Huy động vốn và nguồn lực địa phương vào quản lý, bảo trì quốc lộ

(ĐTTCO)-Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc phân cấp cho cấp tỉnh tham gia quản lý, bảo trì Quốc lộ góp phần phát huy vốn, nguồn lực tại chỗ của các địa phương.
Hàng năm vốn bảo trì cần khoảng 25.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách Trung ương cấp khoảng 10.000 tỷ đồng, mới đáp ứng 40% tổng nhu cầu quản lý, bảo trì Quốc lộ. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Hàng năm vốn bảo trì cần khoảng 25.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách Trung ương cấp khoảng 10.000 tỷ đồng, mới đáp ứng 40% tổng nhu cầu quản lý, bảo trì Quốc lộ. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Hiện nay, nguồn vốn rót xuống cho quản lý, bảo trì Quốc lộ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Do đó, phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý và khai thác kết cầu hạ tầng giao thông cho địa phương sẽ huy động vốn và nguồn lực các tỉnh vào bảo dưỡng các tuyến quốc lộ, giúp nâng cao chất lượng đường bộ.

Địa phương cần “góp gạo thổi cơm chung”

Trong tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải về Đề án phân cấp và phân quyền trong công tác quản lý và khai thác kết cầu hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng đường cao tốc khoảng 2,5 triệu tỷ đồng.

Nhu cầu đầu tư cho các tuyến quốc lộ bao gồm nâng cấp đảm bảo nhu cầu vận tải từng tuyến, nâng cấp đạt quy mô quy hoạch, đầu tư bổ sung cho các đoạn tuyến quốc lộ kéo dài được xác định vào khoảng 655.031 tỷ đồng.

Mặt khác, hàng năm vốn bảo trì cần khoảng 25.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách Trung ương cấp khoảng 10.000 tỷ đồng, mới đáp ứng 40%.

Trong những năm tới, theo quy hoạch chiều dài quốc lộ tăng thêm hơn 4.800km đồng thời các dự án cao tốc phía Đông, các cao tốc khác đầu tư bằng ngân sách Trung ương hoàn thành, ông Huyện thừa nhận nhu cầu vốn bảo trì và quản lý khai thác sẽ còn tăng cao.

Do đó, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương, các nguồn vốn do Bộ Giao thông Vận tải huy động, cần có sự tham gia từ nguồn vốn ngân sách của các địa phương, hoặc địa phương huy động để thực hiện quy hoạch.

“Giải pháp phân cấp, phân quyền để Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tham gia quản lý, khai thác quốc lộ là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế. Việc này sẽ giúp tăng cường huy động vốn và các nguồn lực của địa phương, thành phần kinh tế để tham gia đầu tư phát triển, quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì hệ thống đường bộ quốc gia; tạo điều kiện cho địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực vận tải đường bộ,” ông Huyện khẳng định.

Phía Tổng cục Đường bộ cũng khuyến nghị cần có giải pháp để việc quản lý, tổ chức giao thông và bảo trì trên hệ thống quốc lộ phải thống nhất, đồng bộ, hiệu quả đồng thời cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật để có căn cứ thực hiện.

Chỉ giao quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ liên kết các tỉnh

Về các phương án phân quyền, phân cấp trong quản lý, khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, Tổng cục Đường bộ cũng định hướng phân quyền quản lý khai thác quốc lộ, phân cấp theo 2 phương án.

Phương án 1: Phân quyền, trách nhiệm quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì triệt để đối với toàn bộ quốc lộ, đường cao tốc hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý (gồm các tuyến đường sử dụng ngân sách Nhà nước bảo trì và các tuyến đường BOT), các dự án giao thông đang đầu tư, sau khi hoàn thành bàn giao cho tỉnh quản lý, khai thác.

Với phương án này, ông Huyện đánh giá những hạn chế về việc phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Giao thông đường bộ và nhiều Nghị định, Thông tư.

Mặt khác, hệ thống quốc lộ không được quản lý thống nhất dẫn đến hạn chế trong việc liên kết vùng, miền, kết nối giữa các địa phương, các phương thức vận tải và các khu vực hải cảng, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các hiệp định vận tải đường bộ, các hợp tác quốc tế về giao thông vận tải và phát triển hạ tầng đường bộ.

Phương án 2: Phân quyền cho cấp tỉnh quản lý, bảo trì các quốc lộ liên kết các tỉnh, quốc lộ có vị trí ít quan trọng hơn với tổng số 144 tuyến quốc lộ và tổng chiều dài 16.006km (chiếm 53,8%).

Với các phương án này, cấp tỉnh sau khi nhận phân cấp, phân giao nhiệm vụ hoặc phân cấp lại cho cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải trực thuộc (các Sở Giao thông Vận tải) để trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì; lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu để thực hiện; tiếp nhận dự toán từ Bộ Giao thông Vận tải để tổ chức thực hiện dự toán và quản lý theo quy định.

Huy dong von va nguon luc dia phuong vao quan ly, bao tri quoc lo hinh anh 1
Huy động vốn và nguồn lực địa phương vào quản lý, bảo trì tuyến quốc lộ sẽ giúp nâng cao kết câu hạ tầng đường bộ. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Trên cơ sở đó, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét lựa chọn phương án 2 định hướng phân quyền cho cấp tỉnh tổ chức quản lý, bảo trì 16.000km của các tuyến quốc lộ liên kết các tỉnh, quốc lộ không đóng vai trò quan trọng trong liên kết vùng và các quốc lộ khác.

Trong thời gian xây dựng các Luật và văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phân quyền theo định hướng trên, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng ban hành Thông tư phân cấp quản lý, khai thác quốc lộ cho các tỉnh đối với các quốc lộ hiện nay đang ủy quyền quản lý cho các Sở Giao thông Vận tải; Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn lập và quản lý thực hiện dự toán kinh tế sự nghiệp đường bộ từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Trung ương bảo trì quốc lộ.

Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành thực hiện các thủ tục để triển khai thực hiện phân cấp và phân quyền cho các tỉnh trong công tác quản lý và khai thác kết cầu hạ tầng giao thông ngay trong quý 3/2022.

Các tin khác