Hàng hóa, dịch vụ theo nhau tăng giá

(ĐTTCO) - Do giá xăng dầu tăng cao (mức cao nhất trong vòng 7 năm qua), đã gây áp lực, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cả người dân. Hơn một tuần qua, nhiều loại hàng hóa, thực phẩm, dịch vụ trên địa bàn TPHCM cũng đua nhau tăng giá theo.

Nhiều loại thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng giá nhẹ

Nhiều loại thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng giá nhẹ

Rau, thịt, cá tăng giá nhẹ

Khảo sát tại chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), lượng người dân vào mua sắm khá thưa thớt, thực phẩm dồi dào và đa dạng. Theo ghi nhận, nhiều loại mặt hàng, thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản, rau xanh, trái cây… đều tăng giá nhẹ 1.000-5.000 đồng/kg. Đơn cử, 1kg xà lách trước dịch có giá gần 30.000 đồng, đến nay nhiều tiểu thương phải tăng lên 34.000 đồng/kg để bù đắp vào chi phí vận chuyển thì mới có lãi. 

Một số tiểu thương cho biết, giá cả các loại hàng hóa tăng ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của người tiêu dùng và doanh thu của tiểu thương. Dự đoán, từ giờ đến cuối năm, giá cả các loại thực phẩm, hàng hóa cũng tăng mạnh nếu giá gas, xăng dầu không có xu hướng giảm.

Chị Nguyễn Châu Lâm, tiểu thương tại chợ Hòa Hưng (quận 10), cho biết: “Tôi lấy thực phẩm chủ yếu ở chợ đầu mối, giá cả nhiều loại thực phẩm có hạ nhiệt mạnh so với thời điểm giãn cách xã hội, tuy nhiên hơn một tuần qua, giá bắt đầu tăng nhẹ trở lại do cước phí vận chuyển tăng. Trung bình mỗi thùng hàng đều tăng thêm vài chục ngàn đồng. Tôi cũng khá lo lắng khi giá thực phẩm tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua và nguồn thu của gia đình”.

Tác động đến nhiều mặt

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, so với thời điểm trước đây, nhiều loại dầu ăn đang có xu hướng tăng 3.000-5.000 đồng/chai. Cụ thể, dầu ăn Happy Koki loại 1 lít lên mức 40.000 đồng, Neptune 1 lít 52.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Phượng (quận Bình Thạnh) cho biết, các loại rau củ quả cũng tăng lên, hành lá hiện nay đã hơn 80.000 đồng/kg. “Không chỉ thực phẩm, các mặt hàng nhang đèn cũng tăng chóng mặt, một bó nhang lúc trước 75.000 đồng thì nay đã lên 80.000 đồng”, chị Phượng cho biết.

Tại chợ Bình Thới (quận 11), một số tiểu thương cho biết, giá cả hàng hóa tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng. “Lý do tăng giá là phí vận chuyển, người bán hàng ít, khâu vận chuyển chưa thuận lợi, cùng với đó là giá xăng tăng cũng ảnh hưởng. Chúng tôi ở đây cố gắng giữ mức giá vừa phải để giữ khách hàng trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay”, một tiểu thương cho biết. 

Không chỉ các thực phẩm tươi sống, mà nhiều loại đồ uống, thực phẩm chín, thức ăn đường phố như: cà phê, cơm tấm, hủ tiếu, bún, phở… cũng rục rịch tăng giá do ảnh hưởng bởi giá xăng và gas. Tại quận Gò Vấp, ở thời điểm trước dịch, trung bình một dĩa cơm tấm bình dân có giá 25.000-30.000 đồng, thì đến thời điểm hiện tại, nhiều hàng quán đã đồng loạt tăng giá 30.000-35.000 đồng. Nhiều quán cà phê cũng tăng trung bình 1.000-2.000 đồng/ly để bù vào các chi phí phát sinh khác.

Xăng dầu tăng giá,tàu cá nằm bờ


Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian gần đây khiến nhiều ngư dân cả nước “chóng mặt”. Trong khi đó, giá hải sản vẫn chưa phục hồi như mong đợi, dẫn đến hoạt động khai thác của ngư dân gặp nhiều khó khăn và buộc phải cho tàu nằm bờ. Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá Trương Văn Ngữ chia sẻ: “Trong vòng 2 tháng qua, giá nhiên liệu tăng mấy lần, cộng với chi phí test Covid-19, chi phí hỗ trợ gia đình thuyền viên… khiến nhiều chủ tàu không còn muốn đi biển bởi không hiệu quả”. Ông Ngữ ước tính, giá nhiên liệu như hiện nay, mỗi chuyến biển, các chủ tàu cá tốn thêm khoảng 60 triệu đồng.

Thống kê ban đầu, chỉ còn khoảng 50% hội viên của Hội Nghề cá TP Rạch Giá là còn cầm cự vươn khơi. Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có hơn 2.800 tàu cá đánh bắt xa bờ nhưng hiện có khoảng 1/3 số tàu cá không ra khơi đánh bắt.


Sản lượng hàng hóa về chợ đầu mối vẫn thấp

Ngày 16-11, Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn Nguyễn Tiến Dũng cho biết, số lượng thương nhân trở lại chợ buôn bán đã đạt khoảng 80%, nhưng lượng hàng hóa nhập chợ vẫn ở mức thấp, dao động 1.500-1.600 tấn/đêm, tương ứng khoảng 60% so với những ngày bình thường. Đáng chú ý, tình hình chợ tự phát tại khu vực quanh chợ đã giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết, sau nửa tháng mở cửa bán hàng trở lại trong trạng thái “bình thường mới” với công suất 30% số sạp, nhưng đến nay chỉ đạt khoảng 15%. Mỗi ngày hàng hóa nhập chợ mới đạt khoảng 300 tấn, trong khi ngày bình thường đạt trên 2.000 tấn. Nguyên nhân là do chợ tự phát quanh khu vực chợ không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí ngày càng bùng phát. Việc siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 khi vào chợ khiến nhiều người mua hàng không muốn vào, do đó thương nhân trong chợ buộc phải chở ngược hàng ra những tuyến đường, khu đất trống quanh chợ để bán.

Các tin khác