Italia - Xoay sở cải cách lại bộ máy

(ĐTTCO) - Italia sẽ xoay sở để khởi động lại nền kinh tế của đất nước thông qua các cải cách kinh tế và bộ máy chính phủ, hay Covid-19 sẽ đẩy đất nước vào cuộc suy thoái dài hạn? 
Sa sút nghiêm trọng
Italia đang phải đối mặt với sự sụp đổ kinh tế chưa từng có - hệ quả của đại dịch Covid-19. Vậy đất nước hình chiếc ủng này sẽ tận dụng cuộc khủng hoảng để thực hiện thay đổi thực sự, tạo ra tăng trưởng kinh tế chưa từng có, hay sẽ phung phí hàng tỷ đồng để đất nước chìm đắm? Ủy ban châu Âu (EC) đã soạn một bản đồ để theo dõi triển vọng kinh tế châu Âu. Hiện tại, chỉ có một điểm đỏ sậm trên bản đồ là Italia. Tất cả quốc gia khác được vẽ bằng màu nhạt hơn. EC dự đoán GDP của Italia sẽ giảm 11,2% trong năm nay, mức giảm kinh tế kỷ lục theo tiêu chuẩn châu Âu. "GDP thực tế của Italia dự kiến không trở lại mức 2019 vào cuối năm 2021” - EC cảnh báo viết.
Italia - Xoay sở cải cách lại bộ máy ảnh 1 Một bãi biển ở Sicily trong những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
So với các nước châu Âu khác, Italia bị coronavirus tấn công sớm hơn và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Họ đã phải đưa đại dịch vào tầm kiểm soát với những biện pháp có thể là khó khăn nhất ở châu Âu. Bây giờ họ bị buộc phải cân nhắc cẩn thận, suy nghĩ lại về bản sắc và tìm kiếm vai trò của mình trong thế kỷ 21 so với các nước đối tác EU khác. Hiện cán cân quyền lực đang dịch chuyển ở Italia, với sự cân bằng thay đổi giữa phe dân túy cánh tả, cánh hữu và phái trung dung. Trong nhiều tuần, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Conte đang lao dốc. Điều này có nghĩa đa số người dân mong muốn đất nước phải cải cách triệt để.
Trong khi đó, mối quan hệ phức tạp với EU đang làm đảo lộn chính trị Italia. Khi bắt đầu đại dịch, nhiều người đã mệt mỏi với EU vì cảm thấy bị các nước đối tác bỏ rơi. Phần lớn người Italia thậm chí muốn rời khỏi EU. Tuy nhiên, với hàng tỷ EUR được chuyển đến Italia như một phần của quỹ phục hồi EU, bầu không khí chính trị đang thay đổi. Dù vậy, vẫn chưa rõ liệu điều này có dẫn đến sự đồng thuận quốc gia trong cải cách kinh tế. Bởi trong khi miền Nam đất nước nghèo hơn nhưng đã xử lý đại dịch tốt hơn, nay lại phải hỗ trợ cho những sai lầm của miền Bắc vốn mạnh hơn về kinh tế.

