Các nước tham gia ban đầu gồm Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ. 13 nền kinh tế này cộng lại tương đương với 40% GDP thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến tại lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực; đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên nền tảng của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm.
Song câu hỏi nhiều người đặt ra IPEF là gì? Việt Nam đứng trước thách thức và cơ hội nào khi là 1 trong 13 thành viên tham gia ngay từ đầu quá trình khởi động thảo luận để thành lập khuôn khổ kinh tế mới này?
Khung kinh tế IPEF do chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng, được xem là một bộ phận quan trọng, cùng với trụ cột an ninh của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khuôn khổ này sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính để thiết lập các cam kết tiêu chuẩn cao.
Trụ cột đầu tiên là thương mại, trong đó có kinh tế kỹ thuật số. Trụ cột thứ 2 là chuỗi cung ứng. Trụ cột thứ 3 là năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và cơ sở hạ tầng thúc đẩy việc làm lương cao. Trụ cột thứ 4 là thuế và chống tham nhũng. Mỹ đã tiến hành tham vấn với các nước khu vực từ cuối 2021 và đây là quá trình không dễ dàng, dù chính các nước khu vực, nhất là ASEAN, từ lâu yêu cầu Mỹ cần bổ sung trụ cột kinh tế song hành với an ninh, đặc biệt sau khi Mỹ rút khỏi TPP (nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP) vào đầu năm 2017 vì những vấn đề chính trị nội bộ.
Khi đó, CPTPP là một hiệp định thương mại nên quá trình đàm phán và phê chuẩn đòi hỏi thông qua nhiều cấp, trong đó có Quốc hội Mỹ. Nên giả sử bên cơ quan hành pháp muốn đưa nước Mỹ quay lại CPTPP rất có thể sẽ gặp phải sự phản đối của Quốc hội. Trong khi IPEF được thiết kế theo hướng hành pháp, đặt dưới quyền của Tổng thống, nên quá trình thảo luận và phê chuẩn sẽ tập trung đầu mối hơn.
Dù IPEF chưa phải là một thỏa thuận thương mại kiểu như CPTPP, nhưng cũng sẽ mở ra cơ hội mới giữa các nước hợp tác với Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới, mà trước hết là về gắn kết các chuỗi cung ứng, công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số chất lượng cao, bền vững. Đây là những lĩnh vực kinh tế của tương lai.
Điều dễ nhận thấy là IPEF có tới 7 nước trong ASEAN, nghĩa là Mỹ muốn khởi đầu khuôn khổ kinh tế mới này, trước hết với các nước chủ chốt ở khu vực Đông Nam Á. Và so với CPTPP, IPEF có thêm một số nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Hàn Quốc… Các nước tham gia hội đàm để thành lập khung kinh tế mới này, xuất phát từ lợi ích của mình, sẽ có những mối quan tâm khác nhau.
Bên cạnh cơ hội còn có những lo ngại về “bẫy cạnh tranh nước lớn”. Thí dụ, về phía Trung Quốc, rất có thể giới chuyên gia nước này sẽ nhận định IPEF là một cách để Mỹ “lôi kéo” các nước về kinh tế, thương mại, công nghệ. Như vậy, cách ứng xử phù hợp chính là cách ASEAN đã áp dụng: “Chơi được với cả 2, tranh thủ mặt phù hợp của mỗi bên”.
Lễ công bố khởi động thảo luận Khung kinh tế IPEF là bước tham vấn chung, sau đó các nước sẽ đi vào thương lượng cụ thể. Đây là một sáng kiến mở, nghĩa là có thể mời các nước khác tham gia sau này. Việt Nam tham gia ngay từ đầu quá trình tham vấn là điều rất tốt, vì có thể góp phần định hình “luật chơi” và “cuộc chơi” IPEF, tranh thủ mặt phù hợp của các sáng kiến khác nhau, bao gồm CPTPP và RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand).
IPEF có cả giá trị về địa kinh tế và về địa chiến lược, điều các nước cần và có thể tranh thủ. Tuy nhiên đây mới chỉ là sự khởi đầu, cần có thời gian để quan sát thêm sự vận động của Khung kinh tế mới này.