HoReA đề xuất loạt biện pháp cứu nguy cho DN BĐS thiếu vốn

(ĐTTCO)- Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) kiến nghị ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS), nhà đầu tư, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giữa bối cảnh thị trường đang quay quắt vì "khát vốn".

HoReA đề xuất loạt biện pháp cứu nguy cho DN BĐS thiếu vốn
Theo Horea, thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp đều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nếu được vay tín dụng thì phải chịu lãi suất cao hơn trước đây.
Cụ thể, các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS hiện nay khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác như: Các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán đang phải đối mặt với tình trạng thị trường chứng khoán bị sụt giảm; Đồng thời, các doanh nghiệp BĐS cũng khó huy động vốn ứng trước của khách hàng do thị trường đang có dấu hiệu “trầm lắng”, giao dịch sụt giảm dẫn đến rủi ro bị mất thanh khoản là nỗi lo lớn nhất của các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI trong 9 tháng đầu năm 2022 vào BĐS đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 19% nguồn vốn FDI và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 (1,8 tỷ USD), nhưng lại chủ yếu tập trung vào thị trường BĐS công nghiệp và một số tập đoàn BĐS lớn, còn đa số doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn FDI.
Từ những phân tích vừa nêu, HoREA đề nghị NHNN và Chính phủ xem xét có thể nới trần (nới room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh Văn bản số 437/TTGSNH-TTr1 ngày 25-4-2022 của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM và quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại, nên sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN để cho phép các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Các tin khác