Khó kỳ vọng gia tăng cho vay tín chấp

Trước tình hình tín dụng tăng trưởng chậm trong hơn nửa đầu năm, NHNN đã có chỉ đạo các NH xếp hạng tín dụng doanh nghiệp (DN) để tăng cho vay tín chấp. Song theo lãnh đạo nhiều NH, khó có thể thực hiện quyết liệt chủ trương này, vì trong bối cảnh rủi ro nợ xấu tăng cao và người chịu trách nhiệm đối với khoản vay vẫn chính là NHTM.

Trước tình hình tín dụng tăng trưởng chậm trong hơn nửa đầu năm, NHNN đã có chỉ đạo các NH xếp hạng tín dụng doanh nghiệp (DN) để tăng cho vay tín chấp. Song theo lãnh đạo nhiều NH, khó có thể thực hiện quyết liệt chủ trương này, vì trong bối cảnh rủi ro nợ xấu tăng cao và người chịu trách nhiệm đối với khoản vay vẫn chính là NHTM.

Dù lãi suất cho vay đã giảm và quan hệ tín dụng không còn là trở ngại trong tiếp cận vốn NH, nhưng cái khó đối với DN đó là họ không còn nhà xưởng, điều kiện để làm tài sản thế chấp. Trong khi tín dụng 7 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng ì ạch và khả năng khó  đạt mục tiêu 12-14% trong năm nay. Chính vì vậy NHNN vừa có Văn bản 5342/NHNN/TTGSNH gửi các NHTM yêu cầu đẩy mạnh việc cho vay vốn ra thị trường, đặc biệt cho vay tín chấp.

NHNN yêu cầu các NH xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin để đánh giá tín nhiệm khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN, cũng như hệ thống xếp hạng nội bộ để làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp đối với DN. Qua đó, tháo gỡ khó khăn về vốn cho những DN có dự án  kinh doanh tốt, nhưng thiếu tài sản đảm bảo để thế chấp NH vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Xếp hạng tín nhiệm DN cho vay tín chấp NHTM phải kiểm soát được rủi ro. Còn để đạt được mục tiêu tăng tín dụng phải phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, ngành NH không thể đơn phương kích cầu tín dụng, dù đã nỗ lực lớn trong khơi thông vốn, giảm lãi suất hay đẩy mạnh cho vay tín chấp.

Ông Nguyễn Phước Thanh,
Phó Thống đốc NHNN

Thế nhưng, khi chủ trương đưa ra đã gặp phải phản ứng từ phía các NH. Thực tế hiện nay cho thấy, các NHTM đang phải đối mặt với một thách thức lớn là huy động về không thể cho vay ra, nhưng nhiều NH đã thẳng thắn cho biết “thà từ chối nhầm còn hơn cho vay nhầm, hay nói cách khác là thà để tiền trong kho còn hơn cho vay ra để gánh nợ khó đòi”.

Vì tình hình kinh tế hiện nay đang tạo ra nhiều khó khăn đối với DN và cả NH. Trong khi đó, hoạt động cho vay của NH là tính toán ở thời điểm hiện tại, còn cho vay tính đến tương lai nên không thể đoán trước được rủi ro. Vì thế sẽ rất khó để thực hiện chủ trương trên.

Nhiều DN bất bình cho rằng hoạt động tín dụng của NH hiện nay không khác gì tiệm cầm đồ. Nhưng NH cũng cho rằng hoạt động NH cũng là DN, phải kiểm soát rủi ro nên yếu tố cần đầu tiên là tài sản đảm bảo, ngoại trừ DN tốt, dự án khả thi... mới cho vay tín chấp, nhưng loại hình DN này hiện rất ít. Thực tế không phải đến thời điểm này các NH mới bắt đầu xếp hạng tín nhiệm để cho vay tín chấp, mà hoạt động tín dụng không tài sản đảm bảo đã được các NH triển khai từ rất lâu.

Nhưng trong 3 năm trở lại đây, dường như tín dụng tín chấp dần thu hẹp, đặc biệt là trước tình hình rủi ro nợ xấu từ khoản vay cũ do sức mua của thị trường và tồn kho chưa cải thiện. Việc xếp hạng tín nhiệm và quyết định trao vốn là hoàn toàn do các NHTM quyết định.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TPHCM, ông Phạm Ngọc Hưng, cho rằng chủ trương của NHNN đưa ra trong bối cảnh hiện nay chỉ làm yên lòng DN. Còn thực tế triển khai lại là NHTM. Bởi NHTM cũng là một định chế tài chính và họ phải chịu sự chỉ đạo của NHNN và người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với khoản vay chính là cán bộ tín dụng, kể cả với pháp luật. Do đó, NHTM sẽ thận trọng khi đẩy vốn cho vay không tài sản đảm bảo, nhất là khi nợ xấu đang tăng.

Tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: LONG THANH

Tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: LONG THANH

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM, cho biết tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM ước 7 tháng đầu năm nay tăng 3,3% so với đầu năm 2014, nhưng tỷ lệ nợ xấu của các NH vẫn ở mức 4,65%, không giảm nhiều so với đầu năm, cho dù đã xử lý được lượng nợ xấu khổng lồ 8.000 tỷ đồng tính đến thời điểm cuối tháng 7-2014.

Tuy nhiên, nguồn xử lý nợ xấu của các NH chủ yếu là do trích lập dự phòng, còn xử lý thu tiền mặt và phát mãi tài sản rất ít. Vì thế, ông Minh cho rằng hiện các NHTM trên địa bàn đang triển khai xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp nhưng cũng dè chừng. Bởi rủi ro cho vay tín chấp cao nên đòi hỏi trích dự phòng phải cao hơn.

Các tin khác