Với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của suối, thác, rừng xanh, Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (giáp ranh giữa huyện K’bang - Gia Lai và An Lão - Bình Định) đã cuốn hút đến mê mẩn rất nhiều du khách. Chúng tôi đã làm một chuyến hành trình đi qua những bản làng của người Ba Na giữa mùa hoa sim tím làm đắm say du khách chẳng muốn quay về.
Bản làng Ba Na bình dị giữa rừng
Từ cuối tháng 3 đến tháng 4 dương lịch, một số du khách ưa khám phá mách nước chúng tôi nên trải nghiệm khám phá Kon Chư Răng bởi những đồi sim bạt ngàn đang nở rộ. Từ thành phố Quy Nhơn (Bình Định) chúng tôi rong ruổi ngược lên huyện vùng cao An Lão. Sau cung đường dài đến Bồng Sơn, Hoài Nhơn, chúng tôi men theo dòng sông An Lão hiền hòa đến thị trấn An Lão. Dừng chân bên chợ An Lão nghỉ ngơi, mọi người tranh thủ hỏi người dân bản địa đường đến Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng.
Được người dân bản địa hiền hậu chỉ dẫn, chúng tôi tiếp tục trải qua đoạn đường đèo dốc hơn 40km với những cánh rừng xanh thăm thẳm trước khi lên xã An Toàn, nơi được xem như cổng trời và cũng là vùng sâu nhất của huyện An Lão nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung. Đến xã An Toàn, chúng tôi như lạc vào vùng đất xa lạ, nhiều thú vị của dân tộc Ba Na. Cả xã chỉ có 3 thôn với vài trăm nóc nhà đa số là người Ba Na.
Theo anh Đinh Văn Hương, một người bản địa dẫn đường cho khách kể, đồng bào Ba Na đã định cư lâu đời ở vùng miền núi nơi chuyển tiếp của dãy Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam. Những người Ba Na vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Họ chủ sống yếu trong những căn nhà sàn bằng gỗ với mái dốc nhọn dần lên đỉnh. Đặc biệt là nhà Rông- nơi sinh hoạt cộng đồng vẫn được bà con gìn giữ ở mỗi thôn, xóm.
Người Ba Na ở xã An Toàn vẫn còn giữ tập tục dựng chòi ở bìa rừng để cất giữ lương thực. Hàng chục chiếc chòi nhỏ kiểu nhà sàn với 4 chân cột bằng gỗ hiện ra giữa rừng núi hoang sơ khiến du khách vừa thích thú, vừa lạ lẫm. Do có diện tích đồi cỏ rộng lớn, nên người Ba Na thường nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế. Đàn trâu, bò chúng tôi bắt gặp trên đường cũng chính là tài sản lớn nhất của đồng bào Ba Na.
Vào những dịp lễ, tết hay ngày hội của thôn bản, những chàng trai, cô gái Ba Na vẫn mặc bộ trang phục thổ cẩm truyền thống, cùng với dải vải thắt ngang trên trán vô cùng ấn tượng. Cũng như nhiều đồng bào dân tộc vùng cao khác chúng tôi từng tiếp xúc, người Ba Na ở xã An Toàn tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng rất mến khách. Ngoài ngôn ngữ tiếng Ba Na, đa số đồng bào ở đây nói được tiếng Kinh. Với nước da bánh mật, vẻ hiền hậu cùng nụ cười luôn luôn nở trên môi, gặp chúng tôi họ thân thiện mời vào nhà cùng trải nghiệm cuộc sống. Các em nhỏ còn mạnh dạn rủ các thành viên trong đoàn ra sân đá bóng cùng.
Mấy năm nay do nhu cầu đi khám phá trải nghiệm Kon Chư Răng từ TPHCM, Quy Nhơn tăng mạnh, nên chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con Ba Na dựng homestay phục vụ du khách, cùng nhau thưởng thức men say rượu cần trong căn nhà sàn. Ngoài ra, nếu đến đúng dịp lễ hội du khách còn được xem những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống múa cùng nhạc cụ dân tộc.
Chinh phục thác K50
Sau 1 ngày khám phá, trải nghiệm cuộc sống ở thôn người Ba Na, hôm sau chúng tôi theo chân anh Đinh Văn Hương tiến vào Kon Chư Răng. Từ thôn 1, xã An Toàn, mọi người có thể đi xe máy theo con đường mòn thêm một đoạn nữa trước khi gửi xe ở bìa rừng để bắt đầu cuốc bộ. Đi bộ một đoạn chúng tôi đã lạc vào vùng thảo nguyên rừng sim bạt ngàn. Không còn một bóng nhà nào nữa, trước mắt chúng tôi chỉ là con đường mòn băng qua từng thảm cỏ xanh, với những lùm cây sim hút hết tầm mắt.
