Theo quy định của Luật Thủy sản, ngư dân trước khi ra khơi khai thác phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ gồm: đăng ký tàu, đăng kiểm tàu, giấy phép khai thác còn thời hạn, có trang thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi như phao, neo…
Đặc biệt khi ra khơi, ngư dân phải khai thác đúng nghề được cho phép trong giấy phép khai thác; không được khai thác sai vùng, sai tuyến; không sử dụng mìn, chất nổ cũng như sử dụng những ngư cụ mang tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lưu ý, tàu có chiều dài từ 15m trở lên chỉ được khai thác ở vùng khơi; tàu từ 12 - 15m chỉ khai thác ở vùng lộng, tàu dưới 12m chỉ khai thác ở vùng bờ. Nếu khai thác sai vùng, sai tuyến sẽ vi phạm pháp luật. Trước khi ra khơi, tàu cá khai thác vùng khơi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì hoạt động từ lúc xuất bến đến khi cập bến. Ngư dân khi khai thác trên biển phải ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác.
Đây là việc quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngư dân không được sử dụng lao động là trẻ em vì đây là quy định đối với các nước có nghề cá để đảm bảo đúng theo quy định về luật lao động.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: "Nghị định 42 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã quy định rất rõ 14 hành vi vi phạm trong khai thác bất hợp pháp.
Nếu ngư dân vi phạm 1 trong 14 hành vi này sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Các địa phương cần tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ những quy định của pháp luật. Khi đã tuyên truyền mà ngư dân vi phạm, cố tình vi phạm, đặc biệt là tái phạm thì sẽ phải xử phạt nghiêm. Hiện nay, mức xử phạt trong Nghị định 42 cao, gấp từ 5 đến 10 lần so với Nghị định 103 trước đây quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản".