Mới đây trên kênh tiktok của mình, tiktoker P.T, một người được đánh giá rất cao trong livestream bán hàng trên các nền tảng online, cho biết có một nhãn hàng thuê P.T livestream bán hàng với giá 1 tỷ đồng/4 livestream (tương đương 250 triệu đồng/livestream). Tiktoker này đã đặt nghi vấn, nếu trong buổi livestream không bán được hàng lấy đâu bù lỗ.
Sau khi tìm hiểu, P.T cho biết đây là sản phẩm rất nổi tiếng trên thị trường, bán theo hệ thống và đặc biệt các mẹ bỉm sữa bán nhiều. Sản phẩm có giấy tờ đầy đủ nhưng P.T vẫn từ chối livestream bán hàng. Cũng theo tiktoker này, đây không phải nhãn hàng đầu tiên thuê mà nhiều nhãn hàng cũng đặt hàng, nhưng nhìn qua biết kem trộn anh không nhận.
H.L, người được cư dân mạng gọi vui với cái tên “chiến thần Review”, cũng cho biết dưới một số video về trắng da, trị mụn của mình và một số beauty blogger khác, ở phần comment không ít quảng cáo mỹ phẩm nội địa Nhật chính hãng có cả website riêng và tư vấn bán hàng qua zalo. Khi H.L đặt hàng thử mỹ phẩm của T&N, trên bao bì là “made in Vietnam”. Thậm chí địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm cũng không đúng, vì khi H.L đi thực tế địa chỉ đó là của thương hiệu khác.
Nói đến câu chuyện mỹ phẩm nội địa Nhật, trên không gian mạng có một số người sống bên Nhật cho biết, những video thu hút nhiều người xem Việt Nam đã được nhiều nhãn hàng thuê họ quảng cáo một số sản phẩm là chính hãng, được người tiêu dùng Nhật ưa chuộng (dù sản phẩm đó được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam).
Chưa hết, rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng bá ở các shop online Việt Nam là hàng đang được thị trường Hàn, Nhật ưa chuộng, chất lượng cực đỉnh, nhưng khi một số cá nhân qua tới Nhật Bản làm video thực tế, tìm sản phẩm nội địa ấy chẳng khác nào mò kim đáy biển.
Chị K.N (quận 12, TPHCM), người mới tham gia bán hàng online trên nền tảng thương mại điện tử khoảng hơn 2 năm nay, cho biết có làm rồi mới thấy quá nhiều mặt tối của kinh doanh online. Thứ nhất, cạnh tranh theo kiểu “sát phạt”, giết chết shop mới bằng cách hạ giá bán bất chấp. Người bán mới không chịu nổi phải tự đóng cửa hàng. Còn có cả việc shop này đặt mua hàng của shop kia, lấy sản phẩm bên trong ra đưa hàng giả vào và tố shop bán hàng giả…
Thứ hai, tràn lan hàng giả, nhái. Chị N cho biết nhiều shop online luôn có 2 nguồn nhập hàng: nguồn có giấy tờ (chiếm rất ít) để trưng ra cho cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, và nguồn hàng không có giấy tờ (chiếm đa số). Đáng nói, những nguồn hàng này từ đâu mà ra ngay chính người nhập hàng đôi khi cũng không nắm hết.
Khi đặt câu hỏi các chủ sàn thương mại điện tử có kiểm tra giấy tờ hay không, chị N khẳng định có, nhưng hàng còn làm giả được thì giấy tờ cũng đâu khó khăn gì khi làm giả. Đó là chưa muốn nói chủ hàng cũng như chủ đầu tư các chợ hay trung tâm thương mại làm sao thu hút càng nhiều người bán trên sàn càng tốt, nếu làm quá gắt, truy quá sát chẳng còn ai muốn mua bán kinh doanh.
Cũng theo chị N, hình thức bán hàng livestream hiện nay đang trở thành trào lưu của nhiều người kinh doanh online, mang về doanh thu lớn, thế nhưng nó cũng khiến không ít người mua rơi vào cảnh nhận hàng mà “tá hỏa” vì hàng thực không lung linh như trên livestream.
Những câu chuyện kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cũng như những chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi trên các kênh bán hàng online. Người chịu trận cuối cùng đương nhiên là người tiêu dùng khi tiền mất, sản phẩm nhận về là hàng kém chất lượng, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc nếu mua phải mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả. Còn người bán làm giàu nhanh chóng, trở thành những boss này boss kia làm chủ hệ thống cả ngàn người kinh doanh.
Những hình ảnh khoe mẽ bóng bẩy khiến không ít người trẻ ngưỡng mộ muốn bỏ việc hoặc không muốn tiếp tục học hành mà đi theo các hệ thống để kinh doanh online, nhất là những hệ thống bán mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Thậm chí không ít hệ thống còn xây dựng chuỗi người bán là các bà mẹ bỉm sữa, đánh vào khát vọng ở nhà vẫn có thu nhập rủng rỉnh của những người này, từ đó xây dựng niềm tin của người mua hàng.
Chưa hết, nhiều người bán hàng online còn tự hình thành “văn hóa” bán hàng kiểu chửi bậy, lâu dần khiến không gian mạng trở nên “ô nhiễm” nặng nề.
Khi nói về chất lượng hàng hóa và những chiêu thức bán hàng lừa đảo trên nền tảng online, nhiều người sẽ đặt câu hỏi cơ quan chức năng đang ở đâu tại sao không siết quản lý. Thực tế cơ quan chức năng có ra quân và đã có những vụ bắt những người bán hàng giả, nhái qua hình thức livestream với doanh thu cực khủng trong vài năm trở lại đây.
Thế nhưng, những lần vào cuộc ấy cũng chỉ như muối bỏ biển vì không gian mạng quá rộng lớn, công nghệ biến chuyển nhanh chóng, lượng người kinh doanh nhiều, có những người bán không dùng địa chỉ thực, bán hàng ưu tiên thu tiền mặt, hạn chế phương thức thanh toán chuyển khoản, một người bán nhiều tài khoản trên nhiều nền tảng online…
Ma trận kinh doanh online chưa được siết chặt chất lượng, một mặt gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, mặt khác làm cho doanh nghiệp, cá nhân bán hàng có uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không ít chuyên gia cho rằng vì mảng thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số còn quá mới nên việc quản lý vẫn còn nhiều lúng túng.
Điều này không sai, nhưng nếu cơ quan chức năng vẫn lúng túng kéo dài, không tìm ra phương án hiệu quả trong quản lý, những hệ lụy của kinh doanh online sẽ còn khó hình dung hơn nữa. Bởi lẽ, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số của Việt Nam liên tục ghi dấu bằng những con số ấn tượng.