Đi đúng dịp hoa sim tím đang bung nở khiến khung cảnh núi rừng càng trở nên tươi đẹp, lộng lẫy. “Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt” - câu ca ngất ngây dựa theo ý thơ của Hữu Loan, dường như đúng với khung cảnh lúc này chúng tôi được chứng kiến.
Đoàn chúng tôi phải mất cả tiếng để băng qua những đồi hoa sim và thảo nguyên. Càng vào sâu trong rừng, cảnh tượng càng trở nên hoang sơ, đầy mê hoặc. Mọi người thích thú khi được lội qua dòng suối trong vắt, mát lạnh, có đoạn lại luồn qua rừng cây rậm rạp, nơi ánh nắng chói chang đang tỏa xuống. Theo anh Hương, với những du khách có sức khỏe, quen đi bộ có thể khám phá Kon Chư Răng trong 2 ngày 1 đêm. Đặc biệt từ thôn 1, xã An Toàn tới thác K50 (dân bản địa quen gọi thác Hang Én) phải mất khoảng 6-7 giờ đi bộ.
Kon Chư Răng rộng gần 16.000ha thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi và Bình Định. Trong đó vùng lõi của Khu bảo tồn Thiên nhiên chính là điểm giáp ranh giữa Bình Đình và Gia Lai có phong cảnh kỳ vĩ nhất. Đi từ sáng sớm đến giữa trưa, nhóm đã đặt chân tới lõi cánh rừng. Ở đây, hầu như không một bóng người, thỉnh thoảng tôi chỉ gặp vài người dân bản địa đi rừng mưu sinh. Những thảm rừng nhiệt đới cùng với suối, thác đan xen nhau tạo lên một Kon Chư Răng vô cùng hoang vu, cuốn hút. Nó vô cùng thích hợp cho những chuyến đi khám phá, trải nghiệm, sinh tồn xen lẫn chút mạo hiểm cho người đam mê du lịch bụi.
Khi chính thức đặt chân tới bên dưới dòng thác K50, mọi người mới hiểu thế nào là sự hùng vĩ của một thắng cảnh được mẹ thiên nhiên ban tặng cho nơi này. Toàn bộ Khu bảo tồn thiên nhiên có khoảng 10 ngọn thác, nhưng K50 vẫn nổi trội nhất, trở thành điểm chinh phục ấn tượng nhất trong chuyến khám phá Kon Chư Răng của các đoàn du khách. Theo chỉ dẫn, thác K50 thuộc huyện K’Bang, Gia Lai, nằm sát trên đường phân định ranh giới giữa 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định.
Nhìn từ xa, chúng ta đa thấy những dòng nước trắng xóa đổ từ trên vách đá cao hơn 50m xuống, mang theo những tia nước bay xa hàng trăm mét. Tiếng nước ào ào, gầm thét đứng cách đó cả km đã nghe thấy khiến mọi người thêm phấn khích. Xung quanh dòng thác là thảm thực vật đa dạng với cỏ cây xanh mướt, cùng với những loài hoa rừng nhiều sắc mầu. Giữa tiết trời oi nóng của vùng giáp ranh Nam Trung bộ và Tây nguyên, nhưng khi ngồi gần thác K50 chúng ta lại có cảm giác lành lạnh do hơi nước bốc ra. Xa xa, dưới chân thác là những phiến đá khổng lồ cùng hồ nước trong xanh, phẳng lặng đã tạo ra một bức tranh thiên nhiên đẹp mê hồn.
Hành trình khám phá Kon Chư Răng chính là để bản thân trở về với thiên nhiên, hòa mình vào vạn vật cỏ cây, suối thác. Chuyến trải nghiệm từ xã An Toàn đến thác K50 đã giúp du khách cảm nhận được hết vẻ đẹp thiên nhiên cùng sự hấp dẫn của văn hóa bản địa truyền thống người Ba Na.
Hiện nay có 2 cung đường chính dành cho du khách khám phá Kon Chư Răng: 1Từ TPHCM du khách bắt xe đến Quy Nhơn, sau đó thuê xe máy để bắt đầu hành trình lên huyện An Lão, rồi tới xã An Toàn thuê porter bản địa dẫn đường vào rừng (cung này rất phù hợp với dân phượt). 2 Từ TPHCM bắt xe lên Pleiku, tiếp tục di chuyển gần 100km nữa đến trung tâm huyện K’Bang (Gia Lai) rồi ngược hơn 50km để tới Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Ở đó, du khách có thể tìm và đăng ký trước với người porter dẫn đường chuyên nghiệp. Xuất phát vào rừng từ điểm Trại Bò. Để khám phá Kon Chư Răng, là khu rừng nhiệt đới có rất nhiều vắt, rắn, rết, do đó du khách phải có đồ đi rừng, bảo hộ chuyên nghiệp kèm theo thuốc men phòng bệnh… |