Biết doanh thu cao, nhưng khó thu thuế
Theo số liệu của Tổng cục Thuế về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.432 tỷ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 29-6-2022), tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Số thu thuế từ mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook… năm 2020 là 1.143 tỷ đồng. Con số này tăng 133 tỷ đồng so với 2019, và tăng 1.096,14 tỷ đồng so với 2016. Tức đã tăng 24 lần trong 4 năm từ 2016 đến 2020.
Đối với các mô hình này, cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo, hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam.
Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số, lũy kế hết tháng 8-2022 cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 1.082 tỷ đồng. Trong đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 8 tháng năm 2022 tăng cao với 520,7 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với số thu năm 2021. Tuy nhiên, việc quản lý và thu thuế với TMĐT gặp nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thứ nhất, TMĐT là hoạt động KTS, các quy định luật pháp trong quản lý, xác định hình thức thuế và thu thuế chưa kịp thay đổi phù hợp. Vì vậy, một số hoạt động chưa có chế tài phù hợp để theo dõi, quản lý.
Thứ hai, TMĐT trong điều kiện nền KTS, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, nên theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống sẽ không thuộc đối tượng đánh thuế quốc gia.
Thứ ba, trong TMĐT các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện bất kể giờ giấc, thông qua website hiện diện trên môi trường số cho không gian nào đó. Vì vậy các cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế cho các giao dịch thương mại.
Thứ tư, khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, hay một số loại thu nhập như phí bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường…
Thứ năm, do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội, nên việc quản lý chủ thể nộp thuế cũng gặp nhiều khó khăn.
Thứ sáu, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh TMĐT gặp nhiều khó khăn khi hầu hết hệ thống thanh toán theo hình thức trả tiền mặt khi giao hàng được sử dụng phổ biến, không xuất hóa đơn bán hàng nên việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.
Những giải pháp
Ngày 21-3-2022, ngành thuế khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn), và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile), cho thấy quyết tâm của ngành tài chính và thuế trong công tác quản lý tài chính quốc gia và quản lý thuế nhà nước, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.
Việc triển khai Etaxvn.gdt.gov.vn và Etax Mobile của ngành thuế, đã hình thành hệ sinh thái dịch vụ thuế thông minh, giúp các doanh nghiệp, nhà cung cấp nước ngoài và người dân dễ dàng tìm hiểu rõ hơn quy định pháp luật thuế và thực hiện việc kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế thuận lợi; góp phần giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, giúp cơ quan thuế quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp những tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác quản lý và thu thuế TMĐT trong nền KTS, cần thực hiện nhiều biện pháp. Trước hết, phải củng cố căn cứ pháp lý như sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành để có thể thực hiện việc thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với hoạt động TMĐT.
Thứ hai, ngành thuế cần tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin, hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn TMĐT...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Thứ ba, cần phối hợp với các NHTM trong việc cung cấp dữ liệu dòng tiền giao dịch chuyển từ nước ngoài về cho các tổ chức, cá nhân trong nước có nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Apple, Netflix…) do cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số.
Thứ tư, cần cụ thể hóa và có các văn bản pháp lý phù hợp để các sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm trong cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế. Ngành thuế cũng cần đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp về công nghệ thông tin, công nghệ 4.0, các công nghệ Big Data, AI… vào việc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế.
Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa các ban ngành có liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT với Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công Thương, NHNN, Cục An ninh mạng, Bộ Công an trong việc rà soát thông tin của những cá nhân có thu nhập lớn từ các nền tảng xuyên biên giới.
Những giải pháp trên, cùng với việc triển khai hoạt động của Etaxvn.gdt.gov.vn và ETax Mobile, sẽ góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động TMĐT thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.