Chiều 29/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để cho ý kiến về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; tổng số vốn được phép phân bổ là 2,72 triệu tỷ đồng.
Đến nay, tổng số vốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là hơn 2,4 triệu tỷ đồng, còn lại 292,6 nghìn tỷ đồng.
Theo quy định tại Điều 60, 67 và 78 Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ số vốn còn lại chưa phân bổ cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương và theo ngành, lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, trong lần trình này, Chính phủ trình phương án phân bổ hơn 107,25 nghìn tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo từng ngành, lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương còn lại đã bám sát định hướng đầu tư ngành, lĩnh vực quy định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, trong đó giao thông tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 67,9% tổng số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa phân bổ), phần còn lại ưu tiên cho các lĩnh vực thiết yếu như quốc phòng; giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, văn hóa thông tin; công nghệ thông tin và phát thanh truyền hình.
Trong đó có một số nội dung như bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP ngày 16/07/2021; bố trí vốn để thực hiện dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; bố trí vốn cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện dự án Cải tạo, mở rộng quốc lộ 46 đoạn Vinh-Nam Đàn; bố trí cho dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình); dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; vốn để tập trung cho nhiệm vụ dự án thuộc ngành văn hóa, giáo dục đào tạo và công nghệ thông tin…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án dự kiến bố trí từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ đã bám sát nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15 và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó có 47 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; 46 dự án với số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa có thủ tục đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đối với số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa phân bổ chi tiết, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ. Đồng thời, Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ cho các dự án đã đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 52 của Luật Đầu tư công.
Đối với các dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ là đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội.
Liên quan đến nội dung Chính phủ trình phân bổ số vốn hơn 107,25 nghìn tỷ đồng, ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ: Đối với các dự án đã đủ điều kiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ giao kế hoạch vốn cho từng dự án theo quy định. Đối với các dự án chưa đủ điều kiện, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để giao số kiểm tra, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, việc giao số kiểm tra thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, do đó, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cho ý kiến về vấn đề này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch vốn theo đúng quy định.
Đối với việc phân bổ tổng số vốn cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương: theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 60 Luật Đầu tư công, Quốc hội có thẩm quyền quyết định tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, dự kiến mức phân bổ cho từng bộ, cơ quan trung ương...
Tuy nhiên, tại Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội quy định về khoản vốn chưa phân bổ, đồng thời, khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 29/2021/QH15 quy định giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho từng dự án. Đa số ý kiến cho rằng, theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 29/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến phân bổ khoản vốn chưa được Quốc hội phân bổ là phù hợp, nhằm đáp ứng tính cấp bách, kịp thời hoàn thành việc phân bổ, giao vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Vì vậy, nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ban hành Nghị quyết để phân bổ chi tiết theo ngành, lĩnh vực đối với số vốn này và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất (Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV).