Đáng ái ngại hơn, các chủ tài khoản TikTok ấy đều là những cô gái trẻ. Họ không ngần ngại dùng khuôn mặt thật của mình (dĩ nhiên đã sử dụng app cho mỹ miều hơn) để chiêu dụ người xem truy cập vào những trang web tươi mát, hoặc trả tiền để chứng kiến họ biểu diễn những trò nhiều khoái cảm hơn.
Rõ ràng, ở góc độ nào đó, phải báo động về hành vi mại dâm đang xâm lấn lên các nền tảng công nghệ. Và TikTok thu hút công chúng bởi những tính năng hấp dẫn, như lưu trữ video dạng ngắn, cung cấp ứng dụng chia sẻ video ngắn. Ban đầu, các sản phẩm trên TikTok chủ yếu là hát nhép, khiêu vũ hoặc ghi âm các hình dán lạ mắt và các hiệu ứng khác.
Nhưng bây giờ, khi lướt TikTok không khó để bắt gặp những trào lưu phản cảm, độc hại, như sex jokes (trò đùa tình dục) nhảy múa khoe thân, quảng cáo phim 18+ hoặc thuốc kích dục. Thật âu lo, khi sự bùng nổ của TikTok khiến Facebook và Youtube cũng bắt chước cơ chế hoạt động ấy, khi cho ra đời Facebook Stories và Youtube Shorts.
Những TikToker hay những Facebooker được gọi bằng cái tên sang trọng là “người sáng tạo nội dung”. Thế nhưng, biên độ “sáng tạo nội dung” vi phạm thuần phong mỹ tục rất khó chấp nhận. Với sự phủ sóng ngày càng rộng, sức ảnh hưởng ngày càng lớn của TikTok tại Việt Nam, đặc biệt khi “TikTok shop” ra đời, đã có nhiều cá nhân sẵn sàng làm mọi cách để đưa khách về trang bán hàng, kể cả những cách tệ hại như khoe thân hay phát tán clip sex…
TikTok đang cho thấy có nhiều lỗ hổng trong cách thức kiểm duyệt nội dung dựa trên "Tiêu chuẩn cộng đồng", cũng như cách vận hành các chế độ kiểm soát đối tượng thiếu niên và nhi đồng tiếp cận các nội dung không được khuyến khích.
Theo số liệu từ Báo cáo Kỹ thuật số cuối năm 2022 của Tổ chức We Are Social, tại Việt Nam, đã có hơn 39,9 triệu người dùng TikTok trên 18 tuổi, tức hơn 55% người dùng internet… Cho nên, không phải vô lý khi nhiều người đặt câu hỏi về sự khống chế những nội dung kém lành mạnh trên mạng xã hội (MXH) này.
Vài thống kê công khai chứng tỏ TikTok cũng thường xuyên báo cáo về việc kiểm soát nội dung độc hại bằng cách xóa kênh, nhưng hệ lụy từ nội dung độc hại vẫn chưa chấm dứt. Năm 2022, vào tháng 7, TikTok đã xóa hơn 2,4 triệu video tại Việt Nam được đưa lên trong quý I. Đến tháng 9, TikTok tiếp tục xóa 113 triệu video được xác định đã vi phạm chính sách về Tiêu chuẩn cộng đồng do TikTok đặt ra.
Theo các chuyên gia, rất khó để TikTok có thể “dọn sạch” các video độc hại trên nền tảng. Bởi, ứng dụng chỉ loại bỏ các video có sử dụng hashtag, gắn cờ liên quan đến nội dung vi phạm. Những video không gắn hashtag vẫn tồn tại, thậm chí thu hút hàng triệu lượt xem và được người dùng liên tục chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, nội dung nhạy cảm là vấn đề nhức nhối đối với nhiều nền tảng chia sẻ thông tin trên internet khác, dù đã có những lời cảnh báo từ cơ quan quản lý lẫn giới công nghệ thông tin. Vì vậy, TikTok cần phải siết chặt hơn trong khâu kiểm duyệt và nỗ lực tìm ra biện pháp cải thiện công nghệ thuật toán của mình, để có khả năng phán đoán tốt hơn cho các nội dung kiểm duyệt, góp phần xây dựng nền tảng MXH với những video giải trí sạch và chất lượng.
Thử hỏi, những chiêu trò nhạy cảm để kiếm lợi trên TikTok sẽ tác động ra sao với trẻ em. Trong thời đại công nghệ 4.0, trẻ em không thể tuyệt giao với các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng chưa có tư duy phản biện, dễ bị định hướng nên sẽ tin những gì mình xem, trong đó có cả nội dung bẩn và làm theo để thể hiện mình.
Trước thực trạng nội dung bẩn tràn lan trên không gian mạng, có lẽ đã đến lúc kiểm duyệt nội dung chặt chẽ và nâng tầm vi phạm đối với những video nhảm nhí, phản cảm, băng hoại đạo đức..., thậm chí có thể ở mức hình sự. Cùng với đó, rất cần sự chia sẻ và kết hợp của phụ huynh, trường học... mới hy vọng hạn chế, loại bỏ những nội dung độc hại như trên.
Thành tựu công nghệ số chia đều cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, những nền tảng giải trí như TikTok lại nảy sinh những tác động tiêu cực khác cho đời sống văn hóa.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần phát biểu về xây dựng văn hóa mạng, khẳng định MXH là môi trường sống mới nên phải có văn hóa số với những thách thức phải đối diện: “Ở ngoài đời, mình nói một câu rất to chỉ vài người đứng xung quanh nghe thấy. Nhưng khi lên mạng viết một câu có thể 1 triệu người nhìn thấy. Đây là điểm khác biệt trong ứng xử. Do đó, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số. Hiện Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành bộ quy tắc mẫu, hy vọng các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó ban hành quy tắc cho riêng cơ quan, tổ chức của mình. Năm 2023, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện bộ quy tắc này. Giải pháp căn cơ nên đi hai chân, là pháp luật và văn hóa”.
Công chúng đang là khách hàng thụ hưởng, đồng thời cũng là nạn nhân thụ động của những chiêu trò mại dâm trá hình trên MXH. Dù biết chống mại dâm trên mạng khó hơn chống mại dâm ngoài đời, nhưng trước khi những nhà cung cấp dịch vụ đưa ra giải pháp hữu hiệu hơn, công chúng phải tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân.
Ít nhất, mỗi người khi xem hay khi gặp những nội dung “mất vệ sinh” trên TikTok hay trên Facebook, cần báo báo (report) ngay cho nhà cung cấp dịch vụ. Mỗi người nhặt một cọng rác, môi trường sẽ được cải thiện từng ngày.