Khó thu thuế các hoạt động livestream bán hàng từ Trung Quốc

(ĐTTCO) - Khi các doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng thông qua hình thức phát sóng trực tiếp có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI livestream), người mua hàng ở Việt Nam, với hình thức giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, liệu cơ quan thuế Việt Nam có thu được thuế không? 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Lỗ hổng pháp lý

Livestream (phát sóng trực tiếp) để bán hàng không còn quá xa lạ với người bán lẫn người mua hiện nay. Nhiều dự báo đã cho thấy, livestream không chỉ là một xu hướng bán hàng trực tuyến, mà sẽ sớm trở thành một ngành công nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam, như đã và đang diễn ra tại Trung Quốc.

Tuy có tiềm năng phát triển to lớn, nhưng hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này chưa thực sự đầy đủ, khiến việc quản lý hoạt động livestream bán hàng gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải thiết lập một hành lang pháp lý phù hợp để quản lý hoạt động livestream bán hàng.

AI livestream đang bùng nổ ở Trung Quốc, nhưng cơ quan chức năng của thị trường tỷ dân cũng đã “nhanh chân” ban hành quy định, tạo hành lang pháp lý cụ thể để kiểm soát và thu thuế từ hình thức bán hàng mới mẻ này.Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa thể quản lý hình thức này, vì thiếu công cụ pháp lý.

Trả lời trên báo chí, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết: Trong số những người kinh doanh trên sàn TMĐT cũng có những người livestream đăng ký hoặc không đăng ký kinh doanh.

Theo phân tích, nhóm 1 là doanh thu từ bán hàng, livestream chưa đến 100 triệu đồng/năm, nên chưa phải nộp thuế. Nhóm thứ 2 không biết cách để đăng ký, kê khai, nộp thuế. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan thuế đã có kênh tuyên truyền, hỗ trợ người kinh doanh kê khai, nộp thuế triển khai thực hiện.

Nhóm thứ 3 là cố tình không kê khai, nộp thuế. Cơ quan thuế có dữ liệu để cảnh báo rủi ro, chế tài và xử phạt nhóm này. Thí dụ, đối với hình thức livestream, cơ quan thuế có công cụ đếm lượt xem, dự đoán khả năng bán hàng, và sau đó phối hợp với các cơ quan ban ngành thực hiện điều tra doanh thu.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay, thuế suất thuế kinh doanh TMĐT với cá nhân, hộ kinh doanh dao động từ 1,5 - 10%. Nếu thu nhập từ kinh doanh 100 triệu đồng một năm trở lên phải nộp thuế. Thí dụ, người bán hàng online sẽ nộp thuế 1,5%/doanh thu (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân).

Riêng những người có thu nhập từ các trang mạng như Facebook, Google, YouTube... sẽ nộp mức thuế 7% trên thu nhập (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân). Như vậy, giả sử cá nhân thu nhập lên đến 40 tỷ đồng/năm, số thuế phải nộp cho Nhà nước khoảng 2,8 tỷ đồng.

Song, câu chuyện trên là đối với những doanh nghiệp, cá nhân livestream bán hàng đang ở tại Việt Nam và có điều kiện để xác định. Còn đối với những cá nhân, tổ chức bán hàng qua hình thức livestream xuyên biên giới (chẳng hạn như ở Trung Quốc), thậm chí dùng công nghệ AI livestream thì sao, cơ quan thuế dường như vẫn chưa có thể kiểm soát và thu được thuế từ những giao dịch này.

Trao đổi với ĐTTC, TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết, Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong việc quản lý các nền tảng livestream xuyên biên giới. Nếu như Trung Quốc, nơi các doanh nghiệp nước ngoài không được phép kinh doanh nền tảng livestream, vì mọi truy cập từ Trung Quốc tới các nền tảng bên ngoài đều bị chặn bởi hệ thống tường lửa, còn ở Việt Nam, các nền tảng livestream đa phần đều có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm khi livestream trên các nền tảng này.

Bởi các nền tảng này không yêu cầu người dùng phải xác minh danh tính khi đăng ký tài khoản và khi phát livestream. Do đó, khi phát hiện vi phạm thường khó xử lý hành chính vì khó xác định được nhân thân chủ thể vi phạm.

Thêm vào đó, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ trong việc quản lý chủ phòng livestream và người livestream. Điều này dẫn đến việc quản lý thiếu toàn diện và đồng bộ, trong trường hợp tư cách của 3 chủ thể người bán, chủ phòng livestream và người livestream khác nhau.

Trong khi đó, pháp luật Trung Quốc đã quy định tương đối rõ ràng một số nghĩa vụ của nền tảng livestream, bao gồm xác định danh tính chủ phòng livestream và người livestream, yêu cầu chủ phòng livestream thực hiện đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế theo quy định, thiết lập danh sách chủ phòng livestream và người livestream vi phạm.

Trung Quốc quản lý thuế và hàm ý cho Việt Nam

Theo một số chuyên gia, để quản lý và thu được thuế từ các giao dịch thương mại xuyên biên giới bằng hình thức livestream bán hàng, cụ thể là các doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam có thể tham khảo cách quản lý của chính Trung Quốc.

Đơn cử, khi livestream bán hàng, người livestream đóng vai trò là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo theo Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Tuy nhiên, định nghĩa “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” trong Luật Quảng cáo năm 2012 chưa thể hiện đầy đủ bản chất hành vi của người livestream trong quá trình livestream bán hàng.

Bởi lẽ, Luật Quảng cáo năm 2012 chỉ coi “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” là một phương tiện quảng cáo, tức chỉ coi họ như một “người mẫu, người trình diễn sản phẩm trưng bày cần được quảng cáo”.

Với đặc thù của hoạt động livestream bán hàng, khi thực hiện quảng cáo, người livestream đưa ra rất nhiều cam kết, xác thực về sản phẩm mang tính trải nghiệm cá nhân, để tạo niềm tin cho người xem về chất lượng của sản phẩm mình quảng cáo.

Bên cạnh đó, hình thức sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm trên sóng livestream tương đối phổ biến. Và mặt trái của hình thức quảng cáo này cũng đã và đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, khi những người nổi tiếng cam kết về trải nghiệm không có thật của bản thân đối với sản phẩm, gây ra định hướng sai lệch, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Nhưng với Trung Quốc, tình trạng “tranh tối tranh sáng” trong livestream bán hàng nói trên đã được cơ quan chức năng nước này quản lý chặt. Theo Khoản 4 Điều 2 Luật Quảng cáo Trung Quốc, người livestream được xác định có tư cách người phát ngôn quảng cáo là cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức khác, không phải là người quảng cáo giới thiệu hoặc chứng nhận hàng hóa và dịch vụ bằng tên hoặc hình ảnh của mình trong quảng cáo.

Quy định này tương đối rõ ràng và thể hiện được đầy đủ bản chất hành vi của người livestream, khi thực hiện những hành vi quảng cáo trong quá trình livestream bán hàng. Quản lý hoạt động livestream bán hàng xuyên biên giới của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang làm đau đầu các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có cơ quan thuế, quản lý thị trường, hải quan...

Nên chăng, chính sách quản lý hoạt động này của Trung Quốc, có thể là một hàm ý cho Việt Nam để hoàn thiện chính sách quản lý của mình.

Các tin khác