Điều này thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ là tập trung chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, không để người bệnh mà không được chữa trị kịp thời.
Thực tế, cao điểm đợt dịch Covid-19 năm 2020-2021, ngành dược trong nước gần như đã dốc hết sức để phần nào cứu giúp người dân ở mức có thể: tăng công suất, tăng đầu tư, nhập khẩu, cải tiến kỹ thuật… Dịch được kiểm soát cũng là lúc rộ lên khuất tất trong mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, kit test… bị lộ. Nhiều công ty dược, kể cả lãnh đạo bệnh viện có tâm lý rụt rè! Và nay, trước diễn biến đồng USD nhảy múa mà đặc thù ngành dược nhập khẩu 90% nguyên liệu và 50% thành phẩm, khiến nhiều doanh nghiệp dược chao đảo. Trong khi, kế hoạch dự trù, đấu thầu mua sắm của các cơ sở khám chữa bệnh hoặc là chưa xong thủ tục hoặc “bể” thầu.
Mặc dù tháng 8 vừa qua, Bộ Y tế đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia cho giai đoạn 2022-2023 với 3 gói thầu có tổng giá kế hoạch 7.630 tỷ đồng, nhưng khả năng các đơn vị trúng thầu chưa thể cung cấp sớm được do phải còn qua nhiều khâu thủ tục. Không ít doanh nghiệp dược cũng thẳng thắn rằng giá USD đã vượt quá mức dự kiến, làm vỡ mọi kế hoạch kinh doanh, giá trúng thầu được tính toán không còn phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế.
Trong khi, thuốc là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, giá thuốc được kê khai ở mức hợp lý với các chi phí đầu vào và được Bộ Y tế phê duyệt. Theo tính toán của các doanh nghiệp dược, dù Bộ Y tế tháo gỡ khó khăn khi cho gia hạn hơn 10.000 số đăng ký thuốc, vaccine, sinh phẩm (tính cả 3 đợt) đến hết 31-12-2022 nhưng với chi phí đầu vào hiện nay thì vẫn rất băn khoăn để sản xuất lẫn nhập khẩu. Vì vậy, những hợp đồng trúng thầu cung cấp thuốc cho cơ sở khám chữa bệnh cũng nhỏ giọt, thậm chí… đứt hàng.
Trong khi đó, sau hàng loạt vụ đặt máy, cho thuê thiết bị, liên doanh liên kết bị “bắt giò”, các bệnh viện hiện cũng “co giò” lại. Nói như ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Đoàn ĐBQH TPHCM) thì ngay cả bóng đèn máy CT cũng đã 8 tháng mà Bệnh viện Chợ Rẫy chưa thay được bởi vướng cơ chế. Với “đặc thù” liên doanh liên kết đặt máy trong các bệnh viện là độc quyền hóa chất, độc quyền chính hãng nên không được chỉ định mua thì đành “bó tay”, từ đó việc khám chữa bệnh cho người dân cũng bị “bó” theo.
Đó cũng chính là những bất cập của xã hội hóa, tự chủ trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập, của cơ chế “chọn giá rẻ nhất, thấp nhất” trong đấu thầu mà ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM (Đoàn ĐBQH TPHCM) chỉ ra rằng: vẫn cứ loay hoay mãi nên hậu quả là hiện nay thuốc thiếu, vật tư y tế thiếu!
Từ thực tế bệnh viện “đói” thuốc, vật tư y tế hiện nay, trước nguy cơ sinh mệnh bao người thoi thóp, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sớm tham mưu Chính phủ có những quyết sách đặc thù như hỗ trợ tỷ giá USD, cho vay/mua USD ưu đãi, hỗ trợ thuế, chi phí đầu vào… cho các công ty sản xuất, kinh doanh dược, vật tư y tế. Mặt khác, có cơ chế để nhập khẩu những mặt hàng thuốc hiếm, thuốc đặc trị đang cạn kiệt; tạo cơ chế mua sắm thông thoáng, giảm bớt thủ tục để các cơ sở khám chữa bệnh mua sắm thuận lợi mà không bị ràng buộc quá khắt khe với hàng rào quy định…
Sở Y tế các địa phương chủ động chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh rà soát các nhóm thuốc, hoạt chất, vật tư thiếu hụt để tổng hợp, trình chính quyền địa phương mua sắm. Riêng Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược cùng các công ty sản xuất thuốc, nhập khẩu, phân phối vật tư y tế kết nối các đối tác tin cậy để không bị đứt gãy nguồn hàng.
Và trên hết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sớm có những hướng dẫn linh hoạt tháo gỡ để sở y tế và chính quyền các địa phương nhanh chóng lập kế hoạch dự trù, tổ chức đấu thầu mua sắm sớm. Có sự “hồi sức tích cực” như vậy mới mong không để thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài làm ảnh hưởng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.