PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông so với giai đoạn 2009-2010 các biện pháp nhằm giải cứu nền kinh tế hiện nay có gì khác biệt?
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: - Giai đoạn 2009-2010 nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009. Khi đó, các biện pháp chúng ta đã làm ngược với hiện nay. Tức chính sách của ta là kích thích doanh nghiệp (DN), không phải kích thích thị trường.
Chúng ta tập trung hỗ trợ phần cung nhằm cứu nguy cho DN khỏi bị thua lỗ, phá sản. Trong giai đoạn hiện nay, xét về tính chất cũng tương tự, nghĩa là Nhà nước buộc phải can thiệp mạnh vào nền kinh tế để cứu DN và điều tiết thị trường.
Điều khác biệt là chúng ta đã rút kinh nghiệm giai đoạn 2009-2010 khi kích thích cả 2 phía: vừa đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN duy trì cung, đồng thời đưa ra những biện pháp kích thích thị trường để kích cầu.
Thực tế nhiều nước trên thế giới đều làm như vậy và đây là nguyên lý kinh tế. Bởi không thể cứu nguy thị trường hay cả nền kinh tế khi chỉ kích cung mà bỏ qua kích cầu.
Vấn đề quan trọng hơn các biện pháp giải cứu kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng 2009-2010, về thực chất có thể nói là kích cầu nhưng chỉ đi vào phần nổi, tức phần vĩ mô nhiều hơn, không có những biện pháp cụ thể, sát sườn ở tầm vi mô.
Có nghĩa chúng ta chỉ nới lỏng chút ít về chính sách tài khóa và tiền tệ, nên kích cầu khi đó mang hàm ý kinh tế vĩ mô, song lại thiếu rất nhiều chính sách, biện pháp kèm theo, tức đã bỏ qua nhiều yếu tố cần thiết của thị trường.
Tôi cho rằng điểm nghẽn lớn nhất hiện nay trong chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa nằm ở việc định hướng sản xuất của nền kinh tế. Vì định hướng sản xuất của chúng ta lâu nay dường như không định hướng vào thị trường trong nước, mà chủ yếu định hướng sản xuất để xuất khẩu.
Bằng chứng rõ nét nhất cho việc này là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thời điểm lên đến hơn 200% GDP. Tóm lại, nền kinh tế hiện nay của Việt Nam là định hướng cho xuất khẩu, không nhắm đến thị trường trong nước. Thị trường trong nước về cơ bản vẫn mang tính tự phát. Đây là hạn chế lớn nhất khi chúng ta áp dụng chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa hiện nay.
- Các nhóm giải pháp nhằm giải cứu nền kinh tế đang bám sát các yếu tố thị trường hơn và đòi hỏi chúng ta phải chuyển hướng sản xuất. Vậy những biện pháp cụ thể là gì, thưa ông?
- Thứ nhất, giải quyết vấn đề cung. Hiện nay chúng ta đang có một bộ phận sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu nhưng không xuất được. Bộ phận này buộc phải chuyển hướng sang thị trường trong nước.
Ngoài ra, khá nhiều nhu cầu của thị trường chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Trong điều kiện hiện nay, việc nhập khẩu tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Do đó, các hoạt động kinh doanh, sản xuất phải hướng vào thị trường trong nước.
Thứ hai, chú trọng đến nhu cầu. Thị trường trong nước hiện nay có đặc thù khác với những định hướng chiến lược trước đó. Đầu tiên phải xác định nhu cầu cụ thể của thị trường trong nước là gì.
Đơn cử, cùng một loại hàng hóa hay nhóm sản phẩm về chất lượng lại khác nhau. Hay nhu cầu du lịch là có thực sự, nên sau khi đợt dịch lần thứ nhất tạm thời được kiểm soát, chúng ta có chính sách kích cầu du lịch nội địa.
Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát cầu này không còn nữa, buộc phải chuyển hướng kích cầu sang nhu cầu khác. Điều này căn cứ vào việc đánh giá và phát hiện nhu cầu cụ thể của thị trường trong nước, để từ đó có thể đáp ứng được.
Thứ ba, giải quyết vấn đề giá cả. Hiện nay lạm phát của ta không phải cao nhưng một số loại hàng hóa giá vẫn cao. Do đó, để kích thích tiêu dùng nội địa, phải tìm ra mức giá phù hợp đối với nhu cầu của thị trường.
Muốn thế, DN sản xuất buộc phải định hướng lại sản xuất, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Ở đây có hàng loạt vấn đề được đặt ra.
Thí dụ, thời gian qua bàn thảo rất nhiều về giá bán điện, nên Bộ Công Thương phải đưa ra được giá bán điện sao cho phù hợp đang là vấn đề khá phức tạp. Ngoài ra, còn rất nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác đều đang cùng chung những vướng mắc trên cần phải tháo gỡ.
- Việc làm và thu nhập người lao động bị suy giảm do tác động của dịch Covid-19 đang là khó khăn cho chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa. Theo ông nên giải quyết theo hướng nào?
- Một trong những hạn chế hiện nay đó là vấn đề thu nhập, hay đúng hơn là khả năng thanh toán sau khi đã dùng các biện pháp để kích cầu tiêu dùng trong nước. Khả năng thanh toán liên quan đến rất nhiều thứ như việc làm và thu nhập, giá cả, tín dụng tiêu dùng…
Trong đó, tiêu dùng phải đặt trong bối cảnh việc làm và thu nhập của bộ phận lớn người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, để từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể.
Gần đây chúng ta nói nhiều đến đẩy mạnh phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng để kích cầu, song nếu vẫn duy trì cách làm của thị trường tín dụng tiêu dùng như trước đây sẽ rất khó để phát triển.
Do đó, nên có những cách tăng khả năng thanh toán cho người tiêu dùng, như linh hoạt hơn về thủ tục, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm dịch vụ tín dụng, phân khúc các thị trường rõ ràng… Tín dụng tiêu dùng cũng là kênh có thể sử dụng để làm chất xúc tác cho kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này.
Đối với vấn đề thu nhập người lao động bị hạn chế bởi dịch Covid-19 dẫn đến niềm tin tiêu dùng bị sụt giảm, đòi hỏi chính sách an sinh xã hội, các gói cứu trợ của Chính phủ cần phải rà soát lại, để vực dậy niềm tin tiêu dùng cũng như tăng khả năng thanh toán cho người dân.
Kích cầu thị trường nội địa không thể nói hay làm khơi khơi, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống với những biện pháp cụ thể lẫn đồng bộ. Bởi chúng ta là thị trường khá rộng gần 100 triệu dân, với những biến động về tiêu dùng, về thu nhập và cả niềm tin tiêu dùng khi dịch bệnh xảy ra.
- Xin cảm ơn ông.