển đô thị. Đơn cử như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức được công bố chuẩn bị lên quận và đầu tư giai đoạn khởi điểm nên nhiều người đầu tư và trở thành nguyên nhân đẩy giá đất lên cao. "Giá đất được đẩy lên cao nhất trong thời gian qua là đất ở nông thôn, đất vườn ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi tăng lên 100%, thậm chí có nơi đột biến tăng 200%."
Trước tình trạng trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết các đơn vị chức năng của huyện đã cảnh báo người mua hết sức tỉnh táo. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban tuyên truyền đến người dân, tránh để môi giới "đẩy giá đất" dẫn đến bất ổn trong diễn biến về bất động sản. Người dân cần chắt lọc thông tin, nắm chắc thông tin để đi đến quyết định cuối cùng trước khi giao dịch.
Theo các chuyên gia, đồ án quy hoạch đang được hoàn thiện, đất 2 ven sông Hồng chủ yếu để phát triển không gian công cộng và theo hướng đô thị xanh, cảnh quan văn hóa... thay vì đô thị cao tầng. Các quy hoạch hiện nay cũng mới được xây dựng, chưa được các cấp có thẩm quyền thông qua. Bởi vậy, việc "thổi" giá đất chỉ là các chiêu trò của giới đầu cơ và "cò đất," họ tự tạo ra những "cái chợ hay sóng."
Giá đất ở các khu vực này không phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế. Người dân đổ xô đi mua đất bãi, đất ven sông vào lúc này sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Phân khu sông Hồng hiện nay mới làm và đang xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Các quận, huyện cũng chưa điều tra, khảo sát tình trạng đất khu vực quy hoạch sông Hồng nên người dân cần thận trọng, tránh tâm lý đầu tư theo đám đông.
Ngoài ra, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh ngăn chặn việc mua bán, tự ý xây dựng tại các ô đất nông nghiệp ven sông nhằm tránh những hệ lụy không đáng có, các chuyên gia khuyến cáo.