Thách thức sau 1 đêm
Nhiều năm trước đại dịch là câu chuyện thành công đối với miền Bắc Italia. Khu vực này đã trở thành một trong những nơi giàu có và hiện đại nhất ở châu Âu. Nhiều doanh nhân đã lo lắng về chính phủ yếu kém, bộ máy quan liêu kém hiệu quả và nền tư pháp chậm chạp. Nhưng dường như không có gì đe dọa sự bùng nổ. Còn bây giờ, gần như chỉ sau 1 đêm, Italia đã trở thành con nợ ròng của EU, và có lẽ sẽ là nước nhận viện trợ lớn nhất. Các ngành sản xuất đã sụp đổ và thất nghiệp dự kiến đạt 12,4% vào cuối năm nay, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Điều này sẽ quét sạch tất cả sự tăng trưởng đã đạt được trên thị trường lao động trong 4 năm qua.
Lấy thành phố Vittorio Veneto làm thí dụ. Công ty Lanificio Bottoli, có lẽ là nhà máy kéo sợi len lâu đời nhất vẫn hoạt động ở Italia, nằm ở rìa phía Nam của dãy núi Alps. Tất cả nhà máy kéo sợi khác trong thành phố đã đóng cửa từ lâu. Roberto Bottoli, 73 tuổi, tự xâu các sợi màu khác nhau lại với nhau, trước khi chúng chạy qua khung dệt. Ông đã làm điều này trong hơn 50 năm. Dù không dễ dàng, công việc vẫn diễn ra tốt đẹp cho đến tháng 2. "Có rất ít cừu ở Italia ngày nay” - con trai Ettore của Bottoli giải thích. Và điều đó cũng có nghĩa ít len cho nhà máy dệt. 
Người đàn ông 33 tuổi này đã dành 10 năm làm việc cho các công ty thời trang ở London và New York. Khi anh trở lại Vittorio Veneto, mọi người nói rằng anh bị điên. Bây giờ anh phải giải quyết các vấn đề mà bạn bè của anh ở Manhattan có lẽ chưa bao giờ nghe nói đến, nhưng anh vẫn thích nó. "Nhiều người chăn cừu đã mệt mỏi với việc dọn dẹp chuồng vào lúc 3 giờ sáng nhưng rất khó tìm công nhân" - anh nói.
Nhưng đó là những lo lắng nhỏ so với cuộc khủng hoảng do coronavirus gây ra. Việc dừng sản xuất bắt buộc trong thời gian giãn cách xã hội đã hủy hoại công việc, theo lời ông Roberto Bottoli. Trên hết, có ít khách du lịch hơn, ít khách hàng hơn trong các cửa hàng sang trọng tại các sân bay và trong các trung tâm thành phố từ Milan đến New York. "Nếu các cửa hàng không bán được nhiều, họ cũng sẽ đặt hàng ít hơn từ chúng tôi trong năm tới. Toàn bộ ngành công nghiệp đang phải đối mặt với sự thiếu hụt sản xuất" - ông Bottoli nói.
Để đáp lại điều đó, ông đã gửi bức thư khẩn cho Thủ tướng Conte hồi tháng 4. Bottoli, người đại diện cho khu vực 100.000 người trong Hiệp hội Chủ Lao động Khu vực, đã viết ngành may mặc Veneto đang bị đe dọa bởi một "cuộc tắm máu”. Ông lưu ý các công ty đã xoay sở để tồn tại trước toàn cầu hóa và cạnh tranh không lành mạnh và họ không thể bị chết ngay bây giờ vì ngừng sản xuất. "Đừng đánh gục chúng tôi" - ông khẩn khoản. Nhưng ông vẫn chưa nhận được hồi âm. Và nhà sản xuất hàng dệt may Roberto Bottoli cũng không mong đợi nhiều từ các chính trị gia, ông nói: "Sự hỗ trợ chủ yếu là từ ngữ, nhưng trong thực tế ít xảy ra".

Cơ hội chót?
Italia dự kiến trình bày các kế hoạch cải cách cụ thể tại Brussels vào tháng 10. Song những tuyên bố mơ hồ của chính quyền đương nhiệm cho thấy Rome luôn gây “ấn tượng” về các cơ hội bị bỏ lỡ. Hệ thống đảng cũ của Italia sụp đổ khoảng 30 năm trước. Nhưng các chính trị gia đã không tận dụng lợi thế của sự khởi đầu mới đó để vượt qua các cải cách chính trị. Thay vào đó họ có Silvio Berlusconi. Tiếp đó là những cuộc suy thoái nghiêm trọng xảy ra sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, sự sụp đổ của Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng đồng euro. Nhưng người Italia vẫn không thực hiện các bước để cải cách đất nước.
Vì vậy, đây có lẽ là cơ hội chót. Tại Siracusa, Thị trưởng Francesco Italia tin rằng chỉ có cách duy nhất để lấy lại lòng tin của mọi người. “Chính phủ cần đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục, y học, nhà ở. Họ cũng phải chứng minh rằng đang quan tâm đến người dân của mình. Điều này cần phải được thực hiện nhanh chóng. Chúng tôi không còn thời gian” - ông Italia nói. 

Các tin khác