Khó khăn vẫn bủa vây

(ĐTTCO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Thông tin này được cộng đồng DN hào hứng đón nhận nhưng vẫn còn đó khá nhiều băn khoăn.
 
Chờ triển khai thực tế

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết cộng đồng DN rất mừng trước thông tin Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh kiểm tra đối với DN. Bởi hiện nay DN, nhất là DN tại các tỉnh, DNNVV bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các cuộc thanh kiểm tra. Nhưng quan trọng là từ chỉ thị của Thủ tướng khi triển khai xuống các bộ, ban, ngành sẽ ra sao.
 Việc Thủ tướng ký Chỉ thị 20/CT-TTg là hết sức cần thiết. Song làm sao giảm chi phí cho DN cũng là vấn đề được bàn tới trong cuộc gặp Thủ tướng và DN, nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Hay bài toán công nghệ và đổi mới sản phẩm của DN vẫn loay hoay chưa tìm được lời giải.
TS. Trần Du Lịch,
thành viên Hội đồng Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia
Theo ông Việt Anh, trước khi thực hiện việc thanh, kiểm tra DN 1 lần/năm nên báo trước để DN chuẩn bị, và nếu có đoàn liên ngành nên kiểm tra chung 1 lần. DN trong bối cảnh hiện nay chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh nếu liên tục tiếp đón các đoàn kiểm tra, trong khi không có sự chuẩn bị trước thường dẫn đến tâm lý hoang mang.
Thực tế có không ít DN sai phạm, nhưng các cơ quan chức năng nên khoanh vùng, DN nào hay sai phạm thì tăng cường kiểm tra, những DN tuân thủ nhiều năm có thể kiểm tra 1 năm/lần, vài năm /lần. 

Trước khi có Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại TPHCM các lãnh đạo TP cũng đã có những yêu cầu sở ngành, quận huyện công khai kế hoạch thanh kiểm tra để DN thuận lợi theo dõi, chủ động tuân thủ. Mục đích của thanh kiểm tra nhằm giúp DN chấn chỉnh, sửa chữa.
Nhận định về việc thanh kiểm tra tại TP, phía hiệp hội cho rằng các sở ngành TP thực hiện theo chỉ đạo của chính quyền khá tốt. Đặc biệt tại mỗi quận huyện đều có hiệp hội DN nên các thông tin thanh kiểm tra đều có phản ánh đến hiệp hội, nếu có vấn đề sẽ can thiệp ngay, nên những vấn đề như thanh kiểm tra nhiều, không báo trước đã hạn chế khá nhiều. 

Tại những quận có cộng đồng DN hoạt động mạnh như Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Phú… hiệp hội là cầu nối giữa DN với chính quyền, nên việc thanh kiểm tra khá dễ dàng. “Nói như vậy để thấy vai trò của hiệp hội DN và lãnh đạo địa phương rất quan trọng. Những cuộc thanh kiểm tra như mùa khô kiểm tra phòng cháy chữa cháy hay vấn đề môi trường, xử lý nước thải là tốt cho DN, bởi nó giống như cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhưng làm phải đúng và không chồng chéo” - ông Việt Anh khẳng định. 


Vay 10 tỷ đồng thế chấp tài sản 15 tỷ đồng!

Tại buổi gặp gỡ, giao lưu giữa DN với các cơ quan ban ngành, tổ chức tín dụng, DN hội viên do Hiệp hội DN TPHCM tổ chức mới đây, ông Hồ Lê Xuân Nam, đại diện một DN nói về những khó khăn của DN mình khi đi tìm nguồn vốn vay để trang bị thêm công nghệ, thiết bị, mở rộng thị trường.
Theo ông Nam khi thành lập đến nay DN của ông đã trang bị được một số công nghệ, đưa sản phẩm ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Vừa rồi, DN muốn phát triển mở rộng quy mô nhưng việc tìm vốn rất khó.
Ông đã tham dự nhiều chương trình hội nghị, hội thảo, thậm chí thông qua một hội nghị của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, DN của ông đã được chuyển hồ sơ qua một ngân hàng. Nhưng khi tới nơi ngân hàng cho biết muốn vay 10 tỷ đồng phải có tài sản thế chấp tương đương 15 tỷ đồng.
“Chúng tôi là DN nhỏ lấy đâu ra tài sản như đất đai để thế chấp, chỉ có thể cầm cố máy móc hình thành từ vốn vay. Vậy giờ chúng tôi phải tìm đến đâu, gõ cửa cơ quan nào” - ông Nam đặt câu hỏi. 

Liên quan đến chuyện vốn, bà Nguyễn Thị Thiêm, Chủ tịch hội DN quận 9, đặt câu hỏi với quỹ bảo lãnh tín dụng TPHCM làm sao để quỹ “bớt ế”. Theo phản ánh lâu nay của DN, việc tiếp cận các quỹ tín dụng tưởng dễ hơn so với ngân hàng, nhưng thủ tục cũng trần ai không kém, vì thế số lượng DN tiếp cận được nguồn quỹ này cũng rất hạn chế. 

Đại diện quỹ bảo lãnh tín dụng TPHCM cho biết từ năm 2014 đến nay quỹ chủ yếu thực hiện nghiệp vụ xử lý nợ, cung cấp thông tin, xây dựng phương án tài chính, dự án đầu tư cho DN, hầu như không thực hiện được hợp đồng bảo lãnh tín dụng nào, nhất là từ khi Quyết định 58/2013/QĐ-TTg ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ra đời. Theo ý kiến của một số DN, Nhà nước hình thành quỹ này có nghĩa chấp nhận chia sẻ rủi ro, nên đang rất kỳ vọng Quyết định 58 sẽ sớm được sửa đổi. 

Những khó khăn của DN còn rất nhiều và những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ DN phải tự nỗ lực vươn lên. Theo TS. Trần Du Lịch, 3 việc cần làm hiện nay là tạo thể chế kinh tế tốt, tạo môi trường bình đẳng và sự ổn định chính sách.

Các tin khác