Đăng ký và nộp thuế quá nhỏ
Theo số liệu từ báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), số thu ngân sách tháng 2-2023 do ngành thuế quản lý sụt giảm, nhiều khoản thu từ các sắc thuế đạt thấp, nhiều địa phương thu không đạt chỉ tiêu đề ra.
Sự sụt giảm ngân sách thu từ thuế có nhiều nguyên nhân, song cho thấy sự cấp bách về cải cách thuế, cải cách cơ cấu nguồn thu (hiện ngành thuế đang tiến hành), không thể chậm trễ. Một trong những nội dung đáng chú ý trong cải cách cơ cấu nguồn thu từ thuế, có thể thấy cơ quan thuế sẽ tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và thu nhập cá nhân.
Báo cáo Vietnam Digital Marketing Report 2022, ước tính doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 1,37 tỷ USD, tăng 19% so với 2021. Riêng về lĩnh vực TMĐT, theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 17-2-2023, mới có 46 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với tổng số thu lũy kế từ khi vận hành cổng này (21-3-2022) đến nay đạt trên 3.700 tỷ đồng.
Tính đến ngày 22-2-2023, mới có 295 tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin qua Cổng Thông tin điện tử. Nhìn vào số thuế thu được từ con số các chủ thể nộp thuế đăng ký vẫn như “muối bỏ bể” so với quy mô thực tế hiện nay.
Trong 3 năm qua khi dịch Covid-19 diễn ra, hoạt động bán hàng online phát triển mạnh. Các cá nhân, shop online thường xuyên thực hiện livestream bán hàng, trở thành nghề kinh doanh hái ra tiền của nhiều người, nhưng không ai biết được cơ quan thuế thu được bao nhiêu.
Đặc biệt, cơ quan quản lý thị trường nhiều tỉnh thành liên tục phát hiện các kho chứa hàng lớn có dấu hiệu hàng lậu, hàng giả mà cá nhân đó chủ yếu bán hàng online, với doanh thu hơn nhiều lần các cửa hàng bán trực tiếp. Quảng cáo bán hàng trên nền tảng Youtube (của Google) là một thí dụ.
Đối với các tài khoản Youtube ở Việt Nam, ước tính số tiền nhận được trang Social Blade ghi nhận trong khoảng 0,25-4USD cho mỗi CPM (tương đương 1.000 lượt xem). Tuy nhiên, số tiền các Youtuber nhận về không chỉ từ những quảng cáo trong các video họ đưa lên, mà cả những quảng cáo tại Việt Nam với lượng người xem đông đảo. Nhưng phần lớn các kênh này vẫn chưa được cơ quan thuế quản lý nên vẫn chưa truy thu được thuế.
Chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng nhận định trước Quốc hội: "Việt Nam đang thất bại trong việc đánh thuế TMĐT các dịch vụ trực tuyến để “bắt” những gã khổng lồ công nghệ nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế. Nguyên nhân thất thu thuế rất lớn trong lĩnh vực được người đứng đầu Bộ Tài chính nhìn nhận do các máy chủ được đặt ở nước ngoài".
Cần công cụ đủ mạnh
Theo quy định hiện nay, thuế suất thuế kinh doanh TMĐT với cá nhân, hộ kinh doanh 1,5-10%. Nếu thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu 100 triệu đồng 1 năm trở lên mới phải phải nộp thuế.
Thí dụ, người bán hàng online sẽ nộp thuế 1,5%/doanh thu (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân). Riêng người có thu nhập từ các trang mạng như Facebook, Google, Youtube... sẽ nộp mức thuế 7% trên thu nhập (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân). Giả sử thu nhập lên đến 40 tỷ đồng/năm, số thuế phải nộp khoảng 2,8 tỷ đồng.
Thế nhưng số liệu công bố khác từ Bộ Công Thương lại cho thấy sự “ảm đạm” về nguồn thu từ lĩnh vực này. Theo đó, tính riêng trong năm 2022, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ trong nước ước đạt 16,4 tỷ USD (tương đương 393.000 tỷ đồng, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước), và với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Với doanh số trên, ước tính số thuế TMĐT bán lẻ trong nước lên hơn 5.800 tỷ đồng/năm.
Nhưng trong năm 2022, số thuế thu được từ các tổ chức và cá nhân trong nước chỉ hơn 600 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về nguyên tắc các nhà cung cấp nước ngoài có kinh doanh và phát sinh doanh thu tại nước ta phải nộp thuế.
Có 2 cách để đánh thuế. Thứ nhất, người có doanh thu, tức các nhà cung cấp, tập đoàn như Google, Facebook, Youtube. Theo đó, họ sẽ thu tiền của khách hàng là tiền dịch vụ và thuế. Họ giữ lại phần tiền dịch vụ, còn phần thuế nộp cho Việt Nam.
Thứ hai, người dùng dịch vụ, tức các cá nhân, công ty ở Việt Nam. Theo đó, Facebook, Google, Youtube chỉ thu tiền dịch vụ, còn phần thuế yêu cầu bên dùng dịch vụ phải nộp. Trong trường hợp này, người dùng dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải nộp thuế. Thực tế, từ trước đến nay chúng ta thu thuế của người dùng dịch vụ, tức cách thứ 2 (thường gọi là thuế nhà thầu).
Lợi ích của cách thức này là cơ quan thuế có thể nắm được người dùng dịch vụ ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính điều này đã và đang được các gã khổng lồ công nghệ tận dụng và chuyển nghĩa vụ thuế của mình cho các khách hàng cá nhân của họ.
Theo Tổng cục Thuế, năm 2023 ngành thuế tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu. Trong đó, cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế. Cơ quan này hiện cũng đã trình báo cáo Bộ Tài chính tại Tờ trình số 08/TTr-TCT về việc thành lập “Trung tâm cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử”, để khắc phục tình trạng gian lận thuế.
Song để quản lý và thu được nguồn thuế này, đã đến lúc cơ quan thuế cần những công cụ mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Bởi lẽ, lĩnh vực TMĐT còn nhiều tiềm năng khai thác, do TMĐT ngày càng phát triển nên số thu sẽ ngày càng tăng.
Trong số hơn 53.000 người kinh doanh trên sàn TMĐT có nhiều người livestream đăng ký hoặc không đăng ký kinh doanh. Vì thế, để thu được thuế những người bán hàng trên mạng, cần sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành mới đạt được hiệu quả.
Bà NGUYỄN THỊ LAN ANH,
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DNNVV, hộ kinh doanh và
cá nhân, Tổng cục Thuế