Thương mại điện tử: Thuế thu tăng, nhưng vẫn thất thu

(ĐTTCO) - Số thuế thu được từ các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) và các nền tảng xuyên biên giới đang gia tăng đều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu so với tốc độ phát triển của TMĐT Việt Nam và các dịch vụ số xuyên biên giới, số thu tăng nhưng lỗ hổng thất thu vẫn còn nhiều.
Thương mại điện tử: Thuế thu tăng, nhưng vẫn thất thu

TMĐT và dịch vụ công nghệ số bùng nổ

Theo sách trắng TMĐT, năm 2019 doanh số bán lẻ TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp - DN với người tiêu dùng - NTD) của Việt Nam đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Hết năm 2022, theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Động lực nào khiến TMĐT Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh như vậy? Ngoài yếu tố có lực lượng dân số trẻ, những người thích ứng nhanh với sự thay đổi trên môi trường số, nguyên nhân chính thúc đẩy TMĐT bùng bổ trong những năm qua là đại dịch Covid-19. Năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,38%, nhưng TMĐT vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định 16% và đạt 13,7 tỷ USD.

Rất nhiều người trong giai đoạn dịch đã chuyển qua kinh doanh online và sau đó chọn đây là bước đi nghề nghiệp tiếp theo. Thậm chí, hình thức bán hàng qua livestream trên các mạng xã hội (MXH) và các sàn TMĐT đã mang về doanh thu khủng cho nhiều người bán hàng. Không quá khi nói rằng, đây là thời điểm người người, nhà nhà bán hàng online.

Một báo cáo trong giai đoạn dịch đã chỉ ra rằng, tính từ thời điểm dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam ghi nhận thêm 8 triệu NTD kỹ thuật số mới, phần lớn xuất phát từ các khu vực ngoài thành phố lớn. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhìn nhận dịch Covid-19 là chất xúc tác giúp TMĐT nước ta phát triển nhanh, mạnh hơn.

Không chỉ kinh doanh trên các nền tảng sàn TMĐT, nhiều người còn đẩy mạnh kinh doanh trên các nền tảng MXH như Youtube, Facebook hay Tiktok… Trong đó, chỉ tính riêng nền tảng Youtube đã mang về doanh thu từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng/năm cho các Youtuber. Cùng với bùng nổ kinh doanh qua sàn TMĐT, MXH, các dịch vụ số tại Việt Nam cũng có sự tăng trưởng mạnh qua những năm gần đây.

Báo cáo Vietnam Digital Marketing Report 2022 ước tính doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 1,37 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với năm 2021. Trong đó, phần lớn doanh thu này rơi vào túi những nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Microsoft… Các DN trong nước chỉ chiếm phần nhỏ trong “miếng bánh” đang ngày một lớn lên này.

Cũng giống sự phát triển của TMĐT, dịch Covid-19 trở thành động lực chính khiến quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ trong mấy năm trở lại đây. Đặc biệt trong năm 2021, khi người dân phải ở nhà nhiều cũng là lúc các nền tảng quảng cáo trực tuyến kiếm bộn tiền. Tốc độ phát triển nhanh của TMĐT cũng như các dịch vụ số là tín hiệu tích cực cho thị trường.

Tuy nhiên, doanh thu nhiều nhưng thuế nộp bao nhiêu là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Đã từng có thời gian người ta phải đặt câu hỏi công nghệ phát triển nhanh liệu có làm ngân sách của ngành thuế bay hơi nhiều hay không?

Thuế vẫn hụt hơi

Ngày 21-3-2022, Tổng cục Thuế công bố và đưa vào vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tính đến cuối năm 2022 đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài lớn trên khắp thế giới đã đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp qua cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế, với tổng số thuế đã kê khai, nộp thuế 3.444 tỷ đồng.

Trong đó một số nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế lớn như Meta (Facebook), Google, TikTok; Microsoft… Số thuế thu thoạt nhìn có vẻ nhiều, thế nhưng nếu so với doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2022 là 1,37 tỷ USD, số thuế này dường như chưa thấm vào đâu. Đó là chưa kể những năm trước khi chưa có cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, con số thất thu còn khủng hơn nhiều.

Không chỉ thắt chặt hơn việc thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài, việc thu thuế các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng TMĐT cũng đang được ngành thuế chú ý hơn. Dữ liệu khai thác từ cổng thông tin TMĐT vào cuối 2022 cho thấy, có 14.875 tổ chức trong nước và 8 tổ chức từ nước ngoài đăng ký bán hàng trên các sàn.

Ngành thuế có thông tin của hơn 53.200 cá nhân trong nước và 4 người nước ngoài kinh doanh qua các sàn TMĐT. Hơn 14,5 triệu lượt giao dịch với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng đã diễn ra thông qua các sàn.

Cũng theo ngành thuế, tính từ năm 2018 đến nay, số tiền cơ quan quản lý thuế đã thu được của các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số hơn 1.150 tỷ đồng. Con số này tăng dần và tăng nhanh qua các năm. Năm 2021 thu thuế mới đạt 261 tỷ đồng, năm 2022 con số này đã tăng lên hơn 600 tỷ đồng.

Song chỉ tính riêng năm 2022, nếu so với quy mô thị trường 16,4 tỷ USD, con số thuế 600 tỷ đồng không thấm vào đâu. Chia sẻ cùng ĐTTC, PGS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, cho rằng số thuế thu tăng theo từng năm, đặc biệt tăng mạnh trong năm 2022, cho thấy ngành thuế đang dần siết chặt quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói chung.

Nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và bỏ sót nhiều đối tượng, bởi đây cũng là lĩnh vực mới với ngành thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã từng thẳng thắn thừa nhận thực tế: "Chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn TMĐT và kinh doanh công nghệ”.

Những năm gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức có doanh thu lớn từ Google, Youtube nhưng thường “quên” đóng thuế. Khi ngành thuế truy thu, những con số khiến người nghe giật mình: 6 tháng đầu năm 2022 ngành thuế TPHCM xử lý 38 người có thu nhập từ Google với số tiền truy thu, phạt và tiền chậm nộp lên đến 169 tỷ đồng; trong đó có 1 cá nhân bị thu 31 tỷ đồng.

Việc “quên” đóng thuế của nhiều tổ chức, cá nhân và việc ngành thuế còn hụt hơi trong thu thuế đối với hình thức kinh doanh TMĐT và các nội dung số, đã gây ra sự bất bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh. Trong những năm tới ngành thuế sẽ còn nhiều việc phải làm để đuổi kịp tốc độ phát triển của hoạt động TMĐT và kinh tế số của Việt Nam.

Mặc dù số thuế thu được từ hoạt động kinh doanh TMĐT mỗi năm đều tăng, nhưng vẫn không theo kịp doanh thu của loại hình kinh doanh này.

Các tin khác