Thất thu Thuế Thương mại điện tử do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện

(ĐTTCO) - Theo LS. NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, để chống thất thu thuế từ các hoạt động TMĐT và kinh doanh công nghệ, Chính phủ cần sớm rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế đối với giao dịch điện tử, nhằm giúp việc kê khai nộp thuế được thuận tiện. Đồng thời, tăng cường khả năng kiểm soát và ngăn ngừa các hành vi trốn thuế của các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT.
Thất thu Thuế Thương mại điện tử do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện

PHÓNG VIÊN: - Những năm qua, Việt Nam tăng cường quản lý thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài, nhưng con số thu được vẫn như “muối bỏ bể”. Ý kiến của ông về nhận định này và cách thức nào để hạn chế thất thu thuế ở mảng này?

LS. NGUYỄN THANH HÀ: - Những năm gần đây, chính sách quản lý thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, số thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới ở Việt Nam, gây thất thoát cho ngân sách, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, DN nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập DN. Các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua các ứng dụng số trên mạng internet và chuyển hàng qua chuyển phát nhanh.

Do đó, việc thu thuế gặp khó khăn do thiếu cơ chế ràng buộc khi yêu cầu các DN, cá nhân này phải có sự tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam. Đó là chưa kể đến thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn cũng rất khó làm cơ sở đánh thuế, còn nếu thanh toán qua ngân hàng sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế.

Tóm lại, nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế do hành lang pháp lý về hoạt động TMĐT chưa hoàn thiện, khiến việc quản lý đối tượng nộp thuế, các nguồn thu, kiểm soát giao dịch kinh doanh, kiểm soát dòng tiền thanh toán… gặp nhiều khó khăn. Do đó để hạn chế thất thu thuế ở mảng này, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý đối với quản lý hoạt động xuyên biên giới của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, Tổng cục Thuế cần xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; đồng thời, tăng cường thanh - kiểm tra theo kế hoạch và chuyên đề với hoạt động TMĐT, tập trung vào nhà cung cấp nước ngoài và một số chủ sàn TMĐT.

- Đến nay đã có 258 sàn TMĐT cung cấp thông tin người bán cho ngành thuế. Tuy nhiên, với môi trường mạng rộng lớn, nay đã có thông tin liệu việc thu thuế có đơn giản, thưa ông?

- So với giao dịch theo phương thức truyền thống, giao dịch điện tử nhanh chóng và tiện dụng hơn rất nhiều. Nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh, các kênh thanh toán đa dạng, người mua và người bán dễ dàng kết nối và thực hiện giao dịch.

Qua đó đem lại cho DN, cá nhân kinh doanh qua mạng internet nguồn doanh thu ổn định và ngày càng gia tăng. Trong khi đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, việc quản lý các giao dịch điện tử, trong đó có vấn đề quản lý và thu thuế phát sinh từ các giao dịch này vẫn là vấn đề còn khá mới mẻ.

Pháp luật về giao dịch điện tử nói chung, các quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế phát sinh từ các giao dịch điện tử nói riêng đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập.

Trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền còn tỏ ra khá lúng túng trong việc quản lý, hướng dẫn kê khai và nộp thuế đối với các đối tượng có liên quan, dẫn đến phát sinh những kẽ hở để DN, cá nhân kinh doanh qua mạng lợi dụng, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Có những cá nhân kinh doanh TMĐT có thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng, nhưng không kê khai và nộp thuế theo quy định. Còn cơ quan thuế gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và truy thu thuế của các cá nhân này.

Nhìn chung, chỉ một số tổ chức, DN hoạt động kinh doanh TMĐT chuyên nghiệp, có quy mô lớn, chịu sự quản lý trực tiếp của các cơ quan thuế thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định.

Trong khi đó, hầu hết tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động giao dịch điện tử chưa tự giác trong việc kê khai và nộp các loại thuế liên quan. Hàng năm, Nhà nước đang mất đi một nguồn thu ngân sách đáng kể từ các loại thuế này, và khoản thất thu này sẽ lớn hơn khi các giao dịch TMĐT ngày càng phát triển mạnh.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Chính phủ cần sớm rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế đối với giao dịch điện tử nhằm giúp cho việc kê khai nộp thuế được thuận tiện. Đồng thời, tăng cường khả năng kiểm soát và ngăn ngừa các hành vi trốn thuế của các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT.

Mặt khác, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế với ngân hàng, cơ quan quản lý chuyên ngành và các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi các thông tin về quản lý thuế, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của tổ chức, cá nhân khi phát sinh thu nhập từ các giao dịch điện tử.

- Một số người kinh doanh trên sàn TMĐT cho rằng họ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh thu chỉ vài triệu, vài chục triệu đồng nếu bị đánh thuế sẽ lỗ?

- Đã kinh doanh phải nộp thuế, nhưng nộp ở mức nào hợp lý chúng ta cần xem xét lại. Với người kinh doanh nhỏ lẻ, doanh thu dưới 100 triệu đồng chúng ta cần xem xét thêm việc đánh thuế với những đối tượng này trên sàn TMĐT.

Bởi lẽ, theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống, thuộc trường hợp không phải nộp Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập cá nhân.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách về thuế phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động TMĐT phát triển, không tạo rào cản đối với NTD.

- Xin cảm ơn ông.

Chính sách thuế đối với TMĐT cần hướng đến mục tiêu đơn giản, dễ thực hiện và giảm chi phí tuân thủ cho DN, đồng thời vẫn đảm bảo thu đúng, thu đủ số thuế cho ngân sách nhà nước.

Các tin khác