Những chiêu trò đẩy giá ảo
Cách đây chưa lâu, Tập đoàn Vingroup xin chủ trương đầu tư một số trung tâm thương mại tại thị trấn Ngãi Giao, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù cơ quan chức năng mới đồng ý cho các đơn vị tham mưu nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp, nhưng cả khu vực này náo nhiệt hẳn, giá đất được “thổi” lên cao ngất.
Có mặt vào thời điểm đó, chúng tôi ghi nhận dọc trục đường nối TP Bà Rịa về thị trấn Ngãi Giao, hàng đoàn xe từ các nơi về đây xem đất. Trong các con đường đất của những rẫy ngô, sắn, cao su cũng tấp nập người, xe đi xem đất.
Sau đó doanh nghiệp không có ý định đầu tư nữa, mọi việc trở lại bình yên. Vào thời điểm sốt đất của khu vực này, nếu ai nghĩ rằng đây là cơ hội mà “ôm đất” chắc chắn sẽ “ôm hận”.
Rõ ràng, chỉ từ những thông tin đầu tư hết sức mơ hồ nhưng nhiều môi giới và giới đầu cơ cố tình đồn thổi, đưa sự thật đi quá xa, tạo tâm lý đám đông để cuốn hút mọi người vào.
Mới đây nhất là đề xuất của tỉnh Bình Phước về việc xây dựng sân bay Hớn Quản, cũng lập tức được giới cò đất đồn thổi, đẩy giá đất lên. Ông Nguyễn Khánh Quang, chuyên gia BĐS, cho rằng đó là kiểu thông tin chụp giựt, những người cả tin dễ bị cuốn vào và sa bẫy.
Theo ông Quang, giả sử dự án sân bay là có thực, nhưng khi đưa vào sử dụng, những người trực tiếp được hưởng lợi, ăn theo sân bay có được bao nhiêu. Cứ nhìn những sân bay tỉnh lẻ đã đưa vào khai thác như Chu Lai (Quảng Nam), Phú Bài (Huế), Phù Cát (Bình Định)… sẽ rõ.
Như vậy, có thể nói mua BĐS ở những khu vực sân bay để đón đầu kinh doanh là quyết định hết sức rủi ro.
Tuy nhiên, ông Quang cũng nói không thể phủ nhận các địa phương có hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ (sân bay, bến cảng, cao tốc...) sẽ thu hút được nhiều đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Từ đó kéo theo nhu cầu về nhà ở, dịch vụ thương mại, du lịch tăng, khiến giá BĐS cũng tăng.
Tuy nhiên, không đợi đến khi có dự án xây dựng sân bay, đường sá, trung tâm hành chính, mà ngay khi mới chỉ là thông tin, thậm chí chỉ là đề xuất của một cơ quan tham mưu, hay ý kiến của một cá nhân trong hội nghị, hội thảo nào đó, nhiều người đã lợi dụng để tung tin, đẩy giá BĐS nhằm trục lợi.
Không ít đối tượng dùng chiêu trò để tạo sóng, thu lợi rồi rút, để lại hậu quả nhiều mặt. Chẳng những nhà đầu tư nhỏ bị chôn vốn, mất vốn, gánh nợ ngân hàng, còn để lại những khu đất bỏ hoang, làm xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội của cả khu vực.
Rủi ro rất cao
Rủi ro rất cao
Tình trạng sốt đất xảy ra thường xuyên sẽ gây bất ổn địa phương đó, làm mất dần đất nông nghiệp, đất rừng trồng… Làn sóng nhà đầu tư đổ về mua đất rồi để đó không ở, tạo nên những thành phố hoang khi cơn sốt đi qua. TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính |
Thực tế, không ít vụ sốt đất gần đây tại các địa phương, khu vực gần đây là do cả người mua lẫn cơ quan chức năng đều thiếu chuyên nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho một số đối tượng lợi dụng, xúi giục mua đất, bán đất làm náo loạn thị trường.
Giới cò đất chuẩn bị sẵn kịch bản tung tin, kích thích mọi người có tiền lao vào cuộc tranh giành đất đai bằng cách trả giá cao hơn. Giá đất leo thang do đầu tư "lướt sóng", cứ thế "nhảy" lên, có chỗ thay đổi từng ngày, từng giờ.
Việc tạo sốt đất ảo về bản chất chỉ làm lợi cho nhóm cò mồi, còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản. Trường hợp ý tưởng quy hoạch bị bãi bỏ, "sóng" bị tắt, giá đất trở về như xưa, người mua mất tiền. Đầu tư đất đai kiểu này thành đầu tư mạo hiểm, độ rủi ro rất cao.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, cho rằng dự án sân bay tại Bình Phước không phải là “cây đũa thần” làm cho nền kinh tế của tỉnh và thị trường BĐS khởi sắc chỉ trong một thời gian ngắn. Có thể dễ dàng nhìn thấy việc xây dựng một sân bay không thể là bước ngoặt cho kinh tế toàn tỉnh.
Thứ nhất, đây mới dừng lại ở chủ trương đang đợi xem xét và phê duyệt. Thứ hai, giá thị trường BĐS tại địa phương có tăng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Ngoài những thông tin quy hoạch và dự án, những thông tin liên quan đến nền kinh tế, về tín dụng hay diễn biến có tác động đến nền kinh tế, đều có thể làm tăng giá trị tài sản và tạo ra động lực thúc đẩy thị trường.
Tuy nhiên, những yếu tố này có thể hoặc không thể ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường BĐS. Vì thế việc bùng nổ về giá chỉ vì một lý do như câu chuyện tại Bình Phước thật sự cần được cân nhắc một cách thực tế và kỹ càng.
Hậu quả của những cơn sốt đất bất bình thường để lại những “di chứng” nặng nề, nhưng tại sao hiện tượng ấy vẫn diễn ra?
Ông Dương Minh Tiến, Chủ tịch CTCP BĐS ASEAN Newtimes, cho rằng trong số người tham gia đầu tư có những người bị lôi cuốn, có những người biết rõ nhưng với suy nghĩ lướt sóng để kiếm lời ngắn hạn. Do đó nếu không thoát ra kịp sẽ để lại những hậu quả nặng nề.
“Thị trường BĐS cần những dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch để nhà đầu tư có thể yên tâm với sản phẩm của mình đầu tư, cũng như góp phần làm cho thị trường phát triển bền vững” - ông Tiến chia sẻ.