Ngày 13/8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; các cơ chế, chính sách, vấn đề lớn trong lĩnh vực công thương của thành phố Hà Nội và các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nội dung cần phối hợp thúc đẩy triển khai trong thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, đại biểu các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp và thương mại của Thủ đô đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội cũng như cả nước.
Kết quả này đã góp phần quan trọng đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của Hà Nội tăng 3,39%, mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đây là buổi làm việc thứ 6 trong kế hoạch làm việc với 8 bộ, ngành Trung ương nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố trong giai đoạn tới.
Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ mong muốn, sau buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, Hà Nội sẽ phát huy được những tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại đồng thời giải quyết được những vấn đề khó khăn, tồn tại mà Thủ đô cần sớm tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.
Báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, thời gian qua, nhận được sự phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn Bộ Công Thương trong công tác quản lý, phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã đạt một số kết quả nổi bật.
Điển hình là việc thực hiện đơn giản giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực công thương, đã rút ngắn được thời gian làm việc, tiết kiệm được nhiều tỷ đồng chi phí của doanh nghiệp.
Đến hết năm 2019, Hà Nội đã lựa chọn, công nhận được 91 sản phẩm của 58 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó có 12 doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Việc tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phục hồi và phát triển sản xuất, chủ động trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tích cực thực hiện các giải pháp, sáng kiến để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới...
Về đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức triển khai, cập nhật, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Đến nay, thành phố đã ban hành quyết định thành lập mới 43 cụm công nghiệp với tổng diện tích 753,3 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 16.150 tỷ đồng, hiện đang chỉ đạo tập trung hoàn tất thủ tục, triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút các doanh nghiệp thứ phát vào đầu tư sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Đối với công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển làng nghề, công nghiệp nông thôn, Bộ Công Thương đã phối hợp đã triển khai thực hiện hiệu quả thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương.
Chương trình khuyến công đã hỗ trợ gần 300 lớp đào tạo nghề cho hơn 10.000 lao động, trên 80% số lao động có việc làm sau đào tạo; hỗ trợ hơn 70 đề án đầu tư đối mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trên 1.400 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Cũng tại buổi làm việc, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo Thành ủy Hà Nội và đề nghị Bộ Công Thương xem xét phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ công tác rà soát, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch và tổ chức thực hiện các Quy hoạch về phát triển cụm công nghiệp, phát triển điện lực thành phố Hà Nội đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô; phối hợp, hỗ trợ thành phố kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, đầu tư nước ngoài uy tín, có thương hiệu, có tính dẫn dắt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, hóa chất... và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa thành phố Hà Nội với Bộ Công Thương. Đồng quan điểm với chủ trương, định hướng phát triển của thành phố Hà Nội trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Định hướng phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác cơ hội để phát triển thương mại nội địa, xuất khẩu.
Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa hoạt động phối hợp thông qua việc đề nghị Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống logistics, hạ tầng năng lượng, giao thông.
Riêng về lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số mặc dù còn tồn tại, bất cập về thể chế, chính sách, nhưng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, gắn với hạ tầng thương mại truyền thống, vì vậy Bộ Công Thương mong muốn Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại này, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận mặt bằng, logistics, qua đó thâm nhập sâu rộng vào hệ thống bán lẻ quốc tế.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đồng tình với những nội dung hai bên sẽ đẩy mạnh và tiếp tục phối hợp trong thời gian tới.
Trong đó, về lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp với Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển có chọn lọc, đột phá vào những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao, chú trọng phát triển kinh tế tri thức, phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ thành phố Hà Nội đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Thông qua tham tán thương mại, Bộ Công Thương giúp Hà Nội tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng đầu tư, kinh doanh, nhất là đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, mới, sạch, thân thiện, sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước...
Về lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực cho Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
Bộ Công Thương cũng hướng dẫn và phối hợp thành phố trong thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh bổ sung một số các công trình 120KV, 220KV và quy hoạch phát triển điện lực của giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.
Trong lĩnh vực thương mại, Bộ Công Thương hỗ trợ thành phố xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của thành phố.
Bên cạnh đó, Bộ cũng hỗ trợ thành phố triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025, tiếp tục hỗ trợ triển khai đề án phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, chợ đầu mối tại Yên Thường (Gia Lâm) và các chợ đầu mối khác trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ thành phố trong triển khai thương mại điện tử để Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu trong cả nước về lĩnh vực này.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương đã ký kết Quy chế phối hợp trong giai đoạn tiếp theo.