Kênh vốn trung, dài hạn vẫn phụ thuộc ngân hàng

(ĐTTCO) - Trên lý thuyết, doanh nghiệp (DN) cần vốn sẽ tìm đến NH để vay vốn ngắn hạn, và thị trường chứng khoán (TTCK) như cổ phiếu (CP), trái phiếu (TP) để huy động vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, NHTM đang “gánh” tất cả nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG

Tín dụng vẫn là trụ cột

Việc NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 1,5-2% đầu tháng 12 đã có hiệu quả, xóa tan không khí ngột ngạt của việc cạn room tín dụng bao trùm nền kinh tế mấy tháng qua. Thị trường mấy tháng trước, như TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ví von như đám ruộng khô do thiếu nước, trong khi ngay bên cạnh là hồ chứa nước rất lớn. Nước từ hồ không chảy vào ruộng do kênh dẫn nước bị nghẽn. Điều này ám chỉ nghẽn ở đây do NH cạn room tín dụng. Nay NHNN nới room tín dụng, nước (tiền) trong hồ sẽ chảy qua ruộng (NH) để giải tỏa hạn hán (thiếu tiền).

Ví von trên cho thấy nền kinh tế đang dựa nhiều vào tín dụng. Còn cụ thể hơn hãy nhìn vào các con số: Tín dụng tăng trưởng từ đầu năm đến nay trên 12%, tương đương 1,4 triệu tỷ đồng đã được cung ứng cho nền kinh tế. Như vậy, nếu giải ngân hết chỉ tiêu 15,5-16% sau nới trần, tức thêm khoảng 300.000-400.000 tỷ đồng nữa, năm nay nền kinh tế sẽ hấp thụ khoảng 1,7-1,8 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, kênh huy động vốn quan trọng khác là TPDN đang giảm tốc. Từ đầu năm đến cuối tháng 11, có 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng, và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 242.865 tỷ đồng. Con số rất thấp so với tín dụng.

Đáng chú ý, trong đó nhóm NH đã phát hành huy động vốn đến 136.371 tỷ đồng, chiếm đến 53,8%. Phần còn lại cho số ít DN. Còn huy động vốn qua phát hành CP trên TTCK càng mờ nhạt hơn. Như vậy, nền kinh tế nói chung và DN nói riêng vẫn đang chủ yếu dựa vào tín dụng NH để hoạt động. Điều này ngược với các nước có nền tài chính phát triển, nhu cầu vốn của thị trường được phân chia cung ứng 3 trụ cột chính là chứng khoán, TP và tín dụng NH. Trong đó tín dụng NH cung ứng vốn ngắn hạn, thị trường TP và CP là nơi cung ứng vốn trung và dài hạn, các kênh này hài hòa với nhau.

Sự lệch pha này tại Việt Nam đang tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống NH. Theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, tổng nguồn vốn ngắn hạn của ngành NH hiện nay trên 80%, trong khi đó NH đang cho vay trung và dài hạn đến 50% tổng dư nợ cho nền kinh tế. Con số này cho thấy biên độ chênh lệch rất lớn về mặt kỳ hạn giữa huy động và cho vay, cũng như đặt ngành này vào 2 rủi ro rất lớn.

Cần sớm sửa đổi Nghị định 65 về phát hành TPDN để “nguồn nước chảy vào ruộng nhiều hơn”. Phải xem TPDN là kênh rất quan trọng để cung cấp nguồn vốn trung hạn cho các DN, giảm gánh nặng vốn trung hạn cho các NH.

TS. TRẦN DU LỊCH

Thứ nhất, rủi ro về thanh khoản, rủi ro chi trả cho người gửi tiền. Người gửi tiền chỉ gửi khoảng 6 tháng, nhưng có khoảng 50% số tiền gửi 6 tháng được NH đầu tư đến 5-10 năm, thậm chí các dự án bất động sản đến 20 năm. Nếu dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh sẽ không có tiền trả nợ đến hạn 6 tháng cho người gửi tiền.

Thứ hai, rủi ro lãi suất. Lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi đó lãi suất cho vay trung, dài hạn thường 1 năm theo hợp đồng mới điều chỉnh. Như vậy, trong quá trình kinh doanh này NH đối mặt rất nhiều rủi ro lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao, môi trường lãi suất có biến động lớn hiện nay.

Quan ngại về những rủi ro này, NHNN đã đưa ra nhiều quy định về tỷ lệ an toàn, lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, để các NH nắn chỉnh lại hoạt động của mình theo hướng bền vững hơn. Song không thể để tình trạng này kéo dài mãi, cần khơi thông nhiều “hồ nước” khác ngoài “hồ nước” tín dụng để có nhiều nguồn nước cùng chảy vào ruộng, là vấn đề đang được đặt ra.

Thay đổi kênh cấp vốn trung và dài hạn

Về việc NHNN mở thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, băn khoăn với chỉ tiêu tín dụng được nới phục vụ cho 3 tuần cuối năm 2022, các NH sẽ phải huy động thêm vốn để cho vay, do đó đẩy cả lãi suất huy động và cho vay lên cao. Trong khi đó, tỷ lệ thanh khoản dư nợ/huy động tại nhiều NH đã vượt mức quy định tối đa 85% và tiếp cận 100%, trong khi khách hàng đều có thể rút tiền trước hạn. Đặc biệt, nhiều DN đang kẹt vốn vay trung và dài hạn, nếu NH cho vay để đáp ứng nhu cầu này, trong khi tiền gửi mới chủ yếu là ngắn hạn, sẽ tạo sự chênh lệch về kỳ hạn giữa cho vay và huy động quá lớn, làm tăng rủi ro thanh khoản.

Hiện tại ngoài tín dụng, các kênh vốn khác đều đang khó, đã khiến nhiều NH tăng lãi suất huy động lên để tìm kiếm nguồn tiền phục vụ nhu cầu tín dụng. Mới đây, Agribank công bố chào bán 100 triệu TP với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 8 năm. Tổng giá trị phát hành 10.000 tỷ đồng. Loại TP này được trả lãi định kỳ 1 năm 1 lần. Mục đích chào bán TP là sử dụng để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN. LienVietPostBank cũng vừa chốt lãi suất phát hành 4.000 tỷ đồng TP để bổ sung nguồn vốn huy động trung, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng quy mô vốn hoạt động và vay vốn trung, dài hạn của khách hàng. Cuối tháng 11, VietinBank cũng sửa đổi phương án phát hành TP ra công chúng năm 2022, từ mức phát hành tối đa 8.000 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng…

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định 65 về phát hành TPDN. Như TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đề xuất tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường TPDN. Tháo gỡ về cung để DN phát hành dễ thở hơn, còn cầu là các tổ chức như NH, quỹ đầu tư, quỹ mở, công ty khác… mạnh dạn đầu tư hơn vào TP của các DN. Đồng thời, Bộ Tài chính phải mở hơn nữa kênh phát hành ra công chúng, chẳng hạn giảm thời gian phê duyệt hồ sơ hiện tại là trong 60 ngày xuống còn 30 hoặc 15 ngày, để tăng tỷ lệ TP phát hành ra công chúng trong tổng giá trị phát hành.

Các tin khác